.

Lệ Thủy: Chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thứ Bảy, 11/03/2017, 09:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Toàn huyện Lệ Thủy có trên 2.900 cơ sở sản xuất CN, TTCN vừa và nhỏ, tạo việc làm cho 7.020 lao động. Các ngành nghề chủ yếu là khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, xay xát lúa gạo, sản xuất bún bánh, chiếu cói, nón lá, chổi đót. Việc phát triển CN, TTCN ở Lệ Thủy đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện của huyện. Năm 2016, giá trị sản xuất CN, TTCN của huyện ước đạt 337 tỷ đồng, tăng 8,93% so với năm 2015.

Tận dụng tối đa lợi thế và thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thời gian qua, huyện Lệ Thủy đã tích cực chỉ đạo, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở phát triển sản xuất CN, TTCN trên địa bàn; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện chính sách khuyến công để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở phát triển sản xuất. Nhờ vậy, các thành phần kinh tế đã tranh thủ, chủ động phát huy lợi thế để đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong năm 2016, UBND huyện đã phối hợp chỉ đạo thi công hoàn thành Nhà máy May Lệ Thủy tại khu công nghiệp Cam Liên và đưa vào hoạt động giai đoạn I với 30 chuyền, giải quyết việc làm cho gần 900 lao động.

Cũng theo định hướng này, cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói gạo Lệ Thủy của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy được thành lập từ tháng 10-2016 với hệ thống sản xuất, chế biến hiện đại. Từ lúa thành gạo trải qua 6 công đoạn: Tách rác – xay lúa – sàng tách gạo – giã (giã thô và giã tinh) – tách sạn và tấm – gạo.

Năm 2016, giá trị sản xuất CN, TTCN của huyện Lệ Thủy tăng 8,93% so với năm 2015.
Năm 2016, giá trị sản xuất CN, TTCN của huyện Lệ Thủy tăng 8,93% so với năm 2015.

Đến nay, cơ sở đã sản xuất được hơn 18 tấn gạo chất lượng cao cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện. Để tạo điểm nhấn trên chặng đường xây dựng nên thương hiệu “Gạo Lệ Thủy”, HTX sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng tiếp tục đầu tư dây chuyền xay xát để gạo Lệ Thủy ngày càng hiện đại, giữ hương vị gạo tự nhiên.

Chế biến lâm sản được phát triển tương đối mạnh nhờ có nhiều diện tích rừng trồng đã đến kỳ khai thác. Toàn huyện hiện có 47 xưởng cưa xẻ gỗ và doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này. Năm 2016, sản lượng khai thác gỗ đạt 48.430m3, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Do nhu cầu đồ gỗ gia dụng được nhân dân ưa chuộng, nên chế biến lâm sản ngày càng được chú trọng, có cơ hội phát triển lâu dài.

Tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu cát sỏi sẵn có và nhu cầu trong xây dựng dân dụng tăng, nhiều công ty sản xuất gạch ngói không nung trên địa bàn cũng phát triển mạnh. Công ty TNHH tư vấn XDTH Xuân Giang đầu tư đưa vào sản xuất dây chuyền gạch không nung. Công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất bao gồm: máy ép khuôn nhựa, 3 máy mài thủ công, 1 máy nén hơi, 2 máy trộn nguyên liệu để sản xuất gạch không nung, gạch lát vỉa hè, sân, lối đi, gạch ống, gạch thẻ xây dựng. Mỗi ngày, công ty sản xuất 100-150m2 gạch.

Sản phẩm Công ty sản xuất có nhiều chủng loại, sử dụng rộng rãi từ những công trình phụ trợ, dân dụng, đến các công trình, kiến trúc cao tầng; giá cả cũng phù hợp với từng loại công trình nên thời gian qua được rất nhiều nhà thầu xây dựng tín nhiệm và tin dùng. Phát triển dây chuyền sản xuất, Công ty đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/ người/tháng.

Lệ Thủy có bờ biển bãi ngang dài trên 30km, có tiềm năng về khai thác và chế biến thủy hải sản. Bên cạnh đó, thủy sản nuôi trồng tại một số địa phương cũng phát triển khá, góp phần làm tăng sản lượng thủy hải sản. Năm 2016, tổng sản lượng nuôi trồng đạt 2.280 tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ. 

Ở các địa phương ven biển, như: Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc, đã có nghề chế biến hải sản truyền thống và đang được phát huy. Nổi bật là các cơ sở sản xuất nước mắm có thương hiệu trên thị trường, tập trung ở Ngư Thủy Nam, tại các thôn: Liêm Tiến, Liêm Nam; Ngư Thủy Trung ở thôn Thượng Hải.

Riêng 3 cơ sở chế biến sứa ở Ngư Thủy Trung gần đây mỗi năm thu mua, sơ chế và bán ra thị trường hàng chục tấn sứa. Nghề khai thác, chế biến sứa biển đã mang lại nguồn thu nhập quan trọng và góp phần xoá đói giảm nghèo cho bà con ngư dân trên địa bàn, thu hút khách mua từ nhiều địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh. Chế biến thủy hải sản góp phần khuyến khích ngư nghiệp phát triển, làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao uy tín thương hiệu, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, đồng thời đóng góp cho ngân sách nhà nước ngày càng tăng thêm.

Trong những năm gần đây, chế biến nông sản trên địa bàn phát triển tương đối khá. Toàn huyện hiện có hơn 95 cơ sở xay xát lương thực, phân bố đều ở địa bàn các xã, thị trấn. Có máy xay xát lương thực trong các cụm dân cư, tạo thuận tiện cho nhân dân chế biến lương thực tại chỗ... Trong lĩnh vực nghề xay xát lúa gạo, tiêu biểu có cơ sở xay xát của chị Nguyễn Thị Nga ở xã Phong Thủy, trung bình mỗi năm gia đình chị Nga thu mua của bà con nông dân gần 15.000 tấn lúa, trung bình mỗi ngày thu mua, tiêu thụ trên 50 tấn.

Thị trường thu mua lúa của cơ sở chị Nga không chỉ riêng huyện Lệ Thủy mà cả vựa lúa các huyện Quảng Ninh, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Thị trường tiêu thụ gạo cũng được chị Nga tổ chức vươn ra các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm, gia đình chị Nga lãi trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động với thu nhập gần 6 triệu đồng/người/tháng.

Tiềm năng phát triển CN, TTCN còn dồi dào. Tuy nhiên để khai thác một cách có hiệu quả hơn, vấn đề đặt ra thời gian tiếp theo đối với Lệ Thủy là cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực phát triển CN, TTCN, làng nghề; chú trọng đến cấp cơ sở, các hộ dân, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; tuyên truyền cơ chế khuyến khích ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh, huyện đến các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân để thu hút, khai thác, huy động các nguồn vốn đầu tư; kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cam Liên, Thạch Bàn, đáp ứng các nhu cầu phát triển về trình độ kỹ thuật, công nghệ; bảo đảm vệ sinh môi trường... Năm 2016, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Lệ Thủy tăng 8,93% so với năm 2015.

Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)