.

Bất cập trong kiểm soát nông sản ngoại tỉnh - Kỳ 2: Cần đồng bộ và thường xuyên

Thứ Năm, 16/03/2017, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT)  - Việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của những rau, củ, quả trên thị trường tỉnh ta là câu chuyện không mới, tuy nhiên, vẫn chưa có lời giải đáp. Để kiểm soát tốt chất lượng rau, củ, quả nhập ngoại tỉnh, quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị chức năng, cũng như mỗi một cá nhân người tiêu dùng.

>> Kỳ 1: Nhập nhằng nguồn gốc, xuất xứ

Thực tế là trong khi người bán còn không phân biệt nổi, và thậm chí là không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ chất lượng của rau, củ, quả nhập ngoại tỉnh, thì người tiêu dùng cũng chỉ còn biết trông chờ vào sự vào cuộc của các cơ quan quản lí chức năng. Thế nhưng, không ít bất cập khiến cho sự vào cuộc của các cơ quan này gặp nhiều khó khăn.

Cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên của các lực lượng chức năng trong kiểm soát chất lượng rau, củ, quả ngoại tỉnh.
Cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên của các lực lượng chức năng trong kiểm soát chất lượng rau, củ, quả ngoại tỉnh.

Thực trạng hiện nay là hầu hết các cơ sở kinh doanh rau, củ, quả trên địa bàn là nhỏ lẻ, phân bố trong các chợ được phân cấp cho ngành Công thương quản lý. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Đạt, Chi Cục Trưởng Chi Cục Quản lý thị trường, đối với cơ quan quản lý thị trường, điều kiện và phương tiện kỹ thuật để xác định chất lượng rau, củ, trái cây là không có. Hơn nữa, chuyên ngành này không phải là chức năng của quản lý thị trường.

Riêng về vấn đề quản lý trái cây nhập khẩu (có yếu tố nước ngoài) trên thị trường, ngoài nguồn hàng nhập khẩu chính ngạch, trái cây còn được nhập tiểu ngạch qua biên giới các tỉnh phía Bắc... rồi chuyển về tiêu thụ tại các đô thị lớn, trong đó có Quảng Bình. Chính vì thế, việc quản lý nguồn gốc hoa quả nhập khẩu rất phức tạp. Chi cục vẫn nắm bắt thông tin những đối tượng kinh doanh lớn và khi có vấn đề nổi cộm, đơn vị mới cử người tới kiểm tra. Còn các tiểu thương bán lẻ tại các chợ dân sinh thì không thể kiểm soát được.

Bà Hồ Thị Tuyết Minh, Phó Chi Cục Trưởng Chi Cục QLCL nông lâm sản và thủy sản cho biết, hiện lực lượng thanh tra chuyên ngành về QLCL nông lâm thủy sản còn quá mỏng, kinh phí lại có hạn nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát nông sản trên các phương tiện vận chuyển trước khi vào tiêu thụ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các phòng kiểm nghiệm trong phân tích các chỉ tiêu về chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm trong sản phẩm rau, củ, quả chưa được trang bị đầy đủ và việc phân tích các chỉ tiêu về ATTP trên các mẫu rau, củ, quả mất rất nhiều thời gian (tối thiểu là 5 ngày nếu gửi phòng kiểm nghiệm). Trong khi đó, việc lấy mẫu kiểm tra nhanh chỉ mang tính cảnh báo, không làm căn cứ để xử lý vi phạm nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, năm 2016, đơn vị đã kiểm tra về tồn dư hóa chất, chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với các loại rau, củ, quả ngoại tỉnh thuộc các giống khó canh tác, dễ mẫn cảm với nhiều đối tượng sâu bệnh có thời gian từ thu hoạch, vận chuyển, bảo quản và xuất bán dài. Bởi đây thường là nhóm rau, củ, quả có thể có nguy cơ tồn dư về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản cao hơn rau, củ, quả trong tỉnh.

Chi cục đã lấy 100 mẫu các loại, trong đó 81 mẫu kiểm tra nhanh và 19 mẫu gửi phòng kiểm nghiệm và kết quả phát hiện 1 mẫu quả (sule) nguồn gốc ngoại tỉnh không bảo đảm an toàn, còn các mẫu rau, củ, quả sản xuất trên địa bàn đều bảo đảm an toàn với các chỉ tiêu phân tích.

Tuy nhiên, với kết quả phân tích (phát hiện 01/100 mẫu lấy) thì rõ ràng mới chỉ mang tính đại diện cho số ít mà chưa phải là kết quả phản ánh chính xác cho số lượng rau, củ, quả nhập về trong tỉnh trong thời gian một năm. Do vậy, công tác thanh, kiểm tra về ATTP đối với nguồn hàng rau, củ, quả nhập ngoại tỉnh vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.

Mặt khác, các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình vận chuyển nông sản chưa được cụ thể hóa thành các quy chuẩn nên còn khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đó là trường hợp người kinh doanh thường lấy hàng qua các xe vận tải, là các phương tiện chuyên chở thuê, không có chủ cơ sở đi kèm nên khó xử lý khi phát hiện vi phạm. Hình thức mua bán cũng chỉ thông qua hình thức giao dịch trên điện thoại không có giấy tờ liên quan nên khó kiểm soát, hay sản phẩm rau, củ, quả thường không có bao đóng gói, do vậy, có sự lẫn lộn giữa ngoại tỉnh và trong tỉnh, giữa nước ngoài và trong nước nên khó kiểm soát, bà Minh cho biết thêm.

Đáng nói, thói quen của người tiêu dùng lâu nay là “gặp đâu mua ở đó”, mà không nhất thiết phải vào siêu thị hay các điểm bán hàng có uy tín để mua thực phẩm rau, củ, quả... Một thói quen nữa cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và là “cơ hội” cho những thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn có “đất” để dụng võ. Đó là, người mua chẳng mấy quan tâm đến việc hỏi rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá và thường tin vào người bán hàng là chính.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu rau, củ, quả ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của người tiêu dùng trong tỉnh, trước hết các cấp, các ngành cần có giải pháp trong việc quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung theo mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng. Điều này đòi hỏi các địa phương trên địa bàn tỉnh phải tăng cường công tác hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là nhân rộng các mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn... Bởi sau một thời gian triển khai, những mô hình trồng rau, quả theo hướng Viet Gap trên địa bàn tỉnh, đến nay đã đem lại hiệu quả về nhiều mặt, từ kinh tế, vệ sinh thực phẩm đến sức khỏe và môi trường.

Một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng rau, củ, quả nhập về chính là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên của các lực lượng chức năng liên quan. Mỗi đơn vị quản lý phải tăng cường các giải pháp kiểm soát nguồn gốc rau, củ, quả nhằm bảo đảm về ATTP đối với các sản phẩm được nhập từ ngoại tỉnh.

Những mô hình trồng rau, quả theo hướng VietGap trên địa bàn tỉnh đem lại hiệu quả.
Những mô hình trồng rau, quả theo hướng VietGap trên địa bàn tỉnh đem lại hiệu quả.

Theo đó, ngành Công thương cần tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các chợ đối với mặt hàng rau, củ, trái cây liên quan đến nhập khẩu từ nước ngoài; ngành Nông nghiệp chú trọng lấy mẫu phân tích chỉ tiêu ATTP và tích cực tổ chức các đợt thanh kiểm, tra liên ngành, nhất là nguồn thực phẩm, rau, củ, quả trên địa bàn. Qua đó, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm và kiên quyết các trường hợp vi phạm về ATTP, đồng thời tẩy chay các sản phẩm rau, củ, quả không an toàn.

Bằng cảm quan, kinh nghiệm thì người tiêu dùng và cán bộ kiểm tra đều không thể lựa chọn chính xác được thực phẩm an toàn. Vì vậy, việc lấy mẫu kiểm tra, phân tích có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ công tác giám sát ATTP. Những kết quả kiểm định này giúp cho cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt, đồng thời tiêu hủy sản phẩm nếu không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hiện các thiết bị, test kiểm tra ATTP, test nhanh rau, củ, quả có giá khá đắt. Do vậy, cần hỗ trợ nâng cao năng lực của các phòng kiểm nghiệm trong việc kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP.

Bên cạnh đó, việc cần làm trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả cho các cơ sở và cá nhân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân. Qua đó, cảnh báo để người kinh doanh lẫn người tiêu dùng phải cảnh giác với các nguồn rau, củ, quả nhập về giá rẻ, nguồn gốc không rõ ràng và kém chất lượng.

N.L