.

Xanh lại những cánh rừng cao su

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu năm 2017, một tin vui đến với người trồng cây cao su là giá mủ  cao su cốm trên thị trường liên tục tăng. Đến cuối tháng 2-2017, giá bán mủ cao su tại cửa khẩu Móng Cái xấp xỉ 54 triệu đồng/tấn, tăng 25 triệu đồng so với giá quý 3-2016 và đang trên đà tăng.

Mới đây, khi nghe tin giá cao su tăng cao, chúng tôi đã đến Công ty TNHH MTV Lệ Ninh và Công ty TNHH MTV Việt Trung để tìm hiểu tình hình. Qua tâm sự của Giám đốc Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Nguyễn Ngọc Sơn, được biết, thời gian qua Công ty đã tập trung nguồn lực để phục hồi lại vườn cây cao su và tiến hành sắp xếp lại mô hình doanh nghiệp theo tinh thần Nghị định 118/NĐ-CP của Chính phủ, bước đầu tạo sự ổn định. Nhờ giá cao su tăng, công nhân lao động rất phấn khởi, yên tâm phát triển vườn cây. Thời điểm giá cao su xuống thấp nhất là đầu năm 2016, với mức bán ra 26 triệu đồng/tấn, chỉ bằng 1/3 giá so với cuối năm 2012.

Vườn cây cao su mới trồng của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh.
Vườn cây cao su mới trồng của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh.

Từ đầu quý 4-2016 đến nay, giá cao su liên tục tăng. Theo đó, Công ty cũng điều chỉnh giá thu mua cao su mủ đông tăng tương ứng. Cụ thể, tại thời điểm tháng 2-2017, giá thu mua mủ đông 19.000 đồng/kg, giá xuất kho cao su mủ khô 52 triệu đồng/tấn. Như vậy, mỗi ha cao su người trồng đã có lãi trên 20 triệu đồng/năm.

Đến thăm Công ty TNHH MTV Việt Trung được ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty cho biết, thiệt hại do bão số 10-2013 gây ra cho Công ty quá sức tưởng tượng, thêm vào đó, giá cao su không ngừng sụt giảm.  Từ cuối năm 2016 đến nay, nhờ cao su tăng giá mà đời sống của cán bộ công nhân Công ty được cải thiện và điều quan trọng hơn là niềm tin sắt son của người trồng cây cao su càng được củng cố. Xác định trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su là ngành chính, Công ty đã thường xuyên chú trọng việc đầu tư hợp lý, áp dụng tiến bộ KHKT để tăng năng suất.

Kết quả, 3 năm qua, công ty đã trồng gần 800ha cây cao su, dự kiến các năm sau trồng thêm từ 150-200ha cao su mỗi năm, để đến năm 2020 khôi phục lại toàn bộ vườn cây cao su, đạt khoảng 2.500ha. Ông Nguyễn Văn Minh tâm sự, khi giá cao su xuống thấp, không ít người tỏ ra dao động. Một số hộ trồng cao su tiểu điền không trụ được, đã chặt bỏ vườn cây cao su để thay thế cây trồng khác. Bây giờ, giá cao su lên bà con rất tiếc.

Công ty TNHH MTV Lệ Ninh vẫn xác định sản xuất cây cao su là hướng phát triển chủ yếu lâu dài, là sự sống còn của đơn vị. Sau bão số 10-2016, Công ty đã tập trung nguồn lực cho việc khắc phục lại vườn cây cao su, đồng thời, xin chuyển đổi 300 ha đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su tại tiểu khu 400 và 402 thuộc xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy. Điều đáng mừng là vào thời điểm khó khăn này, Công ty được Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Bình hỗ trợ nguồn vốn để trồng mới cây cao su. Ba năm qua, công ty đã trồng được 320ha cao su, riêng 2 năm 2015 và 2016, mỗi năm trồng được 100ha, đưa tổng vườn cây cao su lên 2.000ha.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, rút kinh nghiệm qua cơn bão số 10, trong việc đầu tư trồng mới cây cao su, công ty đã áp dụng giải pháp nhằm hạn chế rủi ro. Trước khi bắt đầu khai hoang, trồng mới, Công ty chú trọng thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do Tập đoàn Cao su Việt Nam hướng dẫn. Đó là, thiết kế lô trồng khoảng cách vừa phải, các lô cao su đều thiết kế đai rừng chắn gió. Chọn các loại giống Rrim712, Rrim600, Rric100, Rric121, theo sự khuyến cáo của Tập đoàn Cao su Việt Nam đưa vào canh tác.

Mặc dù trong bối cảnh nguồn vốn hết sức eo hẹp, nhưng Công ty vẫn quyết định đầu tư trên một tỷ đồng để làm hàng rào dây thép gai bảo vệ tất cả các vườn cây mới trồng, không để xảy ra tình trạng trâu bò thả rông vào vườn cây non phá hoại. Công ty đã chỉ đạo các đội sản xuất áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật trồng cây cao su, coi trọng khâu giống và đầu tư đủ số lượng phân bón, nên vườn cao su mới trồng đều phát triển tốt, tỷ lệ cây trồng sống đạt trên 95%.

Ông Lê Văn Thiên, công nhân đội trồng cao su Công ty TNHH MTV Lệ Ninh dẫn chúng tôi thăm vườn cây cao su 3 năm tuổi. Vườn cây của ông phát triển xanh tốt nhất trong đội. Cây được trồng ngay hàng thẳng lối, tỷ lệ cây sống gần 100%, sau 3 năm cây đã cao trên 3-3,5m, tương đương với vườn cây 5 năm tuổi ở những vùng đất khác.

Ông nói, gia đình ông nhận 4ha để trồng và chăm sóc cây cao su, mỗi ha, tiền công chăm sóc là 8,4 triệu đồng/năm và trồng thêm lạc dưới gốc cao su cũng đủ trang trải cho gia đình. Nhờ cây cao su, các hộ gia đình công nhân trong đội ổn định đời sống, có tiền lo cho con cái học hành. Nếu thời tiết thuận lợi, 2-3 năm nữa vườn cây của các gia đình công nhân sẽ được cạo mủ, khi đó đời sống sẽ khá hơn.

Để quản lý chất lượng vườn cây, Công ty đã áp dụng biện pháp khoán hộ thông qua hợp đồng kinh tế. Bình quân mỗi hộ được giao 4 ha. Khi cao su đến thời kỳ khai thác, Công ty tiến hành thanh lý hợp đồng, đánh giá chất lượng vườn cây và tiếp tục giao lại cho hộ khai thác bán sản phẩm cho Công ty theo giá thỏa thuận. Theo ông Giám đốc Công ty, cây cao su của Công ty trồng thời gian qua đều là loại giống chất lượng cao, chỉ sau 5-6 năm là có thể đưa vào khai thác, thu hồi vốn.

Chế biến mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Việt Trung.
Chế biến mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Việt Trung.

Trong bối cảnh đang khó khăn về nguồn vốn để đầu tư tái điền vườn cây cao su, Công ty TNHH MTV Lệ Ninh đã linh hoạt, sáng tạo thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Cụ thể là, Công ty chỉ đạo các đội sản xuất tận dụng số diện tích đất chuẩn bị cho trồng cây cao su, đưa vào trồng lạc và các loại cây ngắn ngày. Với cách làm này, mỗi năm, Công ty đã trồng được 100 ha lạc, với năng suất 30 tạ/ha. Đây là một nguồn thu đáng kể cho Công ty trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, mặc dù khó khăn, nhưng các đơn vị và hộ dân trong tỉnh vẫn phát triển cây cao su theo đúng quy hoạch,  kế hoạch đề ra. Trong năm 2016, toàn tỉnh trồng mới hơn 500ha cây cao su, hiện tại diện tích cây cao su của tỉnh đạt 18.700ha, trong đó có khoảng 6.000ha kinh doanh (đang khai thác) và 12.700ha thời kỳ kiến thiết cơ bản.

Qua tâm sự của 2 ông Giám đốc (Công ty TNHH MTV Việt Trung và TNHH MTV Lệ Ninh) nhận thấy họ có điểm chung là sự quyết tâm bám trụ cây cao su. Thời điểm hiện tại, cả 2 đơn vị vẫn trong tình trạng khó khăn, nhưng thời kỳ gian nan nhất của cây cao su đã qua, tương lai đang chờ đón ở phía trước. Điều đáng trân trọng là mặc dù gian khó cho cán bộ, công nhân, người lao động vẫn giữ vững niềm tin với cây cao su và càng quyết tâm sẽ làm xanh lại những cánh rừng cao su trên vùng đất phía tây của tỉnh.

Trọng Thái