.

Thành phố Đồng Hới: Duy trì nền công nghiệp bền vững

Thứ Năm, 16/02/2017, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố ô nhiễm môi trường biển và thiên tai, nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Đồng Hới được đánh giá là có bước tăng trưởng mạnh với mức 10,8%, góp phần ổn định kinh tế - xã hội chung toàn thành phố.

Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 3.327 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2015. Để có được kết quả này, năm 2016 thành phố Đồng Hới đã tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường, thủ tục mở rộng sản xuất kinh doanh...

Nhờ vậy, nhiều ngành công nghiệp có tỷ trọng lớn, đạt mức tăng trưởng khá như: công nghiệp chế biến thực phẩm tăng 10,8%, công nghiệp đồ uống tăng 9,8%, may mặc tăng 15,8%, công nghiệp chế biến lâm sản tăng 10,6%, công nghiệp hóa chất tăng 9,8%, công nghiệp khoáng phi kim tăng 10,3%, công nghiệp sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 11,8% và công nghiệp sản xuất mộc dân dụng tăng 11,7%...

Trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã hình thành nên các cụm công nghiệp: Phú Hải, Thuận Đức, Bắc Nghĩa, Tân Sơn (Đức Ninh) thu hút 47 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư kinh doanh. Riêng cụm công nghiệp Tân Phú (Quang Phú) đang hoàn thiện quy hoạch chi tiết chuẩn bị triển khai đầu tư. Theo quy mô từng cụm công nghiệp, hiện tại cụm công nghiệp Phú Hải có 14 dự án đã đi vào hoạt động; 2 dự án đang xây dựng cơ sở nhà xưởng.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp Phú Hải hoạt động ổn định.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp Phú Hải hoạt động ổn định.

Thành phố Đồng Hới đang tiến hành lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh mở rộng cụm công nghiệp Phú Hải thêm diện tích 2ha. Cụm công nghiệp Thuận Đức giai đoạn I có 4 doanh nghiệp hoạt động; giai đoạn II thêm 8 doanh nghiệp đăng ký thuê đất. Cụm công nghiệp Bắc Nghĩa có 11 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó 5 doanh nghiệp được giao đất; 3 doanh nghiệp đã hoạt động và 1 doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cụm công nghiệp Tân Sơn có 5 doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Trong điều kiện ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển và thiên tai, kinh tế- xã hội thành phố Đồng Hới có dấu hiệu chững lại ở một số lĩnh vực như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (khai thác giảm 18,04%, nuôi trồng giảm 17,4%); xuất khẩu giảm 50,5%; hoạt động du lịch chỉ đạt 62,8%, giảm 26,5% so với năm 2015; doanh thu lưu trú giảm 30,5%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 20,8%... thì duy trì nền công nghiệp ổn định và tăng trưởng trở thành yếu tố cân bằng nền kinh tế và kích cầu các ngành kinh tế khác phát triển.

Minh chứng cho điều này, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú cho biết: “Xã Quang Phú có những thế mạnh về đánh bắt, khai thác, chế biến thủy sản; dịch vụ, du lịch, kinh doanh nhà hàng, khách sạn... tuy nhiên sự cố ô nhiễm môi trường biển làm cho hoạt động đánh bắt, du lịch, dịch vụ trên địa bàn thiệt hại nặng nề. Lượng khách giảm mạnh, khách lưu trú thấp khiến nhiều nhà hàng, khách sạn, hệ thống quán dọc tuyến đường du lịch Trương Pháp đóng cửa, lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch bị mất việc làm.

Trước tình hình đó, UBND xã chủ trương phải duy trì và phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Kết quả năm 2016, giá trị sản xuất đạt 33,116 tỷ đồng, bằng 100,48% kế hoạch đề ra. Định hướng lâu dài, xã Quang Phú kiến nghị với thành phố nhanh chóng triển khai xây dựng cụm công nghiệp Tân Phú diện tích trên 3 ha, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư tại cụm công nghiệp này. Đây chính là hướng phát triển lâu dài cho xã nói riêng và thành phố nói chung”

Về định hướng phát triển lâu dài, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới cho biết: “Thành phố tập trung các nguồn lực để tiếp tục phát triển các cụm công nghiệp nhằm tập trung và thu hút cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các chính sách ưu đãi đầu tư, quan tâm đến yếu tố bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với nhu cầu phát triển công nghiệp vùng đô thị. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 2.830 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016”.

Trên cơ sở chương trình, kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển tiểu thủ công nghiệp thành phố giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thành phố giai đoạn 2016-2020, thành phố Đồng Hới đang chú trọng thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh bằng những giải pháp cơ bản như: tăng cường công tác cải cách hành chính, tinh giản hóa các thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh sản xuất, cấp đất, hỗ trợ vốn...

Mặt khác, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh và thành phố tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định. Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống, sản phẩm phục vụ du lịch và tạo thêm ngành nghề mới, đồng thời thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các hợp tác xã... theo tinh thần Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND.

Thanh Long