.

Sắp xếp đổi mới đất nông lâm trường vẫn theo kiểu "bình mới rượu cũ"

Thứ Ba, 28/02/2017, 10:28 [GMT+7]

"Muốn quản lý và sử dụng hiệu quả đất nông lâm trường, cần tăng cường giám sát, rà soát sắp xếp lại đất đai, kịp thời xử lý vi phạm, khắc phục dứt điểm tranh chấp, khiếu kiện kéo dài; xử lý hài hòa đất nông lâm trường và người dân, cũng như có chính sách giải quyết lao động, xóa đói giảm nghèo bền vững."

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trên đây là những giải pháp "thay đổi công tác quản lý đất nông lâm trường" vừa được các chuyên gia đất rừng đưa ra tại Hội thảo “Quản lý đất đai có nguồn gốc từ Công ty nông lâm nghiệp sau sắp xếp đổi mới: Chính sách và thực tiễn,” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Liên minh Đất rừng tổ chức chiều 27-2, tại Hà Nội.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Bình, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính-Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Hiện nay việc sắp xếp đổi mới còn chậm và nhiều địa phương thực hiện theo kiểu “bình mới rượu cũ,” việc rà soát đất đai chậm và chưa dứt điểm do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực và thiếu sự tham gia của các cơ quan hữu quan.

Thêm vào đó, tình trạng tranh chấp lấn chiếm vẫn còn tồn tại dai dẳng, việc tổ chức quản lý bảo vệ rừng, tổ chức sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn cộng với thiếu cơ chế chính sách, thiếu nhất quán đồng bộ dẫn đến những bất cập trong tổ chức quản lý của các công ty lâm nghiệp, một loại hình doanh nghiệp mang tính đặc thù.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Phong, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng quá trình rà soát và chuyển giao đất rừng không có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan. Nhất là chính quyền và cộng đồng địa phương cộng với các bên liên quan lại không nắm rõ các chính sách dẫn đến nhiều bất đồng và mâu thuẫn trong thực hiện rà soát, phân định ranh giới đất và giao đất lâm nghiệp cho người dân địa phương.

“Bởi thế, cần phải rà soát, quy chuẩn lại khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách và đánh giá hoạt động giao đất lâm nghiệp đặc biệt đất của lâm trường. Vận động áp dụng khung giám sát, giúp đỡ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có quyền tiếp cận tới tài nguyên đất một cách minh bạch và công bằng,” ông Phong kiến nghị.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận xung quanh Dự thảo Đề cương giám sát thực hiện Nghị quyết 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý dất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Theo đó, đa số các đại biểu đều đồng tình rằng cần chấm dứt việc giám sát chỉ dừng lại trên việc đọc và nghe báo cáo tại Hội nghị, thay vào đó là phải tăng cường giám sát trực tiếp tại hiện trường cũng như tiếp cận số liệu gốc để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Hơn nữa, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chí giám sát, kiểm tra để đảm bảo tính công bằng, khách quan.

Từ góc độ địa phương, đại diện đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị, cần có chế độ chính sách đối với lao động dôi dư và đào tạo nghề sau sắp xếp đổi mới cũng như có chính sách vay vốn đầu tư phù hợp với tính chất đặc thù trong sản xuất kinh doanh của công ty nông, lâm nghiệp.

Đại diện Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị, cần sớm triển khai đề án tăng cường công tác giám sát thực hiện quản lý và sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường đến nhiều đối tượng có liên quan cũng như có các cính sách; điều chỉnh hỗ trợ tăng cường năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty có diện tích đất rừng tự nhiên đang quản lý và bảo vệ..

Theo Hùng Võ (Vietnam+)