.

Mai Hóa: Bấp bênh nghề nuôi cá lồng

Thứ Ba, 21/02/2017, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Được manh nha từ năm 2000, mô hình nuôi cá trắm lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, sự cố môi trường và thiếu vốn đầu tư đã khiến cho việc nuôi cá lồng không còn dễ dàng như trước.

Từ hơn chục năm trước, toàn thôn Tân Hóa có 85 hộ tham gia với hơn 85 lồng cá. Đến năm 2016, số lượng này giảm chỉ còn 12 lồng. Nuôi cá lồng là phương thức nuôi cá dựa vào lợi thế thiên nhiên có sẵn của các dòng sông, tiết kiệm được chi phí đào ao, vừa tận dụng dòng chảy để lưu thông nước và nguồn thức ăn tự nhiên phù du trong dòng nước.

Tuy vậy, cá trắm lồng lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường. Vào mùa mưa, nước sông hay bị ô nhiễm làm cho cá bị sốc nước gây chết hàng loạt. Bệnh đau bụng, đốm đỏ đuôi và vét trong mang xuất hiện thường xuyên ở cá trắm, nhưng người dân lại loay hoay tìm cách chữa trị.

Người nuôi cá lồng phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cá.
Người nuôi cá lồng phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cá.

“Khi biết cá bị đau bụng, thi tôi cho uống tỏi, nghệ, còn khi cá bị đốm đỏ đuôi, mang xuất huyết dính nhiều bùn thì đành vứt vì không có cách nào chữa trị hết”, bà Nguyễn Thị Vinh (thôn Tân Hóa) ngậm ngùi.

Kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề nuôi cá lồng nhưng ông Hoàng Văn Thắng (thôn Tân Hóa) bó tay trước việc cá chết hàng loạt  đều đặn 2 lần trong năm mà không biết nguyên nhân. “Mỗi năm cá trắm chết 2 đợt, đợt thứ nhất là nửa đầu tháng 3 đến đầu tháng 4, đợt thứ hai là nửa sau tháng 7 đến đầu tháng 9, năm nào cũng vậy, kinh nghiệm không bằng luật trời” ông Thắng phân trần.

Trong 2 đợt lũ lịch sử vào tháng 10-2016, cá trắm lồng của các hộ dân Tân Hóa trôi theo nước lũ. Có hộ thì trôi hết cá, có hộ trôi luôn lồng. Ông Nguyễn Văn Huế chia sẻ: “Cá trong lồng trôi sạch trơn, cứu được người là may chứ thiết chi cá nữa”. Đa số người dân đều cầm sổ đỏ hoặc vay mượn để có vốn nuôi cá, bởi chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Mỗi lồng nuôi phải bỏ ra từ 25 – 30 triệu đồng, cá giống 120.000 đồng/kg. Thức ăn 10.000 đồng/kg. Nhưng, mỗi năm chỉ xuất nhiều lắm là 2 lần.

Người “gạo chợ nước sông”, không có đất canh tác, kinh tế của các hộ dân gắn với sông Gianh và lồng cá, nên việc làm giàu không hề dễ dàng. “Thiếu tiền đóng cho con học, thiếu tiền mua gạo, tôi lại ra lồng bắt 1, 2 con đi bán. Túng quá, nên cứ bán dần bán mòn chứ có mấy khi xuất được cả lồng đâu” bà Nguyễn Thị Tú (thôn Tân Hóa) chia sẻ.

Khó khăn trong đầu ra, nên cá lồng ở Tân Hóa khó “bơi” ra được thị trường. Nuôi lớn càng khó, tìm đầu ra cho cá lại càng khó hơn. Khi được giá thì bán 120.000/kg, khi bị thương lái ép thì chỉ còn 70.000 – 80.000/kg.

Nuôi cá lồng đều do kinh nghiệm từ người dân truyền tai, học hỏi từ nhau. Khi có bệnh hại xảy ra, người dân đành ngậm ngùi nhìn cá chết chứ không biết cách chữa.

Qua trao đổi, Ông Nguyễn Hữu Lan, trưởng thôn Tân Hóa chia sẻ: “Từ 5, 6 năm trở lại đây, do vốn đầu tư cao, nguồn thức ăn cạn kiệt, đầu ra lại không ổn định khiến, không có sự chỉ dẫn, tập huấn bài bản khiến các hộ dân bỏ nghề nuôi cá lồng. Để khôi phục lại nghề, bà con rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía”.

Văn Bắc