.

Làng Chay đổi mới

Thứ Ba, 21/02/2017, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Từng được biết đến là làng “5 không” nhưng với sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương, sau hơn 10 năm chuyển về nơi ở mới, làng Chay nay là thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn được thay da đổi thịt. Con đường bê tông hóa, những ngôi nhà mới khang trang được mọc lên, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Cách trung tâm xã Quảng Sơn chừng 10km về phía Tây, vào năm 1945 thời kỳ chống Pháp, một nhóm người sơ tán tránh giặc vào thành lập làng Chay. Do nằm sâu trong núi giao thông đi lại khó khăn, nên làng Chay từng được biết đến là ngôi làng “5 không”, bởi không điện, không đường, không trường, không trạm, không ruộng vườn. Cuộc sống của bà con lúc bấy giờ chỉ sống dựa vào nghề đi rừng, nên cái đói, cái nghèo và những hủ tục lạc hậu cứ đeo bám mãi.

Năm 2000, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con làng Chay giãn dân ra nơi ở mới. Mặc dù cơ sở vật chất ban đầu có đường, có điện, nhưng để bắt đầu một cuộc sống mới, người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ.

Đến nay, 100% con em làng Chay (Quảng Sơn, TX. Ba Đồn) đều được đến trường.
Đến nay, 100% con em làng Chay (Quảng Sơn, TX. Ba Đồn) đều được đến trường.

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên giãn dân ra vùng đất mới, đến nay, gia đình Ông Đinh Văn Sinh đã có ngôi nhà khang trang kiên cố, với đầy đủ tiện nghi. Ông tâm sự: “Trước ở làng Chay cực khổ lắm, không có đất có ruộng mà trồng lúa, chỉ biết đi làm nghề rừng kiếm ăn qua ngày, nên con em không có đủ điều kiện mà đi học. Nhưng, từ khi được ra đây, chúng tôi đã biết phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả và cái vui nhất là biết trồng rừng, chăm sóc rừng để rừng nuôi ta, cuộc sống bây giờ tốt hơn trước rất nhiều”.

Để giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nếu trước đây người dân làng Chay chỉ biết khai thác rừng, thì nay toàn thôn có 72 hộ được cấp hơn 200 ha đất rừng để trồng và chăm sóc, tạo ra nguồn thu nhập chính từ rừng. Ngoài ra, bà con còn phát triển chăn nuôi gà, vịt, trâu bò, trồng tiêu, trồng cây ăn quả và nuôi ong lấy mật, từ đó đã góp phần xóa được đói, giảm được nghèo.

Không chỉ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, vấn đề học tập của con em cũng được chú trọng hơn trước. Có trường học, những quan niệm chỉ học cho biết chữ, con gái không cần phải đi học đã không còn tồn tại. Đến nay, 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường. Đặc biệt, trước năm 2000 ở vào độ tuổi 30 – 50, thì hầu hết người dân chỉ biết lấy dấu vân tay điểm chỉ, thì nay ai cũng đã biết đọc, biết viết và biết ký tên mình. 

Khi cuộc sống đi vào ổn định, trình độ dân trí được nâng cao, công tác tuyên truyền pháp luật, những chính sách của Đảng, Nhà nước đến được gần dân hơn. Được thành lập chi bộ Đảng từ năm 2004, đến nay, với 145 hộ, trên 600 nhân khẩu là đồng bào công giáo, chi bộ Đảng thôn Tân Sơn là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong thôn. Từ các buổi sinh hoạt chi bộ, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng từ Trung ương đến địa phương đã được triển khai và đi vào cuộc sống.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, lòng tin của dân vào Đảng, làng Chay xưa - Tân Sơn ngày nay tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, vươn lên, là điểm sáng nông thôn mới trên vùng rừng núi.

Như Hương