.

Xây dựng chuỗi liên kết nông sản - Bài 2: Cần có sự thay đổi mạnh mẽ

Thứ Năm, 05/01/2017, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Hầu hết các cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh hiện nay đều rất mong muốn được tham gia thực hiện mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm nông sản an toàn, nhằm bảo đảm ổn định được đầu ra sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để mô hình chuỗi nông sản ngày càng phát triển nhân rộng, đòi hỏi người dân phải thay đổi tư duy, nhận thức về cách thức sản xuất, đồng thời ngành nông nghiệp cần chú trọng xây dựng mô hình kiểm soát theo chuỗi, tiến tới mục tiêu toàn bộ nông sản được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ.

>> Bài 1: Vẫn còn nhiều rào cản

Một số sản phẩm nông sản chất lượng cao của địa phương có mặt tại hội nghị quảng bá, xúc tiến thương mại.
Một số sản phẩm nông sản chất lượng cao của địa phương có mặt tại hội nghị quảng bá, xúc tiến thương mại.

Kết nối giữa nhà nông và doanh nghiệp

Để biết thêm về mô hình của dạng liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp, chúng tôi tìm về Công ty cổ phần Thanh Hương ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh). Đây là đơn vị sản xuất nông sản có tiếng của tỉnh trong những năm qua.

Để có mặt trên các kệ rau, củ, quả sạch của siêu thị Co.opmart, những sản phẩm cải xanh, mướp đắng, mồng tơi, dưa chuột, xà lách, cà chua, rau quế, đậu côve, cải bẹ, hành lá, ớt và rau quế của Công ty đã được sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng được bảo đảm từ khâu gieo trồng đến xuất thành phẩm.

Ông Võ Đại Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thanh Hương cho biết, đơn vị đã liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho rau, tuy nhiên mới chỉ 30% sản lượng thu hoạch có mặt ở siêu thị, 70% số lượng còn lại đến tay người tiêu dùng thông qua kênh chợ truyền thống. Mặc dù chưa được tạo chuỗi rau nhưng việc tạo được ổn định đầu ra đã giúp đơn vị duy trì và tiếp tục mở rộng sản xuất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số những trường hợp hiếm hoi trong tỉnh tạo được sự liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản. Trong khi đó, đa phần các cơ sở sản xuất nông sản vẫn “loay hoay” chưa thể tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua sự liên kết với doanh nghiệp.

Xác định liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp để cùng nhau phát triển chính là con đường tất yếu để đi lên sản xuất lớn. Đồng thời, qua liên kết này, chất lượng sản phẩm nông sản, lợi nhuận thu được sau mỗi vụ sản xuất được nâng cao, giá thành sản xuất hạ xuống và nông dân sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trong tỉnh, nhằm tạo tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giữa doanh nghiệp với nhà nông.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Công thương và siêu thị Co.opmart Quảng Bình tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại quảng bá một số sản phẩm nông sản chất lượng cao của địa phương đang được duy trì như: hồ tiêu, gạo SRI, khoai deo, ngô, dưa hấu, rau an toàn, chả thịt...

Cùng với đó, tổ chức liên kết để đưa một số mặt hàng vào tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart. Riêng đối với vấn đề xây dựng chuỗi liên kết nông sản, ngành nông nghiệp đã tập trung hướng dẫn xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn kết hợp với kiểm tra, lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở bày bán đủ điều kiện.

Mặt khác, cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đã được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến khác và các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cho Sở Công thương, để thiết lập liên kết các cơ sở này với các kênh phân phối sản phẩm.

Những giải pháp hữu hiệu

Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản xây dựng và phát triển chuỗi liên kết nông sản an toàn, nhằm cung ứng cho người tiêu dùng, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ cấp giấy chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với sản phẩm gạo SRI Lệ Thủy và khoai deo Hải Ninh. Vậy đâu là “chìa khóa” để xây dựng và phát triển hiệu quả các mô hình chuỗi nông sản, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững?

Điểm mấu chốt của vấn đề là muốn phát triển chuỗi nông sản an toàn trước hết người sản xuất nông sản phải được nâng cao hiểu biết về áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thế hệ mới vào sản xuất để bảo đảm chất lượng nông sản. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia chuỗi giá trị, từ đó người dân thay đổi tư duy và cách thức sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quy hoạch các vùng sản xuất chuỗi nông sản an toàn tập trung và ổn định, bảo đảm đủ sản lượng cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất nông sản an toàn và chi phí xúc tiến thương mại cho nông dân.

Nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn sẽ là tiềm năng lớn để trở thành chuỗi liên kết.
Nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn sẽ là tiềm năng lớn để trở thành chuỗi liên kết.

“Trên cơ sở điều kiện sản xuất hiện có tại một số cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh, có thể dễ dàng hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản an toàn. Như đối với cơ sở sản xuất rau, ngoài việc cơ sở tự nâng cấp điều kiện sản xuất gồm hệ thống đường, điện, nước sản xuất nhằm đủ điều kiện đáp ứng quy trình sản xuất rau an toàn và xây dựng nhà thu gom, sơ chế sản phẩm thì các cơ sở rất cần hỗ trợ xây dựng một số điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm rau an toàn tại các chợ trọng điểm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, việc tư vấn, hướng dẫn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các HTX, THT để xây dựng các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng cần được chú trọng“, chị Đặng Thị Quỳnh Trang, cán bộ phụ trách nông nghiệp phường Quảng Long (Ba Đồn) cho biết. 

Ông Lê Kim Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, đối với việc kiểm soát chất lượng nông sản an toàn, giám sát phải theo chuỗi, theo toàn bộ quá trình sản xuất, sơ chế, vận chuyển và tiêu thụ.

Để làm được, không có cách nào khác là cần có sự liên kết và hiệu quả, chặt chẽ giữa đơn vị cung ứng sản phẩm an toàn và tổ chức của những người sản xuất. Tất cả những đối tác liên quan phải thực hiện đúng cam kết. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt bảo đảm yêu cầu, đột xuất và định kỳ kiểm tra, cấp cho họ giấy kiểm tra an toàn. Qua đó, sẽ cung cấp cho người tiêu dùng những địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản tin cậy. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới kiểm soát được thực phẩm an toàn.

Song song, cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu nông sản để phân tích, kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về bảo đảm ATTP trong kinh doanh nông sản cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATTP trong kinh doanh nông sản.

Phải nói rằng, việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản, đặc biệt là các công đoạn trung gian như thu gom, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm là một giải pháp hữu hiệu, góp phần liên kết hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tìm đầu ra cho sản phẩm và đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm đặc sản của ngành nông nghiệp tỉnh.

Về lâu dài, chỉ có kiểm soát tốt chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan có trách nhiệm mới bảo đảm ATTP trong chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn lưu thông trên thị trường.

N.L