.

Xây dựng chuỗi liên kết nông sản - Bài 1: Vẫn còn nhiều rào cản

Thứ Tư, 04/01/2017, 09:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, vấn đề xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi an toàn luôn được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Đây cũng là con đường ngắn nhất góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người tiêu dùng và cả thu nhập cho người nông dân. Vì vậy, với mục tiêu cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường, trong thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết nông sản...

Thực trạng về chuỗi nông sản an toàn...

Một sản phẩm nông sản muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, trước tiên phải đạt chất lượng tốt. Do đó, hướng phát triển bền vững cho nông sản chính là bảo đảm quy trình an toàn thực phẩm (ATTP) trong từng công đoạn, từ khâu sản xuất đến cung ứng cho người tiêu dùng, liên kết tạo thành chuỗi.

Vào cuối tháng 11 vừa qua, chuỗi lúa gạo của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh (HTX SXKD) dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng ở xã An Thủy (Lệ Thủy) đã trở thành chuỗi lúa gạo đầu tiên trong tỉnh được xác nhận.

“Tham gia mô hình chuỗi lúa gạo có 43 hộ dân với diện tích 268 ha, cho sản lượng 300 tấn/năm. Hiện gạo của HTX đã có thị trường tiêu thụ ổn định, cung cấp cho các trường bán trú ở huyện Lệ Thủy và đang dược giới thiệu cho một số điểm trường mầm non ở TP. Đồng Hới và TP. Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn Thắng, Chủ nhiệm HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng cho biết.

“Khi tham gia vào chuỗi liên kết lúa gạo, chúng tôi không còn lo đầu ra khi lúa đến thời kỳ thu hoạch. Được HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng đầu tư chi phí sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, nông dân chúng tôi rất yên tâm... Tôi cho rằng, đây là một mô hình sản xuất có hiệu quả, cần được nhân rộng ”, nông dân Nguyễn Văn Sáu, thành viên HTX nhận xét. Có thấy rằng, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và phát triển bền vững nghề trồng lúa cho bà con xã viên HTX.

Chuỗi mật ong của Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình, ở tiểu khu Lưu Thuận, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) được xem là chuỗi nông sản “ra đời” sớm nhất. Với sản lượng tiêu thụ khoảng 7 tấn/năm, chuỗi mật ong đã có chỗ đứng trên thị trường và đã mở rộng không chỉ phạm vi trong tỉnh mà còn ra các tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế và Đà Nẵng.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình, để lộ trình vươn ra được thị trường rộng lớn, bên cạnh khâu đầu vào của chuỗi được quản lý chặt chẽ, công ty có sự hợp tác với các chuyên gia hàng đầu về nghề nuôi ong lấy mật trong công tác tư vấn, phát triển, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong.

Thành công của chuỗi lúa gạo của HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng đã nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Thành công của chuỗi lúa gạo của HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng đã nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Lê Kim Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 2 chuỗi mô hình nông sản an toàn từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ. Ngoài ra, toàn tỉnh đã có 91 cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, trong đó 89/91 cơ sở áp dụng chương trình GMP, SSOP, 1/91 cơ sở áp dụng HACCP và 1/91 cơ sở áp dụng ISO.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 7 cơ sở sản xuất gồm: 1 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, 1 cơ sở nuôi tôm và 5 cơ sở sản xuất rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây chính là những tiềm năng lớn để thực hiện xây dựng chuỗi liên kết nông sản trong thời gian tới.

Những rào cản trong xây dựng chuỗi nông sản

Thực tế hiện nay cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ dừng lại ở từng công đoạn đơn lẻ, hầu hết đi từ khâu sản xuất sau đó trực tiếp ra thị trường tiêu thụ, chưa hình thành được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản thực sự đang gặp những khó khăn nhất định.

Sở dĩ có thực trạng trên, trước hết là do nhận thức của người sản xuất về xây dựng chuỗi nông sản còn nhiều hạn chế. Thậm chí nhiều người dân vẫn còn thấy “xa lạ” với khái niệm chuỗi liên kết, vì vậy việc áp dụng đúng quy trình sản xuất theo chuỗi gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Đó là chưa kể đến kiến thức về vệ sinh ATTP nói chung và sản xuất nông sản an toàn nói riêng của người dân còn hạn chế. Chính vì thế cho nên các doanh nghiệp SXKD sản phẩm nông sản thực sự vấp phải “nút thắt” khó gỡ.

Ông Võ Văn Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã SXKD dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (Lệ Thủy) cho rằng, bất cập trong việc tạo chuỗi liên kết cho hàng nông sản đó chính là trong sản xuất, người nông dân sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc BVTV làm chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Minh chứng như, việc sản xuất lúa theo chuỗi phải tuân theo các quy định rất khắt khe với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đòi hỏi phải bảo đảm thời vụ gieo sạ, giống, sạ hàng, đồng thời thực hiện quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa... nên bản thân người nông dân khó có thể tự mình hoàn thành theo tiêu chuẩn.

Chị Đặng Thị Quỳnh Trang, cán bộ phụ trách nông nghiệp phường Quảng Long (Ba Đồn) chia sẻ, để thực hiện sản xuất rau theo chuỗi, các hội viên trong HTX phải đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất như điện, đường, giếng khoan, máy bơm, bạt che... cho đến khâu đầu ra với kinh phí lên đến vài trăm triệu đồng. Như vậy, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông sản theo chuỗi cần lượng vốn lớn và thời gian dài. Với điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn vốn của các cơ sở sản xuất hiện nay thì rất khó đáp ứng, do vậy mô hình chuỗi liên kết nông sản chưa khuyến khích được người dân “bắt tay” vào sản xuất nhiều.

Một thực trạng hiện này là, hầu hết các loại nông sản được sản xuất trên địa bàn tỉnh như: rau, nước mắm, khoai deo, lạc, ngô... có sản lượng tương đối lớn nhưng lại mang tính thời vụ cao. Vì vậy, khối lượng và chủng loại các sản phẩm nông sản chưa đủ và không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ cũng là một khó khăn cho việc gắn kết giữa các cơ sở sản xuất với kinh doanh để tạo chuỗi. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng đang sản xuất theo kiểu “mùa nào thức đó“ và chỉ có một vài thương lái thu mua nhưng hoạt động ở quy mô nhỏ và quy trình thu gom, sơ chế cũng chưa bảo đảm theo quy định.

Được công nhận đạt tiêu chuẩn rau VietGAP từ đầu năm 2015 đến nay, nhưng HTX Dịch vụ điện-Dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn, phường Quảng Long (Ba Đồn) vẫn chưa ký được hợp đồng tiêu thụ với đối tác nào nên tất cả các loại rau, quả đạt tiêu chuẩn của HTX đều chấp nhận bán trôi nổi trên thị trường như các loại không đạt VietGAP khác. Như vậy, rõ ràng khi thu hoạch nông sản, người nông dân không có kết nối với người chế biến mà phải bán qua thương lái.

Trong khi đó, người kinh doanh nông sản thực sự chưa tin tưởng cơ sở sản xuất và chưa nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng nên vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn trong vòng “luẩn quẩn” không tìm được lối ra. Mặt khác, hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, vì vậy đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn.  

Để xây dựng được một chuỗi nông sản thành công, các cơ sở kinh doanh nông sản (không phải cơ sở sản xuất) phải có đầy đủ hồ sơ liên quan đến về quản lý chất lượng, gồm: chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đáng nói, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản “mặn mà” trong việc đỡ đầu các cơ sở sản xuất để hình thành mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản được sản xuất tại các địa phương.

N.L

Bài 2: Cần có sự thay đổi mạnh mẽ