.

Vạn Ninh, Quảng Ninh: Ổn định tình hình sản xuất sau thiên tai

Thứ Tư, 11/01/2017, 16:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày đầu năm mới 2017, người dân xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh đang ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của các đợt lũ liên tiếp trong năm 2016. Quá trình phục hồi, tái thiết phải mất thời gian dài, đặc biệt ở 3 thôn bị thiệt hại nặng là: Áng Sơn, Phúc Sơn, Xuân Sơn. Tuy vậy, Vạn Ninh vẫn cố gắng vượt khó, bắt tay vào sản xuất vụ mùa mới.

Xã Vạn Ninh có gần 1.800 hộ dân với trên 8.000 nhân khẩu, sinh sống ở 10 thôn. Khi cơn lũ quét qua, bà con không kịp trở tay, bỏ lại tất cả tài sản, nhà cửa, vật dụng, thóc gạo, gia súc, gia cầm... chạy tránh lũ dữ. Lũ lụt còn làm hư hại nhiều công trình dân sinh, như đường sá, đê kè, kênh mương... Tổng thiệt hại toàn xã ước tính trên 17 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là 600 hộ dân ở 3 thôn: Áng Sơn, Phúc Sơn và Xuân Sơn, dọc đường Hồ Chí Minh.

Ngay sau đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo, cùng bà con chủ động khắc phục hậu quả lũ lụt, tạm thời ổn định đời sống. Từ sự giúp đỡ của các cấp, sự chung tay của cộng đồng xã hội, Vạn Ninh nhận được sự hỗ trợ kịp thời về tiền mặt, hàng hóa giá trị trên 1,8 tỷ đồng, bước đầu góp phần giảm bớt khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết: “Để ổn định tình hình đời sống nhân dân, ngoài việc tập trung huy động mọi nguồn lực cho việc cứu trợ, tạm thời giúp dân bước qua giai đoạn khó khăn trước mắt, cấp ủy, chính quyền xã nhanh chóng tổ chức các ban, ngành, đoàn thể và người dân ra quân khôi phục dần các công trình phúc lợi, dân sinh và nhanh chóng bắt tay vào phục hồi, triển khai sản xuất. Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2016, Vạn Ninh bước vào sản xuất vụ đông-xuân 2016-2017 với tinh thần quyết tâm cao.

Người dân đang tu sửa lại một số kè, cống bị hư hại do lũ quét.
Người dân đang tu sửa lại một số kè, cống bị hư hại do lũ quét.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bố trí giống cây trồng hợp lý theo hướng cơ cấu giống lúa trung bình là chủ yếu và một số ít diện tích lúa ngắn ngày chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, chất đất trên địa bàn.

Đặc biệt, xã tiếp tục chỉ đạo bà con chuyển dịch mùa vụ hợp lý để chủ động né tránh thiên tai, chuột hại; vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh nuôi trồng để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; lựa chọn giống vật nuôi hợp lý để tăng giá trị thu nhập; giảm thiểu chi phí thiệt hại không đáng có, phấn đấu đưa ngành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã phát triển toàn diện bền vững”.

Đối với diện tích lúa, toàn xã gieo cấy 803 ha, phấn đấu năng suất đạt 62,5 tạ/ha; sản lượng hơn 5.000 tấn, tùy vào địa hình đất đai các tiểu vùng để áp dụng các giống lúa: Nhị ưu 838, HT1, BTE1, Nhị ưu 838, lai Nhị ưu 838, HT1, PC6, HT1, BTR225... Vạn Ninh cũng tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông để hình thành các liên kết trong chuyển giao khoa học, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn. Về cây màu, Vạn Ninh ưu tiên lựa chọn giống cây trồng chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường; cơ cấu hợp lý ở vùng gò đồi, đất màu mạ, đất vườn hộ gia đình.

Bên cạnh đó, xã khuyến khích các hộ đầu tư phát triển chăn nuôi, duy trì ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm. Đồng thời, vận động nhân dân mở rộng mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng, nuôi bò theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp; quan tâm phát triển đàn trâu, mở rộng chăn nuôi dê, nuôi thỏ, nâng cao số lượng trang trại nuôi lợn, nuôi gà, vịt.

Từ đó, xã phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi toàn xã lên 66% trong cơ cấu nông nghiệp. Xã cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, trang trại vùng gò đồi, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế như cao su, tiêu, keo lai, tre siêu măng; kết hợp chặt chẽ giữa vườn đồi, vườn rừng với chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thủy sản. Nhân dân được vận động chuyển đổi rừng tạp, rừng thông khai thác triệt sang trồng mới cao su, keo lai từ 40-45 ha/năm, trồng cây phân tán đạt 10.500 cây.

Vạn Ninh còn chú trọng nâng cao hiệu quả nuôi cá nước ngọt trên diện tích ao hồ 45,7 ha, động viên nhân dân đầu tư mô hình cá- lúa. UBND xã có phương án giao mặt nước hói, rào cho các số hộ dân khai thác, đánh bắt cá tự nhiên; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng; chú trọng về giống, thức ăn và phòng trừ dịch bệnh; mở rộng mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh, phấn đấu sản lượng nuôi trồng năm 2017 đạt 212 tấn.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Lương khẳng định: “Với kế hoạch và các phương án, giải pháp cụ thể, tin rằng người dân Vạn Ninh sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống sau thiên tai, hoàn thành xong gieo trồng vụ đông-xuân 2016-2017. Trên cơ sở đó, bà con sẽ đón một cái Tết cổ truyền tiết kiệm, đầm ấm”.

Hương Trà