.

Lệ Thủy tập trung mở rộng cánh đồng mẫu lớn

Thứ Hai, 16/01/2017, 10:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày đầu năm 2017 là thời điểm bà con nông dân huyện Lệ Thủy gấp rút triển khai sản xuất vụ đông-xuân. Điểm nổi bật trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp năm vừa qua của huyện là mở rộng cánh đồng mẫu lớn, kết hợp đầu tư các loại giống lúa cho năng suất cao, làm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thuỷ cho biết, vụ đông-xuân này Lệ Thuỷ chỉ đạo mở rộng vùng lúa thâm canh lúa cao sản đạt diện tích 11.500 ha (trong đó vụ đông-xuân 8.500 ha, vụ hè-thu 3.000 ha), tăng 500 ha so với vụ đông-xuân trước.

Theo đó, các xã sẽ đưa giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo ngon vào canh tác, trên diện tích khoảng 96% tổng diện tích gieo cấy trong vụ đông-xuân. Năm nay, Lệ Thủy sẽ mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên 2.450 ha, trong đó lúa 1.200 ha; sắn 1.000 ha và khoai lang 150 ha. Trong các địa phương đã đăng ký thực hiện cánh đồng mẫu lớn, dẫn đầu là xã An Thuỷ với diện tích 480 ha, xã Phong Thuỷ 208 ha; Liên Thuỷ 285 ha; Sơn Thuỷ 170 ha...

Thực tiễn sản xuất từ 2 vụ trước ở cánh đồng mẫu lớn cho thấy, cánh đồng mẫu lớn ở Lệ Thủy đã đem lại hiệu quả kinh tế hơn so với canh tác phân tán, rõ nét nhất là nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người nông dân. Theo tinh thần chỉ đạo của huyện, năm nay sẽ đẩy mạnh mô hình lúa-cá đối với các chân ruộng sâu, làm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Dự kiến năm nay toàn huyện đã thực hiện 1.200 ha lúa-cá (1 vụ lúa và 1 vụ lúa cá) phấn đấu đạt giá trị 50-60 triệu đồng/ha.

Nông dân Lệ Thủy nỗ lực cơ giới hóa khâu làm đất.
Nông dân Lệ Thủy nỗ lực cơ giới hóa khâu làm đất.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, UBND huyện Lệ Thuỷ đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân tổ chức sản xuất bảo đảm đúng lịch thời vụ và kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này, giống lúa vụ đông-xuân cơ bản đã chuẩn bị đủ cho toàn bộ 10.155 ha diện tích lúa đông-xuân của huyện. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang được các đại lý, các HTX dịch vụ nông nghiệp ký hợp đồng với hộ dân để cung cấp theo tiến độ yêu cầu.

Số liệu ở Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho thấy, từ cuối tháng 12-2016 toàn huyện đã hoàn thành cày ải và hơn 85% diện tích ruộng cạn đã hoàn thành cơ bản việc làm đất, đang xuống giống. Đối với một số vùng nước còn ngập sâu (vùng đồng Lùm Tréo, Dương Thuỷ, vùng phá Hạc Hải của xã Lộc Thuỷ, Hoa Thuỷ, Sơn Thuỷ...), huyện chỉ đạo dùng các biện pháp thuỷ lợi để tiêu úng, đẩy nhanh khâu làm đất để kịp gieo cấy trước tết Đinh Dậu.

Chúng tôi về xã Tân Thuỷ, được biết năm nay xã gieo cấy 723 ha lúa hai vụ, tương đương diện tích mọi năm. Vụ đông-xuân này dự kiến sẽ canh tác các loại giống Xuân Mai, PC6, HT1... Ông Lê Thuận Thìn, một lão nông ở thôn Tân Thuận cho biết, ruộng đồng Tân Thuỷ không được màu mỡ như ở vùng giữa, nhưng đây là vùng ít bị ngập lụt và nhờ bà con tăng cường đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, nên mấy năm gần đây liên tục được mùa.

Đặc biệt, Tân Thuỷ đã tạo được ấn tượng mạnh đối với vùng quê lúa Lệ Thuỷ khi mạnh dạn chuyển đổi ruộng lúa kết hợp với nuôi cá và tận dụng tối đa ao hồ để nuôi trồng thuỷ sản. Mô hình lúa-cá ở xã mở rộng trên 90 ha, cho giá trị bình quân 80 triệu đồng/ha và 25 ha cá ao hồ cho thu nhập ổn định.

Vừa qua, huyện đã chỉ đạo rút kinh nghiệm từ việc dồn điền đổi thửa và thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở xã Phong Thuỷ để nhân rộng ra các xã có điều kiện khác. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Phong Thủy có 631 ha đất nông nghiệp với 1.350 hộ sản xuất/5.812 nhân khẩu.

Trước đây, người dân vẫn thường sản xuất lúa trên nhiều mảnh ruộng manh mún khác nhau, khi trung bình mỗi hộ phải làm 5 thửa ruộng. Tại HTX Thượng Phong với 247 ha đất nông nghiệp đã được dồn điền đổi thửa, có 571 hộ với 2.641 khẩu được chia lại đất, bình quân mỗi khẩu được 935m2; trong đó có 457 hộ có 3 thửa, 59 hộ có 2 thửa, 55 hộ có 1 thửa. Tổng diện tích đất nhân dân đóng góp cho các việc khác đạt 4,7 ha.

HTX Đại Phong có 373 ha đất nông nghiệp với 779 hộ/3.171 nhân khẩu, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa bình quân mỗi khẩu được 1.176m2. Ngoài ra, tổng diện tích nhân dân tự nguyện đóng góp đạt 10,4ha. Có thể nói sau khi dồn điền đổi thửa các cánh đồng của 2 HTX ở xã Phong Thủy thẳng cánh cò bay. Những gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình neo đơn được ưu tiên cho làm 1 đến 2 thửa, mỗi thửa trên 1.000m2. Đất công ích và đất dành cho quy hoạch đã được tập trung và sử dụng đúng mục đích. Theo đó việc cơ giới hoá khâu làm đất, khâu vận chuyển sản phẩm sẽ thuận lợi hơn; giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Nói về công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp năm nay ở Lệ Thuỷ có một số nét mới. Đó là, vai trò của các HTX dịch vụ nông nghiệp được phát huy trong việc cung ứng giống lúa, làm đất, bảo vệ thực vật, thuỷ lợi... Các HTX dịch vụ nông nghiệp ở Lệ Thủy đã giúp người nông dân thực hiện từ 5 đến 14 khâu dịch vụ sản xuất, chủ yếu là: làm đất, cây giống, con giống, thú y, bảo vệ thực vật, thủy lợi, khuyến nông- khuyến lâm, bảo vệ đồng ruộng, phơi sấy, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng và dịch vụ khác.

Trong đó, dịch vụ được các HTX thực hiện nhiều nhất là thủy lợi (95,1% tổng số HTX), bảo vệ đồng ruộng 93,4%, làm đất 73,8%, bảo vệ thực vật 73,8%... Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Phong, cho biết, năm nay HTX đảm nhận toàn bộ các khâu dịch vụ cho trên 730 ha lúa 2 vụ, 16 ha màu ở địa phương.

Những năm qua huyện Lệ Thủy đã có sự ưu tiên đầu tư, củng cố nâng cấp hệ thống đê bao, thông qua các chương trình, dự án và sự đóng góp công sức của người dân, trong đó có dự án thủy lợi thượng Mỹ Trung. Tuy nhiên, khó khăn nổi lên là hệ thống kênh mương công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do các trận lũ lớn cuối năm 2016 gây ra, nhưng đến nay chưa có kinh phí để tu bổ.

H.Q