.

Làm giàu từ mô hình ươm cây giống

Thứ Ba, 24/01/2017, 15:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ hơn 10 năm nay, mô hình ươm cây giống đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch. Hiện tại, Quảng Liên có 37 hộ dân mạnh dạn thực hiện mô hình ươm cây giống, với diện tích đất khoảng 3,3 ha.

Trước khi triển khai mô hình này, người dân Quảng Liên canh tác chủ yếu là lúa nước. Nhưng, lúa lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Từ những năm 2004, 2005, với chủ trương chuyển đổi mô hình trồng cây giống, 37 hộ đã chủ động tham gia với quy mô 7 hộ/ha. Mô hình ươm cây giống cho hiệu quả kinh tế gấp từ 5 -7 lần so với trồng lúa nước. Mô hình ươm cây giống phổ biến với các loại cây huê, trầm, keo lai, bạch đàn.

Bên cạnh đánh bắt xa bờ và trồng lúa nước, nhờ ươm cây giống mà kinh tế nhiều hộ dân nơi đây được cải thiện và phát triển. Ông Mai Văn Dũng, một hộ dân trong xã, chia sẻ: “Trồng vườn ươm mỗi năm cho thu nhập từ 90 – 100 triệu đồng, nhờ đó mà gia đình xây được nhà cửa và nuôi con ăn học”.

Mô hình ươm cây giống cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5-7 lần trồng lúa ở Quảng Liên (Quảng Trạch).
Mô hình ươm cây giống cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5-7 lần trồng lúa ở Quảng Liên (Quảng Trạch).

Mỗi mô hình đã tạo công việc cho hơn 15 lao động, đem lại công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi trên toàn xã, giúp cải thiện đời sống cho các hộ dân lân cận. “Nhờ mô hình trồng cây giống mà chúng tôi có thêm việc làm, thu nhập mỗi tháng từ 3,5 – 4 triệu đồng, vừa làm đồng, vừa làm vườn ươm giúp tăng thêm thu nhập”, chị Hoàng Thị Hòe (thôn 8, xã Quảng Liên) cho hay.

Việc chăm sóc cây giống không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù. Từ năm 2013, các hộ dân áp dụng làm vườn ươm cây giống theo hình thức mới, đặt ống nước để tưới nước tự động. Khi tưới cây, phải tuân thủ theo quy luật sinh trưởng. Đối với cây mới đưa vào bầu om thì 2-3 phút phải tưới một lần; cây 5-7 ngày thì phải tưới sau 5 phút; 10 ngày thì khoảng 10 phút tưới một lần.

Ông Trần Xuân Bường chia sẻ: “Ươm cây giống dễ mà khó, đối với cây keo ghép mới cấy, phải thường xuyên túc trực. Nếu như mất điện, thiếu nước từ 10-15 phút thì cây sẽ chết hàng hoạt. Lượng đất trong bầu cũng phải thích hợp, không nhiều, không ít để bảo đảm sinh trưởng tốt cho cây con”. Điều quan trọng trong làm vườn ươm cây giống là phải chọn đất phù hợp, đất chưa trồng loại cây gì, phải là đất đồi, tiếp đến là đặt ống dẫn nước, lắp hệ thống bơm, tỷ lệ đất trồng tại các bầu om, pha chế thuốc. Việc phun thuốc phải theo liều lượng, nếu quá liều sẽ dẫn đến tình trạng vàng lá, dễ chết.

Cái khó của nghề ươm cây giống là bệnh hại và thời tiết. Bệnh vàng lá, đốm trắng đang phổ biến hiện nay và gây ảnh hưởng không nhỏ cho các hộ dân nơi đây. Trong đợt lũ vừa qua, do bị ngập ước lâu nên nhiều hộ dân cũng bị thiệt hại đáng kể.

Bà Trần Thị Lành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Liên chia sẻ: “Mô hình ươm cây giống đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn, đồng thời góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo cho toàn xã”. Mô hình ươm cây giống còn cung cấp cây cho công tác trồng rừng, phủ xanh đồi trọc của xã, huyện và các tỉnh bạn.                           

Văn Bắc