.

Du lịch Quảng Bình bền gan trong "lửa thử vàng"

Chủ Nhật, 29/01/2017, 21:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu năm 2016, khi đoàn làm phim bom tấn của Hollywood (Mỹ) “Kong: Skull Island” lựa chọn nhiều địa điểm tuyệt đẹp của Quảng Bình làm phim trường,  không ít ý kiến đã rất lạc quan, kỳ vọng vào một năm phát triển “bội thu” của du lịch tỉnh nhà.

Vậy mà đến giữa năm, sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa) ở Hà Tĩnh gây ra, rồi tiếp tục là lũ chồng lũ vào tháng 10, tất cả đã khiến ngành du lịch đương khởi sắc đứng trước muôn vàn thử thách, khó khăn. Tổng lượt khách du lịch năm 2016 ước giảm tới 29,35% so với năm 2015 và giảm tới 43% so với kế hoạch đề ra của năm 2016, tổng doanh thu du lịch cũng theo đó giảm tới 30% so với năm 2015 và 46% so với kế hoạch năm 2016.

Những cánh buồm rạng rỡ “thổi làn gió” mới tươi mát cho du lịch tỉnh nhà.
Những cánh buồm rạng rỡ “thổi làn gió” mới tươi mát cho du lịch tỉnh nhà.

Không chịu lùi bước trước “vận hạn”, mà ngược lại đây chính là thời điểm để ngành du lịch tỉnh ta phát huy mạnh mẽ tính sáng tạo, đổi mới toàn diện, duy trì thế mạnh vốn có để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn mọi du khách.

Ngay sau thời điểm sự cố môi trường biển, Hiệp hội du lịch tỉnh đã nhận thấy một trong những việc cần làm đầu tiên để khôi phục lại du lịch biển chính là tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mang dấu ấn riêng, đồng thời, phải tạo được sự tươi mới, hấp dẫn, góp phần xua tan “bóng ma” Formosa lơ lửng đang ngăn trở du khách trở về với biển.

Từ ngày 13 đến ngày 19 tháng 7 năm 2016, Hiệp hội du lịch tỉnh đã đứng ra tổ chức chương trình diễu hành và trình diễn thuyền buồm Quảng Bình trong khuôn khổ chương trình Đua thuyền quốc tế mở rộng. Vượt qua những khó khăn do còn nhiều bỡ ngỡ trong khâu tổ chức, đây là lần đầu tiên những cánh thuyền buồm rạng rỡ, đủ màu sắc về với vùng biển Quảng Bình, đánh dấu thông điệp vùng đất gió Lào cát trắng muốn gửi đến bè bạn gần xa, đó là du lịch biển vẫn vẫy gọi du khách với nhiều tiềm năng còn chưa khai thác hết, với lòng mến khách ấm nồng của người dân đất Quảng.

Chương trình trình diễn có 10 thuyền buồm đã tham dự Giải đua thuyền tỉnh Kiên Giang mở rộng-Phú Quốc lần thứ nhất năm 2016. Ngoài ra, còn có 20 thuyền Crystal Kayak, mô tô nước, cano, dù lượn tham gia diễu hành và trình diễn.

Nhiều hoạt động hấp dẫn khác cũng đủ sức níu chân du khách ưa khám phá, như: tổ chức cho du khách tham quan và chiêm ngưỡng thuyền buồm trên sông và cửa biển Nhật Lệ, tổ chức cho du khách trải nghiệm làm thủy thủ trên thuyền buồm, trao thưởng cho các phần thi ảnh đẹp với thuyền buồm gồm các hạng mục ảnh chuyên nghiệp, ảnh selffie...

Ông Trần Xuân Cương, Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch tỉnh hồ hởi chia sẻ, theo thống kê, đã có 860 lượt người lên thuyền buồm trong tuần diễu hành và trình diễn thuyền buồm, đồng thời số lượng tương tác trên các kênh mạng xã hội là hơn 120 nghìn người. Chương trình diễu hành và trình diễn thuyền buồm như một “làn gió mới”, mang lại một sức sống tươi trẻ cho du lịch biển tỉnh nhà, tạo điểm nhấn cho du lịch Quảng Bình và mang lại một góc nhìn tích cực, lạc quan cho đội ngũ những người làm du lịch.

Thực tế cho thấy, trước, trong và sau khi diễu hành và trình diễn thuyền buồm được tổ chức, lượng khách đổ về tỉnh ta thời điểm cuối tháng 7 và trong tháng 8 tăng cao rõ rệt, hứa hẹn du lịch thuyền buồm sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du khách nếu chúng ta có sự quan tâm, đầu tư và quản lý hiệu quả. Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh đang tiếp tục gia hạn để thuyền buồm ở lại với Quảng Bình, trở thành điểm du lịch ấn tượng tại Đồng Hới nói riêng và Quảng Bình nói chung, góp phần tạo ra nhiều sân chơi cho du khách khi đến với thành phố Hoa Hồng.

Không chỉ du lịch biển nỗ lực “khoác áo mới” mà các loại hình du lịch khác cũng xem đây là cơ hội để thử thách mình, mạnh dạn với những thử nghiệm mới, qua đó tiên phong trong việc hấp dẫn khách du lịch bằng thế mạnh độc đáo của riêng mình. Cuối tháng 8 vừa qua, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, phối hợp với Câu lạc bộ ca trù Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch) để đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào biểu diễn tại tuyến du lịch sông Chày-hang Tối.

Theo ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, ý tưởng “đưa di sản phục vụ di sản” đã manh nha từ lâu, nhưng đến nay mới được triển khai khi nhiều điều kiện đã thực sự chín muồi. Việc biểu diễn ca trù phục vụ du khách, nhất là du khách nước ngoài, vào thứ 7 và chủ nhật mỗi tuần chính là một trong những cách thức quảng bá và bảo tồn di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Đồng thời, chương trình sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng vốn dĩ bấy lâu nay chỉ quen thuộc với khám phá hang động, qua đó “sưởi ấm mùa đông di sản”, giảm bớt tính thời vụ của du lịch tỉnh nhà. Nghệ nhân dân gian Hồ Xuân Thể, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Đông Dương, không giấu nỗi niềm vui khi chia sẻ, các nghệ nhân đến với di sản như một sân chơi mới để phô diễn tài năng, đem tinh hoa ca trù đến với du khách gần xa và lớp học viên trẻ cũng có cơ hội thi thố, biểu diễn, được rèn luyện và trao truyền kỹ năng, ngón nghề của mình. Các nghệ nhân của câu lạc bộ bày tỏ mong muốn, sẽ không chỉ có sông Chày-hang Tối mà nhiều điểm du lịch khác cũng sẽ đưa ca trù vào hoạt động như một sản phẩm mang dấu ấn độc đáo riêng.

Bên cạnh ca trù, Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng từ trước đến nay luôn tạo phong cách làm du lịch rất riêng với các sản phẩm mới lạ, độc đáo, như: nhà hàng “tổ chim” tại suối Moọc, đu dây Zipline sông Chày-hang Tối, ngâm chân bằng thảo dược, cá massage chân ở sông Chày-hang Tối... Ông Lê Thanh Lợi khẳng định, trong bối cảnh sự cố môi trường biển còn ảnh hưởng đến du lịch lâu dài như hiện nay, Trung tâm sẽ luôn tiên phong chú trọng vào các sản phẩm du lịch tạo dấu ấn riêng cho du lịch tỉnh.

Theo ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch, bên cạnh đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong năm qua, tỉnh ta còn tập trung chú trọng vào các chính sách kích cầu du lịch hiệu quả, như: giảm 30% phí tham quan hang động cho khách du lịch có lưu trú tại tỉnh, các cơ sở lưu trú đồng loạt giảm giá từ 20-40%, cơ sở ăn uống giảm giá từ 10-20%. Trong khó khăn về sự cố môi trường biển và lũ chồng lũ vào giữa tháng 10 vừa qua, ngành du lịch vẫn giảm giá dịch vụ lưu trú, có nơi từ 50-100%, cho các đoàn cứu trợ lũ lụt.

Nhờ đó, tính riêng khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng từ đầu năm đến cuối tháng 10, khách du lịch tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ, tổng doanh thu tại các khu, tuyến, điểm du lịch cũng tăng 12% so với cùng kỳ. Trong năm 2017, để đối mặt với thách thức, bên cạnh các nhóm giải pháp về kích cầu du lịch, bình ổn thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đầu tư du lịch, việc phát triển các sản phẩm du lịch đóng vai trò then chốt trong việc khôi phục lại diện mạo của du lịch.

Theo đó, tỉnh ta sẽ xây dựng bộ sản phẩm du lịch MICE tại các khu vực ven biển với mức giá hấp dẫn, quảng bá rộng rãi với sự tham gia của các sở, ban, ngành để kêu gọi, mời tổ chức các chương trình, hội nghị, hội thảo của các cơ quan Trung ương, dự án quốc tế tại Quảng Bình và từ đó hình thành nên một sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh ta trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh nâng cao chất lượng các khu, tuyến, điểm du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh, tỉnh sẽ mở thêm nhiều tuyến du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, đặc biệt là hệ thống 57 hang động mới tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm, như: thuyền buồm, tuyến du lịch Long Đại-thác Tam Lu, các sản phẩm du lịch trường quay bộ phim “Kong: Skull Island”... 

Ngoài ra, các tuyến du lịch văn hóa tâm linh, sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa-lịch sử, tuyến du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian, các làng nghề truyền thống, những nét văn hóa độc đáo các tộc người sẽ lần đầu được khai phá ở bản Tà Vờng (Trọng Hóa, Minh Hóa), bản A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch), Làng du lịch văn hóa tộc người Ma Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch)...

Các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, như “Ca trù sưởi ấm mùa đông di sản” chính là “chìa khóa vàng” của du lịch Quảng Bình vượt qua thử thách.
Các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, như “Ca trù sưởi ấm mùa đông di sản” chính là “chìa khóa vàng” của du lịch Quảng Bình vượt qua thử thách.

Năm 2017 cũng sẽ là một năm đột phá của công tác quảng bá, xúc tiến và liên kết phát triển du lịch của tỉnh ta. Với nỗ lực đưa Quảng Bình trở thành điểm đến hàng đầu châu Á, ngành du lịch có kế hoạch quảng bá hình ảnh Quảng Bình trên trang tư vấn du lịch hàng đầu thế giới Tripadvisor, tạp chí CNN Traveller, tạp chí Heritage, các kênh truyền hình trung ương và địa phương.

Đồng thời, nhiều sự kiện du lịch nổi bật sẽ góp phần in đậm dấu ấn của du lịch Quảng Bình, đáng chú ý có Festival hang động Quảng Bình, Ngày hội văn hóa-du lịch Quảng Bình tại Hà Nội, phối hợp với 2 tỉnh bạn là Kiên Giang và Thừa Thiên- Huế tổ chức cuộc thi Hoa hậu vì Hòa bình Thế giới...

Đây cũng là thời điểm để các chương trình farmtrip, presstrip từ các tỉnh bạn, nước ngoài đến khảo sát điểm du lịch tại tỉnh ta, mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho phát triển du lịch. Các tuyến đường sắt Đồng Hới-Hà Nội-Lào Cai, tuyến bay Đồng Hới-Cam Ranh, Đồng Hới-Cát Bi... được kỳ vọng là sẽ khai thông và mở cánh cửa đón một lượng lớn khách tiềm năng của tỉnh ta.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, có thể nói du lịch cũng như nhiều ngành nghề kinh doanh, sản xuất khác trên địa bàn tỉnh ta đang trong giai đoạn “thử lửa” như thế, để rồi kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Trong khó khăn, ngành du lịch lại có thêm cơ hội để “lột xác”, tự khẳng định mình và vươn tới mục tiêu là một trong những điểm đến hàng đầu của thế giới.

M.N