.

Chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở Bố Trạch: Cố gắng hoàn thành trước dịp Tết Nguyên đán

Thứ Tư, 11/01/2017, 10:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây nên khiến ngư dân Bố Trạch chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, với sự nỗ lực hết mình của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, huyện Bố Trạch đang gấp rút chi trả các khoản tiền hỗ trợ, đền bù đến tận tay người dân trên cơ sở bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng; phấn đấu hoàn thành trước dịp Tết Nguyên Đán.

Sở hữu đường bờ biển dài 24 km, Bố Trạch hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển kinh tế biển. Những năm trước đây, kinh tế biển đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế địa phương với sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tăng bình quân 2,7 ngàn tấn/năm; riêng năm 2015 đạt 23.100 tấn.

Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, kinh tế biển chính là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển đã gây thiệt hại nặng nề đối với lĩnh vực kinh tế với 13 xã bị ảnh hưởng (trong đó có 6 xã bị ảnh hưởng trực tiếp và 7 xã bị ảnh hưởng gián tiếp).

Đồng hành cùng ngư dân vượt qua khó khăn, Bố Trạch đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh nhằm kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, công tác thống kê xác định tổng giá trị thiệt hại được đền bù theo quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được huyện triển khai chu đáo trên cơ sở bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch và đúng đối tượng.

Ngư đân xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch làm thủ tục nhận tiền đền bù, hỗ trợ do sự cố môi trường biển.
Ngư đân xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch làm thủ tục nhận tiền đền bù, hỗ trợ do sự cố môi trường biển.

Ngay sau khi có công văn của UBND tỉnh về việc kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển và được tập huấn tại sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Bố Trạch đã triển khai ngay việc thống kê thiệt hại. UBND huyện đã chỉ đạo các xã thành lập các tổ giám sát với thành phần, gồm: chính quyền, các tổ chức mặt trận, đoàn thể, chức sắc tôn giáo..., nhằm giám sát việc rà soát, thẩm định sơ bộ thiệt hại của người dân khi thực hiện kê khai.

Đồng thời, huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành rà soát, thẩm định từng thôn; sau khi rà soát xong thì tiến hành tổ chức họp dân lấy ý kiến, chốt danh sách và đem niêm yết công khai. Riêng đối với nuôi trồng thủy sản, huyện chỉ đạo các xã đo diện tích, xác định những hộ nuôi có tỷ lệ thiệt hại trên 70% (kèm theo biên bản).

Cùng với đó, tất cả các lao động bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đều được xã nhập số chứng minh nhân dân để tránh trùng lặp khi kê khai. Theo số liệu báo cáo từ phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bố Trạch, kết quả thống kê xác định tổng giá trị thiệt hại được đền bù theo quyết định 1880/QĐ-TTg của ngư dân Bố Trạch khoảng trên 600 tỷ đồng.

Trong số các địa phương của huyện Bố Trạch, Thanh Trạch là xã đầu tiên thực hiện chi trả cho ngư dân. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Việc chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển là khá “phức tạp”, bởi rất khó để xác định các đối tượng lao động bị ảnh hưởng gián tiếp như: cơ sở sản xuất đá lạnh, tạm trữ thủy sản... Nếu làm không khéo sẽ gây mất đoàn kết trong dân, thậm chí là khiếu kiện kéo dài.

Chính vì vậy, ngay từ đầu, xã hết sức thận trọng trong công tác kê khai. Tất cả những người dân nằm trong diện đối tượng được hỗ trợ, đền bù từ chủ tàu, thuyền viên cho đến các lao động làm việc liên quan đến nghề cá... đều được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã cả về danh sách lẫn số tiền được nhận. Đối với các trường hợp có văn bản phản ánh, xã thành lập hội đồng để trực tiếp kiểm tra, đánh giá. Đến nay, công tác chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển trên địa bàn xã Thanh Trạch đã cơ bản hoàn tất. Người dân hết sức phấn khởi”.

Anh Nguyễn Văn Viện (thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch), chủ tàu cá QB 92002TS cho biết: đợt này, chiếc tàu cá công suất 320CV của gia đình anh với 7 thuyền viên trên tàu được phê duyệt đền bù 87 triệu. Ngay khi có thông báo của chính quyền địa phương, gia đình anh đã có mặt tại trụ sở UBND xã để nhận tiền đền bù và chia lại cho các bạn thuyền theo quy định. Số tiền còn lại, vợ chồng anh Viện dự định sẽ mua sắm thêm các trang thiết bị trên tàu để tiếp tục vươn khơi.

Cũng như anh Viện, anh Nguyễn Văn Cùng (thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch), chủ tàu cá số hiệu QB 92747TS vui mừng chia sẻ thêm: “Tàu cá của gia đình tôi được đóng theo chương trình 67, vừa hạ thủy đầy một năm thì gặp ngay sự cố môi trường biển, khó khăn thêm phần khó khăn. Nay, tàu cá của gia đình với 9 thuyền viên được phê duyệt đền bù 220 triệu đồng, đợt vừa rồi đã nhận được 110 triệu đồng. Với số tiền này, sau khi chia cho các thuyền viên theo quy định, số còn lại gia đình tôi sẽ trả một phần nợ và tiếp tục mua lưới, sửa lại cái bu lăng và sắm thêm một số trang thiết bị khác trên tàu để tiếp tục vươn khơi, bám biển”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, trong đợt 1 này, sau khi hoàn tất các thủ tục kê khai, UBND huyện Bố Trạch đã ra quyết định phê duyệt chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển là 299 tỷ đồng. Hiện tại, có 11/13 xã đã cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường thiệt hại cho ngư dân trên địa bàn. Riêng tại 2 xã Hạ Trạch và Hoàn Trạch, với đối tượng bị thiệt hại chủ yếu là các hộ nuôi trồng thủy sản, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo địa phương hoàn thiện hồ sơ và tiến hành chi trả, phấn đấu hoàn thành trước dịp Tết Nguyên Đán.

Thanh Hải