.

Vay vốn thôn bản, tạo dựng niềm tin

Thứ Tư, 07/12/2016, 09:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ chỗ hiểu biết rất mơ hồ về hình thức tiết kiệm vốn vay thôn bản và e ngại không dám tham gia, giờ đây mỗi hội viên phụ nữ xã Ngân Thủy đều nhận thức rõ về mô hình vốn vay này, cũng như hiệu quả mà nó mang lại đối với đời sống sinh hoạt của chị em. Nhờ đồng vốn tiết kiệm, nhiều chị em phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo và giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.

Được Hội LHPN huyện và dự án Plan chọn làm đơn vị xây dựng mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản, hầu như hội viên Phụ nữ xã Ngân Thủy chưa định hình được phải làm gì và làm như thế nào. Đây cũng là điều dễ hiểu đối với phụ nữ vùng cao, bởi lâu nay đồng tiền của họ làm ra gần như không đủ cho chi tiêu hàng ngày.

Nhiều chị không biết đọc và đếm được số tiền lớn thì làm sao tham gia được hoạt động tiết kiệm. Bắt đầu từ những cái khó tưởng chừng không tháo gỡ được, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của của Hội LHPN huyện và cấp uỷ đảng, sự hỗ trợ của cán bộ trong Ban quản lý dự án Plan cùng đồng hành, Ban Chấp hành Hội LHPN xã Ngân Thủy đã tích cực tuyên truyền, vận động thành lập nhóm tiết kiệm cho chị em phụ nữ tại các thôn bản. Thời gian đầu mới triển khai thành lập nhóm nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chị em chưa hiểu về mô hình tiết kiệm, lo lắng sợ mất tiền, thậm chí một số chị em chồng không cho tham gia...

Trước thực tế này, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã họp, mời các chị chi hội trưởng đến để nghe cán bộ Hội LHPN huyện và dự án triển khai cách thức hoạt động, lợi ích và hiệu quả của mô hình mang lại. Sau buổi triển khai tại xã, các chị phân công nhau về từng thôn tổ chức họp chị em, mời cả chồng của các hội viên tham gia để mọi người điều hiểu và đăng ký thực hiện.

Giờ đây, khái niệm tham gia tiết kiệm vốn vay thôn bản đã không còn xa lạ với chị em phụ nữ. Theo đó, tổ chức Plan hỗ trợ chị em một két sắt nhỏ với ba ổ khóa và do ba người giữ chìa khóa. Một người khác được chị em tín nhiệm giao giữ két sắt này. Mỗi tháng nhóm tổ chức sinh hoạt 2 lần, tại các buổi sinh hoạt, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình, mỗi chị em có thể tiết kiệm 20.000 đồng, 40.000 đồng, 60.000 đồng, 80.000 đồng và tối đa là 100.000 đồng vào quỹ này. Cứ 20.000 đồng tương đương với một con dấu. Việc sử dụng con dấu là để giúp người không biết chữ cũng có thể tham gia được.

Từ những hiệu quả của mô hình mang lại, chị em hết sức vui mừng và tin tưởng. Đến nay, toàn xã có 20 nhóm với 387 thành viên, trong đó có 33 thành viên là nam giới tham gia. Tổng số tiền đóng tiết kiệm được hơn 1,122 tỷ đồng, xét cho hàng trăm lượt chị em vay. Từ nguồn vốn này, chị em hội viên đã được vay để phát triển kinh tế gia đình hoặc đầu tư cho con cái học hành.

Để gắn kết tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong hội viên, phụ nữ trong chi hội, các thành viên trong Tổ tiết kiệm vốn vay bản còn đóng góp thêm nguồn quỹ xã hội để thăm hỏi thành viên lúc ốm đau, hoạn nạn. Đồng thời, tại các buổi sinh hoạt, nhóm trưởng đã lồng ghép các nội dung hoạt động hội như tuyên truyền về cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, xây dựng gia đình hạnh phúc, cách làm kinh tế hiệu quả... để chị em tham gia cùng nhau trao đổi và chia sẻ những cách làm hay, có thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Tham gia nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản, chị em hội viên còn được Hội LHPN huyện và dự án Plan tổ chức các buổi truyền thông về kiến thức bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, cách lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hộ, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức điều hành sinh hoạt cho các nhóm trưởng, chi hội trưởng...

Chị Hồ Thị Nhanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngân Thủy bày tỏ: “Nhờ triển khai mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản, đã giúp chị em mạnh dạn và tích cực hơn trong việc tham gia các sinh hoạt hội, đời sống kinh tế của chị em ổn định hơn, người chồng hiểu và chia sẻ công việc với vợ hơn trước đây. Đặc biệt, đã hình thành cho chị em thói quen tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để hướng tới mục tiêu phải thoát nghèo”.

Trong năm 2016, Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp nhân rộng mô hình “Tổ vay vốn và tiết kiệm thôn bản” tại Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy, vừa tập thói quen tiết kiệm vừa thu hút phát triển hội viên trong đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả, đã thành lập được 10 nhóm, với 155 thành viên, số tiền tiết kiệm 186 triệu đồng; trong đó có 40 hội viên thu hút mới, nâng tổng số hội viên 3 xã dân tộc, miền núi lên 1.270 hội viên, góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức cũng như cuộc sống của phụ nữ vùng cao.

Với nhiều cách làm mạnh dạn, sáng tạo, Hội Phụ nữ các cấp đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho phụ nữ trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác tương thân, tương ái trong cộng đồng, coi trọng tính hiệu quả, bền vững.

Hồng Mến
(Đài TT-TH Lệ Thủy)