.

Trồng lúa hữu cơ, hướng đi mới cho bà con nông dân

Thứ Năm, 01/12/2016, 10:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Với hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mô hình trồng lúa hữu cơ đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân tỉnh Quảng Bình.

Xuất phát từ nhu cầu chú trọng sử dụng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng của người dân, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm miền Trung thực hiện mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm (được sản xuất theo quy trình lên men ủ hái khí sử dụng vi sinh vật từ 2 tập đoàn Natagri-Canada và EM-Nhật Bản) trong sản xuất giống lúa Bắc Thơm 7. Ban đầu, mô hình được thực hiện với quy mô 2 ha tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Yến (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) trong vụ đông xuân 2015-2016.

Sau một thời gian thực hiện theo đúng quy trình sản xuất nghiêm ngặt với yêu cần bón phân hoàn toàn là phân hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học, thuốc trừ sâu hóa chất, kết quả cho thấy dù năng suất tương đương nhưng chất lượng của lúa hữu cơ lại ưu việt hơn.

Ông Lê Văn Nhâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Yến cho biết: Năng suất bình quân của mô hình thực hiện tại HTX đạt 51 tạ/ha. Giống lúa Bắc Thơm 7 sinh trưởng, phát triển khá, khả năng đẻ nhánh trung bình, lá đòng đứng, góc là vừa phải, màu xanh sẫm; trổ tập trung, thoát bông, hạt xếp sít.

Mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm trong sản xuất giống lúa Bắc Thơm 7 tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Yến (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh).
Mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm trong sản xuất giống lúa Bắc Thơm 7 tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Yến (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh).

Đặc biệt, giống lúa Bắc Thơm 7 bón phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi trừ chi phí sản xuất, mô hình cho lãi 720 ngàn đồng/sào (tương đương 14,4 triệu đồng/ha), cao hơn so với đại trà 441 ngàn đồng/sào (tương đương 8,8 triệu đồng/ha).

Với thành công bước đầu của mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Yến, vụ hè-thu 2016, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã mở rộng thực hiện mô hình tại HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Trung Trạch (xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) với tổng diện tích 7 ha.

Để được tận mắt chứng kiến thành quả sản xuất lúa hữu cơ của bà con nông dân, chúng tôi tìm về xã Trung Trạch. Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Trung Trạch, ông Phương đã không giấu nỗi niềm vui được mùa trong vụ sản xuất lúa hữu cơ vụ hè-thu vừa qua.

Ông Phương chia sẻ: “Mô hình sản xuất lúa hữu cơ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cây lúa thông thường, mà còn tạo được sản phẩm lúa gạo sạch, môi trường sống sinh thái trong lành và giúp nông dân trong HTX đoàn kết sản xuất. Lúa thu hoạch lại được Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm miền Trung cam kết bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế, nên bà con nông dân chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn được mở rộng diện tích”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cũng đánh giá cao kết quả của mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Theo ông, mô hình đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, dưới sự quản lý của nhà nước.

Vật tư đầu vào được cung ứng tốt, kịp thời, chủ động, giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng, được hướng dẫn kỹ thuật nên hiệu quả mô hình cao; chi phí sản xuất giảm. Đây là hướng phát triển tất yếu, cần thiết trong việc xây dựng vùng sản xuất gạo hữu cơ theo VietGAP, mở ra hướng đi mới, cách làm mới cho nông dân trên địa bàn, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Với những kết quả đạt được, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại địa bàn xã Trung Trạch (Bố Trạch) và xã An Ninh (Quảng Ninh) với tổng diện tích 10 ha vụ đông-xuân 2016-2017 và vụ hè-thu 2017 là 10 ha.

Lê Mai