.

Thị xã Ba Đồn: Quyết tâm hoàn thành lộ trình dồn điền, đổi thửa

Thứ Ba, 13/12/2016, 08:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Thiệt hại của 2 trận mưa lũ vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra, các địa phương đang gấp rút triển khai dồn ghép thửa, quy hoạch hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng để tiến hành bắt thăm và giao ruộng cho bà con nông dân. 

Thị xã Ba Đồn có diện tích tự nhiên 16.230ha, chiếm 2% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Đất nông nghiệp trên địa bàn thị xã có 11.347,5ha, chiếm gần 70% tổng diện tích tự nhiên của thị xã (trong đó đất trồng lúa 2.894ha, đất trồng cây hàng năm gần 1.272ha, đất trồng cây lâu năm gần 219ha, đất rừng phòng hộ 1.908ha, đất rừng sản xuất 4.588ha); đất phi nông nghiệp 4.200,5ha, chiếm 26% và đất chưa sử dụng 682ha, chiếm trên 4%.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thị uỷ, kế hoạch của UBND thị xã về tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo của xã, các tiểu ban của thôn và các tổ, triển khai thống kê nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp của từng hộ, dự kiến quy hoạch lại hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng để thuận tiện cho sản xuất. Các xã đã xác định diện tích làm thuỷ lợi nội đồng cần bổ sung, đất 5% của thôn, đất ở và đất công cộng khác để làm căn cứ xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa của thôn, của xã phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, Trưởng ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa thị xã cho biết: Hiện tại, thị xã Ba Đồn đang triển khai dồn điền, đổi thửa đối với 9 xã (riêng xã Quảng Tân là đơn vị làm điểm của thị xã đã hoàn thành), còn các phường sẽ tiếp tục thực hiện sau khi hoàn thành việc quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu.

 Khi thực hiện dồn điền đổi thửa, các địa phương đã tuỳ vào điều kiện đất đai để tính diện tích giao cho hộ dân nhằm bảo đảm sự công bằng
Khi thực hiện dồn điền đổi thửa, các địa phương đã tuỳ vào điều kiện đất đai để tính diện tích giao cho hộ dân nhằm bảo đảm sự công bằng.

Có 46 thôn thực hiện dồn điền, đổi thửa trong đợt này; trong đó xã Quảng Hải 6 thôn, Quảng Văn 3 thôn, Quảng Lộc 5 thôn, Quảng Hoà 4 thôn, Quảng Minh 6 thôn, Quảng Sơn 7 thôn, Quảng Thuỷ 5 thôn, Quảng Tiên 6 thôn và Quảng Trung 4 thôn.

Tính đến ngày 5-12-2016, có 70% số thôn đã tiến hành giao ruộng cho bà con nông dân, 92% số thôn hoàn thành giao thông thuỷ lợi nội đồng, các thôn còn lại đang triển khai dồn, ghép thửa chuẩn bị bắt thăm giao ruộng cho bà con nông dân. Dự kiến đến cuối tháng 12-2016, thị xã sẽ cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa tại 9 xã.

Qua tìm hiểu thực tế về quy trình và các bước triển khai thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, chúng tôi được biết, đa số các địa phương đều tập hợp toàn bộ diện tích đất trên địa bàn xã vào một quỹ đất chung và tiến hành khảo sát trên đồng ruộng. Sau đó phân loại đất theo các loại vùng và theo nhận xét độ màu mỡ của đất trong quá trình sản xuất đã được kiểm nghiệm. Căn cứ vào số suất thực tế có nhu cầu nhận ruộng ở các thôn để cân đối diện tích đất cho từng suất. Các địa phương lập quy hoạch hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng theo định hướng công nghiệp hoá nông nghiệp từ quỹ đất trước khi cân đối diện tích.

Quy hoạch các loại quỹ đất khác để phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa 2 vụ kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản và trồng một số cây rau màu khác. Sau khi hoàn thành việc rà soát nhân khẩu, suất ruộng, diện tích đất quy hoạch, diện tích đất còn lại cho việc dồn điền đổi thửa và xây dựng định mức, tiểu ban chỉ đạo thôn tổng hợp và xây dựng phương án chi tiết, tổ chức họp dân để thông qua phương án, tuyên truyền và vận động nhân dân lao động công ích để san đắp đường giao thông và kênh mương thuỷ lợi nội đồng. Tiếp đó là tổ chức bắt thăm giao ruộng, giao đất thực địa cho các hộ dân.

Nhờ chủ động, tích cực triển khai công tác dồn điền, đổi thửa đúng theo các bước bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ nên nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo phong trào sôi nổi nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Dù mỗi địa phương có những bước khởi đầu khác nhau, nhưng kết quả của việc dồn điền, đổi thửa đã tạo được sự công bằng trong quần chúng nhân dân, thu hút toàn thể nhân dân cùng tham gia. Đây chính là động lực, sức mạnh để thực hiện xây dựng nông thôn mới thành công. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn thị xã Ba Đồn vẫn còn gặp một số khó khăn.

Cụ thể, do bồi lắng cát, sỏi, đất từ sự cố vỡ đê đã gây ảnh hưởng đến công tác làm giao thông thuỷ lợi nội đồng để tiến hành bắt thăm giao ruộng cho các hộ dân tại xã Quảng Hải. Một số hộ dân trên địa bàn hiện không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nữa, nhưng vẫn không giao ruộng lại cho địa phương để tiến hành dồn ghép thửa đất. Tại xã Quảng Sơn, vẫn còn một số hộ dân chưa đồng tình với chủ trương dồn điền đổi thửa làm chậm tiến độ thực hiện của địa phương, đặc biệt là tại 4 thôn: Bắc Sơn, Linh Cận Sơn, Trung Thượng và Diên Trường.

Dồn điền, đổi thửa là việc khó, chính vì vậy phải được triển khai từ cơ sở, phải nêu cao dân chủ và công bằng. Từ thực tế trên, ngoài việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu hết lợi ích và hiệu quả của việc dồn điền, đổi thửa, các địa phương cần tạo điều kiện sản xuất tốt hơn trước cho người dân từ hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng đến các điều kiện phục vụ sản xuất.

Trong quá trình thực hiện, tuỳ điều kiện đất đai của từng địa phương có thể dùng hệ số quy đổi giữa các nhóm đất hoặc vùng đất theo quy hoạch để tính diện tích giao cho hộ dân nhằm bảo đảm sự công bằng. Sau khi dồn điền, đổi thửa, các địa phương phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân và thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.

Hiền Chi