.

Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu

Thứ Năm, 15/12/2016, 14:16 [GMT+7]

Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương đang phối hợp với Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Petrolimex xây dựng dự thảo lấy ý kiến về Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Khách mua xăng tại cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Khách mua xăng tại cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo đó, đối tượng quy hoạch hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu bao gồm: Dự trữ Nhà nước, dự trữ sản xuất và dự trữ thương mại (kể cả các kho ngoại quan xăng dầu); không quy hoạch các kho của lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) cung cấp xăng dầu trong nội bộ ngành.

Phạm vi của Quy hoạch trên cả nước gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo Bộ Công Thương, mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ trọng tâm của dự thảo phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Cùng với đó, dự thảo còn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế một cách hiệu quả, có tính hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

Kế hoạch của dự thảo cũng xác định nhu cầu xây dựng hệ thống kho cảng xăng dầu trên phạm vi cả nước và khả năng khai thác hệ thống hiện có.

Tính nhu cầu xây dựng bổ sung hệ thống kho cảng xăng dầu (quy mô, công suất, địa điểm) trên phạm vi cả nước và các vùng cung ứng trong giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035.

Do vậy, từ năm 2025, tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam cần đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA).

Cũng theo Bộ Công Thương, định hướng phát triển chung của quy hoạch là phân bố các kho dự trữ tương ứng với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của các khu vực/vùng.

Đối với các kho xăng dầu dự trữ thương mại thì tiến độ phát triển hệ thống kho xăng dầu đầu mối, kho xăng dầu tuyến sau tương ứng với tốc độ tăng nhu cầu của từng khu vực và từng giai đoạn.

Riêng đối với các nhà máy lọc dầu tiến độ các kho dầu thô (đầu vào) và kho sản phẩm (đầu ra) phù hợp với thiết kế tổng thể về quy mô công suất, tiến độ, cơ cấu sản phẩm.

Ngoài ra, đối với các kho dự trữ quốc gia, các nhà máy lọc dầu và các kho đầu mối đều có thể tham gia ứng cứu trong các tình huống khẩn cấp, tối ưu hóa cung đường vận chuyển dầu thô từ kho dự trữ quốc gia đến các nhà máy lọc dầu.

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)