.

Nuôi cá lồng trên sông Gianh: Cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế

Thứ Năm, 15/12/2016, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, trong khi sự cố ô nhiễm môi trường biển gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của nhiều người dân vùng biển, thì dọc bờ sông Gianh, huyện Tuyên Hóa, nghề nuôi cá lồng lại rất phát triển, đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân nơi đây. Hiện nay, toàn huyện có gần 300 lồng cá trên sông, tập trung chủ yếu tại xã Châu Hóa (75 lồng), Tiến Hóa (61 lồng), Thạch Hóa (40 lồng), Đồng Hóa (25 lồng)…

 

 Cán bộ kỹ thuật đang kiểm tra mức độ phát triển của cá lăng chấm nuôi tại xã Châu Hóa.
Cán bộ kỹ thuật đang kiểm tra mức độ phát triển của cá lăng chấm nuôi tại xã Châu Hóa.

Nuôi cá lồng là phương thức nuôi cá dựa vào lợi thế thiên nhiên có sẵn của các dòng sông, vừa tiết kiệm được chi phí đào ao, vừa tận dụng dòng chảy để lưu thông nước và nguồn thức ăn tự nhiên phù du trong dòng nước.

Anh Mai Ngọc An, thôn Đạm Thủy 3, xã Thạch Hóa cho biết: Nuôi cá lồng có thu nhập hơn chăn nuôi bò, lợn, vì thức ăn của cá có sẵn trong tự nhiên như cỏ, rong, rêu, lá chuối... Nếu nhà có điều kiện cho ăn thêm cám, bột ngô thì cá nhanh phát triển và sớm cho thu hoạch hơn.

Hiện nay, cá trắm lồng được cho là nguồn cá sạch do bà con không nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp, thịt cá chắc và thơm nên đầu ra tương đối ổn định.

So với các ngành chăn nuôi, trồng trọt ở đây thì nghề nuôi cá lồng vẫn cho thu nhập đáng kể hằng năm. Số vốn đầu tư cho làm lồng và thả khoảng 300 con cá giống hết khoảng 50 triệu đồng, sau khi thu hoạch trừ chi phí, người dân thu lãi mỗi lồng khoảng 15 triệu đồng/năm.

Để từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi trong khi người dân chủ yếu nuôi loài cá trắm cỏ, năm 2014, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa đã xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm trên địa bàn.

Cá lăng chấm là giống cá đặc sản nước ngọt, có giá trị kinh tế cao đã được các tỉnh miền núi phía bắc nuôi thành công. Cá thường sống ở tầng đáy các vùng nước sâu của suối, hồ và sông lớn nhiều phù sa, nước chảy chậm, nền đáy cát mịn, hàm lượng ôxy hòa tan cao. Thức ăn của cá nhỏ là ấu trùng, côn trùng, giun đất, lớn lên ăn cá con, tôm cua, rong rêu... Với những điều kiện này, cá lăng chấm rất phù hợp với mô hình nuôi cá lồng trên sông Gianh.

Với mô hình cá lăng chấm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa đã chọn nuôi trong lồng trên sông Gianh tại xã Châu Hóa và nuôi trong ao đất tại xã Sơn Hóa để thí điểm. Trong quá trình nuôi, mô hình được sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật từ khâu cải tạo dòng chảy, xây dựng lồng nuôi, chọn giống cho đến cách phòng bệnh nên cá sinh trưởng và phát triển nhanh, không bị bệnh.

Qua mô hình cho thấy, cá lăng chấm là một đối tượng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của huyện Tuyên Hóa và cá sinh trưởng phát triển tốt. Điển hình là hộ ông Hoàng Văn Minh, thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa đã đầu tư hơn 20 triệu đồng làm lồng nuôi thử nghiệm cá lăng chấm. Qua một một thời gian nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cá sống trên 80%.

Theo ông Hoàng Quốc Dũng, chủ nhiệm mô hình “Nuôi cá lăng chấm thương phẩm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa” cho biết: Sau một thời gian nuôi cá, chúng tôi nhận thấy cá lăng chấm nuôi lồng tỷ lệ sống khoảng 80%, đối với cá nuôi ao tỷ lệ sống 75% (trong khi đó cá trắm cỏ tỷ lệ sống khoảng 60%), trọng lượng cá lăng chấm thu hoạch sau 2 năm đối với cá lồng trung bình 3kg/con, cá ao trung bình 1,5kg/con.

Với tỷ lệ sống và mức tăng trưởng cao, giá bán tốt hơn những loại cá khác, sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với loài cá trắm cỏ truyền thống. Đây là giống cá nuôi mới cần được nhân rộng nhằm cải thiện kinh tế cho người dân.

Có thể nói, nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh đã mang lại thu nhập đáng kể cho người nuôi cá của huyện Tuyên Hóa. Thế nhưng, theo đánh giá của huyện thì vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế mà dòng sông Gianh mang lại. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn.

Nuôi cá trắm cỏ là một lợi thế của người dân huyện Tuyên Hóa.
Nuôi cá trắm cỏ là một lợi thế của người dân huyện Tuyên Hóa.

Ông Hoàng Văn Minh, xã Châu Hóa cho biết: Hiện nay, đầu tư một lồng nuôi cá cũng khá tốn kém, chi phí hết 20 triệu đồng, đóng thuyền nhỏ đi lấy thức ăn cho cá thêm 20 triệu đồng cộng thêm chi phí mua cá giống nữa thì người dân phải đầu tư tới 50 triệu đồng mới có được một lồng cá. Người nuôi cá thường vay của người thân, bạn bè chứ chưa có chương trình vay vốn nào của Nhà nước hỗ trợ, nên số lượng lồng nuôi chưa phát triển nhiều mặc dù đầu ra của cá khá ổn định.

Khó khăn thứ hai là nguồn thức ăn cho cá, vào mùa hè, cá có nguồn thức ăn khá dồi dào từ rong, rêu nên nhanh lớn. Nhưng đến mùa mưa lũ và mùa đông thức ăn tự nhiên cho cá trở nên khan hiếm, nên đa số những hộ nuôi cá lồng phải bỏ chi phí mua bột cám, bột ngô cho cá ăn.

Mặt khác, về mùa mưa lũ, nếu bà con không cẩn thận thì lũ có thể cuốn trôi mất lồng cá, mất cả vốn lẫn lãi. Trận lũ vừa qua, toàn huyện Tuyên Hóa có 16 lồng nuôi cá của bà con bị nước lũ cuốn trôi hoặc làm vỡ. Trong đó, xã Mai Hóa bị lũ cuốn trôi 5 lồng, Đức Hóa 4 lồng, xã Cao Quảng nuôi cá lồng trên sông Rào Nan cũng bị cuốn trôi 4 lồng... Một vấn đề khác, thời gian gần đây, việc khai thác cát sạn trái phép trên sông cũng làm cho môi trường nước bị ô nhiễm nên cá cũng chậm lớn.

Nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, giúp hàng trăm hộ dân huyện Tuyên Hóa tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển, rất cần sự chung tay hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, các tổ chức tín dụng, các cấp chính quyền, các nhà khoa học và doanh nghiệp trên địa bàn.

Thanh Hoa