.

Những bước chuyển dài trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

Thứ Sáu, 23/12/2016, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 16/NQ-CP về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thời gian qua Quảng Bình đã tập trung huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn, ưu tiên cho các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm, các lĩnh vực quan trọng như Sân bay Đồng Hới, Quốc lộ 1, Quốc lộ 12A, cảng biển Hòn La, cầu Nhật Lệ 2, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, giao thông, hạ tầng xây dựng nông thôn mới... Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho sự phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

 

Thành phố Đồng Hới ngày càng có nhiều khu đô thị được đầu tư mở rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Thành phố Đồng Hới ngày càng có nhiều khu đô thị được đầu tư mở rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án quan trọng như: mở rộng Quốc lộ 1; đường về xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; trục đường chính Bắc - Nam rộng 60m, xã Bảo Ninh, Đồng Hới (giai đoạn 1); cầu và đường về xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa; cầu Trung Quán, huyện Quảng Ninh...

Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư xây dựng hoàn thành bến xe ở các huyện, thị xã, thành phố, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan, môi trường đô thị.

Nhiều công trình, hạng mục quan trọng khác cũng được đầu tư, xây dựng như nâng cấp các cầu, cống có hoạt tải dưới 30 tấn để bảo đảm khai thác đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ trên các tuyến đường tỉnh, hoàn thành thủ tục chuẩn bị thực hiện Dự án LRAMP để xây dựng 22 cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn vay WB.

Một số tuyến đường quan trọng của tỉnh như: đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh; hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, tỉnh Quảng Bình; quốc lộ 9B; quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn; đường ven biển Bảo Ninh; trục đường chính Bắc - Nam rộng 60m xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (giai đoạn 2); đường phía Đông dọc bờ sông Nhật Lệ (giai đoạn 2)... cũng đang được đầu tư nâng cấp.

Đối với hệ thống đường thủy, đã thực hiện thành công đường nối Hòn Cỏ - Hòn La, nâng công suất cảng, bảo đảm tàu có trọng tải 30.000 - 50.000 tấn ra vào và trở thành cảng tổng hợp trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai các thủ tục để đầu tư cảng Hòn La giai đoạn 2; đồng thời phối hợp Cục Hàng hải, Cục Đường thuỷ nội địa xã hội hóa đầu tư nâng cấp, nạo vét khơi thông luồng lạch các tuyến đường sông quan trọng như: sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Roòn, sông Son... bảo đảm vận tải hành khách, hàng hoá, an toàn cho tàu thuyền đi lại.

Công trình Cảng hàng không Đồng Hới cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO cũng đã được đầu tư khá hoàn chỉnh với hệ thống đèn tín hiệu dẫn đường bay và các thiết bị hiện đại, đồng bộ, bảo đảm an toàn cất cánh, hạ cánh cho các chuyến bay trong điều kiện thời tiết xấu và bay đêm. Nhờ đó, tần suất bay của sân bay Đồng Hới được nâng lên, đến nay đã có 3 hãng (Vietnam Airline, Jetstar Pacific và VietJet Air) khai thác.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hệ thống thủy lợi, chú trọng xây dựng, nâng cấp, bảo đảm an toàn hồ chứa, các công trình ngăn mặn, hệ thống đê bao sông biển và các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Một số công trình thuỷ lợi quan trọng được đầu tư như: hồ Sông Thai, hồ Thác Chuối, Troóc Trâu... và các cụm hồ chứa khác đang phát huy hiệu quả tại các địa phương. Tỉnh đang tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư để sửa chữa, nâng cấp hồ Vực Tròn nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho người dân.

Nhằm chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu, tỉnh đã tập trung gia cố, xây dựng hệ thống đê, kè bờ sông, bờ biển, đầu tư hoàn thành Khu neo đậu cho tàu thuyền, tránh trú bão cửa sông Gianh, Khu neo đậu cho tàu thuyền, tránh trú bão cửa sông Roòn...; đầu tư xây dựng nâng cấp 8 khu nuôi trồng thủy sản cùng các khu nuôi trồng giống cây trồng, vật nuôi...và các tuyến đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đầu tư nhiều công trình thuỷ lợi quy mô nhỏ, kiên cố hóa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất phục vụ đời sống nhân dân.

Điều đáng mừng là từ năm 2012 đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được những bước chuyển biến tích cực, có sự đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng vùng nông thôn. Hệ thống cấp, thoát nước đã được quan tâm đầu tư ở các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp và vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các công trình đã dần phát huy tác dụng, công suất cấp nước ngày càng tăng, bảo đảm phục vụ nước sinh hoạt cho dân cư.

Đến nay có 95% dân cư đô thị dùng nước sạch, 83% hộ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Cùng với việc đầu tư các công trình thoát, xử lý nước thải đô thị ở các khu kinh tế, công nghiệp, du lịch trọng điểm tỉnh còn ưu tiên bố trí vốn cho các công trình cấp nước sạch phục vụ dân cư miền núi, ven biển, vùng khó khăn bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, Chương trình 134 và các nguồn vốn khác. Đến nay, đã đầu tư xây dựng 26 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và 29 công trình vệ sinh trường học, trạm y tế xã, hỗ trợ xây dựng hàng trăm nhà vệ sinh hộ gia đình và mô hình xử lý chất thải chăn nuôi ở các địa phương.

Công tác phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin cũng có nhiều kết quả đáng mừng, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị địa phương. Các loại hình dịch vụ viễn thông được đa dạng hóa, chất lượng thông tin liên lạc ngày càng được nâng cao. Công tác phát triển hạ tầng xã hội cũng tạo được nhiều dấu ấn, nhất là việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 774 trường và cơ sở giáo dục, 100% xã, phường, thị trấn có trường tiểu học và cơ sở giáo dục mầm non; 100% các huyện, thị xã, thành phố đều có trường THPT. Hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp, Trường đại học Quảng Bình được đầu tư chiều sâu, tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Với các chương trình hoạt động, đến nay, mạng lưới y tế từ tỉnh xuống các xã, vùng sâu, vùng xa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị, từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư nâng cấp và mở rộng, 82,4% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế...

Song song với các hoạt động phát triển văn hóa thể thao như đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình: Quảng trường biển Đồng Hới; đường du lịch vào núi Thần Đinh; đường du lịch nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào Hang 8 Cô; bảo tồn, tôn tạo và nâng cấp Khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh; bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Thành Đồng Hới (tuyến đường dạo 1); trùng tu chống xuống cấp 22 di tích từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia... tỉnh còn tập trung nhiều nguồn lực cho  việc xây dựng kết cấu hạ tầng hệ thống đô thị.

Nhờ đó hệ thống hạ tầng các đô thị đã từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ hiện đại, nhất là hệ thống giao thông nội thị. Đi đôi với việc đầu tư theo quy hoạch các khu đô thị mới, tỉnh còn chú trọng đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới ở các trung tâm xã, phường và huy động các nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xuất phát từ điều kiện thực tế là tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thời gian tới, tỉnh ta sẽ tập trung nhiều hoạt động như tiến hành điều chỉnh Quy hoạch hệ thống thủy lợi, đê kè, hồ đập... Chú trọng quy hoạch chi tiết các phường, thị trấn...; đồng thời tăng cường lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng, lợi thế để phát triển quỹ đất và thu hút đầu tư, nhất là ở khu vực nội thành Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, các thị trấn huyện lỵ.

Việc huy động các nguồn vốn để kiên cố hóa trường lớp học, trạm y tế; huy động nguồn vốn trong dân, vốn vay để thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, bê tông hoá đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới... cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm thực hiện thành công các mục tiêu về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện để đưa tỉnh phát triển bền vững trên hành trình mới.

Nh.V