.

Khi đặc sản "chuyển mình"!

Thứ Bảy, 31/12/2016, 13:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bối cảnh thực phẩm sạch, an toàn đang được đề cao như hiện nay, các đặc sản của tỉnh ta lại càng được quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, qua đó, tạo cơ hội để dễ dàng hơn trong việc tìm đầu ra, xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Để làm được điều này, nhiều cơ sở sản xuất đã mạnh dạn có những thay đổi, không chỉ nâng tầm quy trình chế biến, sản xuất, bảo quản, mà còn đổi mới mẫu mã, bao bì, đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng, hướng đến đối tượng tiềm năng là khách du lịch.

Tuy nhiên, trong nỗ lực đó, vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn để lộ trình đưa hàng hóa đặc sản từ tay người sản xuất đến khách hàng có thể bớt gập ghềnh hơn.

Hợp tác xã (HTX) làng nghề truyền thống Tân An (Quảng Thanh, Quảng Trạch) đã hình thành từ năm 2010, là “bà đỡ” mát tay cho 10 hộ gia đình tham gia sản xuất sản phẩm đặc sản của vùng quê đôi bờ sông Gianh. Từ quy mô nhỏ, thủ công, hiện nay, HTX đã có hơn 170 lao động, 23 máy làm bánh, 1 máy sấy bánh, tạo thu nhập ổn định cho mỗi xã viên từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thắng, Phó Chủ nhiệm HTX làng nghề truyền thống Tân An chia sẻ, nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm là khá lớn, nhưng mẫu mã, bao bì của sản phẩm vẫn chưa theo kịp, không chỉ chưa tạo ấn tượng, mà còn khó đóng gói, chuyên chở và nhất là chưa thể hiện được cái đẹp của bánh Tân An.

Vì vậy, vào thời điểm giữa năm 2015, chị em HTX mạnh dạn đổi mới bao bì, mẫu mã cũ và thay bằng bao bì, mẫu mã mới hiện đại, tạo điểm nhấn nổi bật cho cho ba loại bánh, gồm: mè xát, mè đen, bánh đa nem. Với bao bì, mẫu mã mới, nhiều thông tin sản phẩm được ghi chú cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là hạn sử dụng, nguyên liệu, cách bảo quản, sử dụng...

Các loại bánh của HTX làng nghề truyền thống Tân An được “khoác áo mới”, hấp dẫn và tạo điểm nhấn với người tiêu dùng.
Các loại bánh của HTX làng nghề truyền thống Tân An được “khoác áo mới”, hấp dẫn và tạo điểm nhấn với người tiêu dùng.

Từ khi thay đổi, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, nhất là các điểm như: Sân bay Đồng Hới, Trung tâm giới thiệu và phân phối nông sản Quảng Bình... Chị em kỳ vọng, nhờ đó, đặc sản Tân An sẽ có cơ hội tìm đầu ra tại các thị trường ngoài tỉnh trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm cùng loại.

Mặc dù vậy, dễ dàng nhận thấy theo tâm sự của chị Nguyễn Thị Thắng, các bao bì, mẫu mã mới đều do chị em tự đi nhờ người làm, in ấn, chưa có sự tư vấn, hướng dẫn để mang tính chuyên nghiệp cao cũng như có sự ổn định, thống nhất trong mẫu mã, bao bì đối với từng sản phẩm.

Vào tháng 8 năm 2016, tổ hợp tác sản xuất nuôi ong lấy mật của xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa được nâng cấp thành HTX nông nghiệp nuôi ong lấy mật Quyết Thắng. Đây là bước đệm để đưa sản phẩm mật ong tiếp cận những thị trường rộng lớn, tiềm năng hơn.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, chủ nhiệm HTX cho biết, với quy mô 400 đàn, sản lượng trung bình từ 3 đến 4 tấn mật ong mỗi năm và 20 xã viên, HTX đang nỗ lực để vừa cung ứng sản phẩm cho Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình, và tạo dựng một thương hiệu riêng cho mật ong của xã. Nhờ sự trợ giúp của dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP), sản phẩm mật ong của HTX được đóng chai, đo thủy phần và có nhãn hiệu hiện đại, ấn tượng. Sắp tới, HTX sẽ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, từ đó xây dựng những chiến lược dài hơi để xâm nhập các thị trường khác.

Việc tham gia vào mô hình hợp tác xã sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người nuôi ong trong việc tiếp cận các thị trường tiềm năng
Việc tham gia vào mô hình hợp tác xã sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người nuôi ong trong việc tiếp cận các thị trường tiềm năng

Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, từ khi lên HTX, với vai trò và tư cách pháp nhân mới, các xã viên hồ hởi, phấn khởi hơn trong thi đua sản xuất, khâu tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi và tạo thêm uy tính, tin tưởng cho người tiêu dùng. Cái khó hiện nay của HTX là ở khâu quảng bá, bởi sản phẩm mật ong chủ yếu được giới thiệu theo kiểu truyền miệng, khách đến lấy tự do, vì vậy, có thời điểm khan hàng, thời điểm lại hàng tồn kho nhiều. Ông Thắng cũng như nhiều xã viên khác chủ yếu chỉ biết nuôi ong lấy mật, việc quảng bá, marketing sản phẩm thì quá mù mờ. Ông còn chia sẻ thêm, nhiều cuộc điện thoại mời gọi xây dựng trang web quảng bá khiến ông vô cùng bối rối, không biết nên chấp nhận hay không. Mà nếu đồng ý, ông cũng chưa biết sẽ vận hành và quản lý ra sao.

Gần đây, thị trường đặc sản của tỉnh ta cũng báo hiệu tin vui khi có nhiều sản phẩm mới, tiềm năng mạnh dạn xâm nhập thị trường, như: nhung hươu, tinh bột nghệ, nấm linh chi... Sản phẩm từ nhung hươu của HTX nuôi hươu sao Quảng Ninh cũng đang có những bước tiến vững chắc trên thị trường. Ông Nguyễn Viết Nghĩa, chủ nhiệm HTX giới thiệu, với hai sản phẩm chủ lực là rượu ngâm nhung và nhung bào chế, HTX có được lượng tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh, nhưng nội tỉnh vẫn là chủ yếu. Hiện tại, HTX nuôi 86 con hươu và thu về trung bình 85kg nhung hươu/năm. Cũng như nhiều đặc sản khác, khâu quảng bá của sản phẩm này chủ yếu vẫn do chính cơ sở sản xuất tự thân vận động, khiến lượng khách lúc có, lúc không, thiếu ổn định. Theo ông Nguyễn Viết Nghĩa, ông chỉ biết nhờ con cháu quảng bá sản phẩm trên mạng thông qua các trang mạng xã hội hay trang web...

Nỗ lực tự làm mới mình của các đặc sản tỉnh nhà cho thấy một tín hiệu vui trong lộ trình đưa các sản phẩm “made in Quảng Bình” tiếp cận những thị trường tiềm năng trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là một bước chuyển mình của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã để theo kịp với các nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, đồng thời mở ra nhiều lối đi mới cho các đặc sản trong việc đến gần hơn với nguồn khách du lịch dồi dào của tỉnh nhà. Để lộ trình này thông thoáng hơn, bà con rất cần sự hỗ trợ bài bản về quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cũng như về tư vấn, hướng dẫn đối với bao bì, mẫu mã, nhãn mác theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại thay vì chủ yếu tự mày mò như hiện nay.

M. Nhân