.

Tuyên Hóa: Nghề trồng dâu nuôi tằm dần bị mai một

Thứ Ba, 15/11/2016, 10:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghề trồng dâu, nuôi tằm vốn là nghề truyền thống có tiếng ở các làng quê ven sông Gianh ở huyện Tuyên Hóa. Những năm gần đây, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khôi phục nghề truyền thống này, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đồng thời chống sạt lở hai bên bờ sông Gianh nhưng vẫn rất khó duy trì. Hàng trăm ha dâu đã bị đốn bỏ để trồng các loại cây khác, hàng trăm hộ dân từ bỏ nghề, chỉ riêng xã Đức Hóa là vẫn còn duy trì và phát triển được nghề trồng dâu nuôi tằm cho đến hiện nay.

Thăng trầm nghề truyền thống

Vốn là nghề truyền thống có từ lâu của huyện miền núi Tuyên Hóa nhưng do thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên nghề trồng dâu nuôi tằm dần bị mai một. Đến năm 1993, nghề trồng dâu nuôi tằm được khôi phục và phát triển trở lại trên mảnh đất Tuyên Hóa. Vào năm 2007, tổng diện tích dâu tằm tại Tuyên Hóa lên đến 152,83 ha, thu được 38,241 tấn kén, giá trị lên đến 1,3 tỷ đồng. Nghề tập trung nhiều các xã ven sông như Châu Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa, Đồng Hóa...

Để giúp nông dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, UBND huyện Tuyên Hóa đã xây dựng và ban hành hẳn một đề án về phát triển và trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2006-2010. Thực hiện đề án này, trên cơ sở rà soát lại tiềm năng đất sẵn có phù hợp với cây dâu cũng như thế mạnh của địa phương, huyện đã quy hoạch thành các vùng trồng dâu tập trung, đưa những giống dâu mới năng suất cao vào trồng và nhân giống đại trà.

Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích trồng dâu, quyết tâm đưa nghề trồng dâu nuôi tằm thành nghề có thu nhập ổn định cho người dân.

Tuy nhiên, năm 2008, do giá cả thu mua luôn biến động, thiếu tính ổn định nên người dân Tuyên Hóa không còn mấy mặn mà với nghề, họ đã phá bỏ diện tích trồng dâu để trồng lạc và ngô, loại cây trồng cho thu nhập ổn định hơn. Diện tích trên địa bàn huyện cũng giảm xuống chỉ còn 96 ha.

Phong Hóa là địa phương có diện tích trồng dâu lớn nhất huyện, năm 2007 có gần 35 ha nhưng đến đến năm 2008 thì giảm xuống còn 15 ha dâu nuôi tằm. Cho đến hiện nay thì những đồng dâu mướt mát xanh tươi tại các xã Châu Hóa, Phong Hóa, Châu Hóa, Đồng Hóa... đã không còn, và người dân cũng đã bỏ hẳn nghề.

Nghề trồng dâu nuôi tằm tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Nghề trồng dâu nuôi tằm tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Khi nhắc đến nghề trồng dâu nuôi tằm, ông Hoàng Văn Lành, người có thâm niên nuôi tằm tại xã Đồng Hóa ngậm ngùi chia sẻ: Nếu như ngày trước đầu ra của kén tằm ổn định thì chúng tôi sẽ không bỏ nghề, bởi trồng dâu chống được sạt lở hai bên sông Gianh, giữ được đất canh tác, nuôi tằm thì có thêm thu nhập. Đồng Hóa là địa phương có diện tích trồng dâu nuôi tằm cũng khá lớn nhưng 3 năm trở lại đây, người dân họ chặt phá hết, chuyển sang trồng lạc, trồng ngô cho thu nhập ổn định hơn”.

Nơi hiếm hoi còn lại nghề trồng dâu nuôi tằm

Đến với Đức Hóa, dẫu không còn phát triển như những năm trước, nhưng nhiều hộ dân trong 2 thôn Phúc Tùng 1 và Phúc Tùng 2 vẫn duy trì nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm với tâm nguyện không để mất nghề. Ngày xưa dân ta đã có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để hình dung về sự vất vả của nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề không nhàn hạ nhưng cũng giúp cho người dân có nguồn thu nhập đáng kể.

Tằm là giống vật nuôi vốn rất “đỏng đảnh”, khó chăm, người nuôi bên cạnh kỹ thuật cần phải có nhiều kinh nghiệm. Nuôi tằm được tính theo vòng, mỗi vòng từ khi nở đến khi nhả kén hết 26 ngày. Vào thời kỳ tằm ăn rỗi (khoảng 7 ngày trước khi nhả kén) người nuôi phải hái lá dâu dự trữ cho tằm ăn ngày, ăn đêm mới có thể nhả kén nhiều và chất lượng tốt. Một sào dâu sẽ nuôi được 1 vòng trứng, khi thu hoạch đạt 15 kg kén, bán ra được khoảng 1,2 triệu đồng. Đây là nghề mang lại thu nhập khá, song vất vả nên người dân các xã khác cũng không mấy mặn mà.

Chị Lê Thị Hương, thôn Phúc Tùng 2 cho biết: “Nuôi tằm không phải dễ, nếu không biết tường tận, không có kinh nghiệm thì không nuôi được. Cái cơ bản nhất khi nuôi tằm là nhà cửa phải luôn sạch sẽ, thoáng mát, trong nhà phải kiêng các loại mùi thơm của tinh dầu như dầu tràm, dầu khuynh diệp, dầu gió, xăng, dầu... Ngoài ra, người trong nhà đi viếng đám tang về là ra thẳng ngoài giếng tắm giặt liền, còn nếu lỡ bước chân vô nhà, tằm bắt hơi là sau đó bỏ ăn, lăn ra chết. Phụ nữ sinh con ở trạm xá hoặc bệnh viện về nhà cũng không được lên nhà trên, khi nào đầy tháng, tắm giặt sạch sẽ mới được lên, thường thì ở đây khi trong nhà có người sinh đẻ thì chúng tôi nghỉ nuôi vì khó kiêng cữ được lắm”.

Không chỉ kiêng cữ với con tằm, người nuôi còn rất kỹ trong thực hiện các khâu như: chân giá đỡ cho các nong tằm phải đặt trên 4 cái chén đựng nước để kiến không leo lên nong tằm được. Còn phía trên thì giăng mùng đề phòng thằn lằn (thạch sùng), rắn mối trên trần nhà rớt xuống “lót ổ” trong nong dâu ăn con tằm.

Trước đây, người dân nuôi tằm mạnh ai nấy bán kén tơ cho những người đi mua dạo, bán ở chợ... Nhưng thời gian gần đây, người dân Đức Hóa nhận trứng tằm từ đại lý, trước khi nuôi, có đại lý cử nhân viên về giao trứng nên cả xã thả nuôi cùng lứa và thu hoạch cùng lúc. Sau khi tằm quay tơ, công ty cử nhân viên về lại làng nghề, kiểm tra xem tằm nhả hết tơ chưa, sau đó thu mua cho bà con. Nói về hiệu quả kinh tế thì trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập hơn trồng ngô, lạc nhiều lần. Một sào lạc cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng nhưng 1 sào dâu có thể cho thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng trong một năm.

Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết: Hiện nay, toàn xã duy trì gần 7 ha đất trồng dâu cho bà con nuôi tằm. Chúng tôi cử cán bộ khuyến nông đến tận từng nhà để động viên bà con cố gắng giữ lấy nghề.

Trồng dâu nuôi tằm không chỉ cho thu nhập mà còn giúp người dân giữ đất, giữ làng. Nếu như cây dâu bị người dân đốn bỏ thì cũng không thể trồng loài cây khác vì hàng năm mưa lũ về, cát sạn của sông Gianh bồi lấp dần vào đất canh tác, may nhờ  có cây dâu mới giữ được đất canh tác hai bên bờ cho đến ngày hôm nay. Mỗi đợt lũ về, chính quyền cũng như người dân yên tâm hơn khi có rừng dâu rào chắn, giảm thiểu tình trạng bên bồi, bên lở của địa phương hiện nay.

Đối với những vùng quê còn nghèo và khó khăn như Đức Hóa, việc duy trì được nghề trồng dâu nuôi tằm là điều đáng mừng, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân vừa giữ được nghề truyền thống.

Thanh Hoa