.

Giải pháp để trang trại phát triển bền vững - Bài 2: Tháo gỡ các vướng mắc về chính sách

Thứ Hai, 07/11/2016, 11:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhìn chung, kinh tế trang trại (TT) trong tỉnh ngày càng phát triển theo hướng chất lượng, tuy nhiên từ thực tiễn đầu tư phát triển kinh tế TT, gia trại của nông dân trong tỉnh đã xuất hiện không ít khó khăn. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của chính chủ TT, đòi hỏi cần sự quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách của các cấp, các ngành...

>> Bài 1: Đa dạng hóa các loại hình kinh tế trang trại

Trang trại gặp khó...

Một thực trạng chung của hầu hết các TT trong tỉnh hiện nay là hình thành và phát triển một cách tự phát, nên số TT có quy mô lớn chưa nhiều, chủ yếu là quy mô trang trại vừa và nhỏ. Mặt khác, các địa phương chưa quy hoạch có hệ thống, đồng bộ và lâu dài cho phát triển kinh tế TT, do đó đã nảy sinh nhiều bất cập và vướng mắc khi TT đi vào hoạt động...

Anh Đoàn Mạnh Hùng, ở xã Thuận Đức (Đồng Hới) cho biết, TT chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh có 4 ha, hoạt động từ năm 2005 nhưng đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, TT không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, dẫn đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng phải đầu tư chắp nối theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”, hiệu quả kinh tế thấp.

Điều đáng nói, đây là thực trạng chung của rất nhiều chủ TT trên địa bàn tỉnh chứ không riêng gì TT của anh Đoàn Mạnh Hùng. Bởi theo thống kê của Sở NN và PTNT, trong số 690 TT mới chỉ có 122 trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chiếm 17,7%), trong đó huyện Bố Trạch là địa phương có số TT nhiều nhất tỉnh với 485 TT song cũng chỉ mới có 4 TT được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, trong khi thủ tục cấp giấy quyền sử dụng đất còn chậm, vướng nhiều thủ tục, thời gian thuê đất ngắn và giấy chứng nhận kinh tế TT hiện không có giá trị để thế chấp vay vốn, thì rõ ràng các chủ TT chưa thể “an cư lạc nghiệp”. Đây chính là vướng mắc lớn nhất hiện nay. 

Trong hội nghị gặp gỡ đại diện hộ nông dân, chủ TT nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh do Sở NN và PTNT tổ chức, anh Đặng Thanh Long, chủ TT tổng hợp ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) đã có ý kiến cho rằng, đặc điểm của loại hình sản xuất theo mô hình TT là chi phí  bỏ ra ban đầu lớn nhưng thu hồi vốn chậm, nhất là trang trại lâm nghiệp vì vậy nhu cầu về nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất của các chủ TT rất lớn.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra mô hình TT của DNTN Tân Bình, ở xã Nam Trạch (Bố Trạch) một trong ít những TT chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra mô hình TT của DNTN Tân Bình, ở xã Nam Trạch (Bố Trạch) một trong ít những TT chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao.

Nhưng hiện việc các TT tiếp cận được với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi cho phát triển sản xuất lại rất gian nan, và chủ yếu thông qua các kênh vốn của ngân hàng thương mại với lãi suất cao và nguồn vốn vay cũng chưa được nhiều.

Theo ông Trương Văn Lanh, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, so với kinh tế nông hộ, kinh tế TT đã có một bước tiến đáng kể nhưng việc tiêu thụ sản phẩm giữa hai loại hình kinh tế này vẫn không khác gì nhau. Cụ thể, toàn tỉnh mới có 1 TT chăn nuôi thực hiện liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, các TT luôn phải trong tình trạng sản xuất ra rồi tự tìm thị trường tiêu thụ nên thường bị ép giá và chịu cảnh “được mùa rớt giá, mất mùa trúng giá”.

Cùng với đó, trình độ quản lý và tổ chức sản xuất của các TT thấp, có tới 80% chủ TT chưa qua lớp đào tạo nghề, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khoa học, kỹ thuật... Do đó, việc điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Gần đây, một số chủ TT cũng đã mạnh dạn đầu tư vốn cho kỹ thuật tiên tiến  vào sản xuất với quy mô lớn để mang lại hiệu quả, lợi nhuận lớn hơn, nhất là TT chăn nuôi. Tiêu biểu như TT chăn nuôi lợn của DNTN Tân Bình, ở xã Nam Trạch (Bố Trạch). TT đã thực hiện mô hình sản xuất mới theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao, an toàn dịch bệnh với cách quản lý khoa học, ứng dụng tiến bộ trong lai tạo giống, vật nuôi.

Tuy nhiên, số lượng TT ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như vậy chưa được nhiều nên năng suất, chất lượng sản phẩm TT làm ra chưa cao. Trong khi đó, các chính sách chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới thông qua hình thức hỗ trợ như: con giống, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuồng trại... quy mô còn nhỏ so với nhu cầu thực tế của các TT.

Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển, một số TT nuôi thủy sản ven biển đã chịu ảnh hưởng nặng nề và thực sự đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất kinh doanh...

Cần tháo gỡ nhiều “nút thắt”

Trước hết, theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ về chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tại điều 9, cơ chế bảo đảm tiền vay quy định “cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, các hộ nông dân, chủ TT vẫn chưa thể tiếp cận được kênh vay tín chấp theo quy định tại Nghị định này. Vì vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng trong hệ thống, tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng dẫn, tạo điều kiện cho chủ TT tiếp cận vay vốn bằng giấy chứng nhận KTTT theo Nghị định 55 của CP.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách giao đất ổn định lâu dài cho các TT, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kết hợp với cấp giấy chứng nhận kinh tế TT để chủ TT yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, quy hoạch phát triển kinh tế TT gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cao. Đặc biệt, quan trọng nhất hiện nay vẫn là giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các TT có tiêu thụ sản phẩm tốt mới kích thích được sản xuất và chủ TT mới có vốn để tái đầu tư.

Vì vậy, bản thân các chủ TT cũng cần nỗ lực trong tìm kiếm nguồn vốn, thị trường tiêu thụ. Mặt khác, các TT cần chú trọng thành lập các HTX, tổ hợp tác chuyên ngành theo từng loại hình TT, các chi hội, câu lạc bộ TT để chia sẻ kinh nghiệm, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều chủ TT trong tỉnh cũng đã kiến nghị, đề xuất việc các sở, ngành cùng vào cuộc với chủ TT để tháo gỡ những khó khăn cũng như đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong việc thúc đẩy kinh tế TT phát triển. Trong đó, Sở NN và PTNT cần tăng cường chuyển giao tiến bộ KHKT thông qua xây dựng các mô hình và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho TT; Sở Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện cho hộ nông dân, chủ TT xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như hồ tiêu, thủy sản, chăn nuôi (coi trọng chất lượng, mẫu mã và vệ sinh an toàn thực phẩm); Sở Công thương hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại giúp TT phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, cần ưu tiên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị kinh doanh, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tiến bộ KHKT cho các chủ TT và tạo điều kiện cho các chủ TT được đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm các mô hình TT có hiệu quả kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Với những chính sách và giải pháp cụ thể, tin rằng thời gian tới kinh tế TT trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

N.L