.

Giải pháp để trang trại phát triển bền vững - Bài 1: Đa dạng hóa các loại hình kinh tế trang trại

Thứ Bảy, 05/11/2016, 13:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm gần đây, kinh tế trang trại (TT) trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng, quy mô lẫn việc đa dạng hóa các loại hình TT. Các mô hình TT từ quy mô nhỏ, vừa đến lớn đã hình thành, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế và thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần tăng thu nhập bình quân trên địa bàn. Qua đó, khẳng định được vị thế của TT trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, góp một phần rất lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Khát vọng làm giàu của những nông dân dám nghĩ, dám làm...

Con đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) luôn xanh ngút ngàn bởi những TT trồng cao su và cây lâm nghiệp. Nói như vậy bởi hiện thị trấn Nông trường có trên 100 trang trại đạt tiêu chí và cho thu nhập 400-600 triệu đồng/năm và có khoảng 40 trang trại cho thu trên 800 triệu đồng/năm.

Chuyển giao tiến bộ KHKT thông qua xây dựng các mô hình TT ở Minh Hóa
Chuyển giao tiến bộ KHKT thông qua xây dựng các mô hình TT ở Minh Hóa.

Tuy nhiên, để có thành quả đó những người nông dân dám nghĩ, dám làm nơi đây cũng có biết bao chuyện nhọc nhằn để kể. Trong các câu chuyện với những chủ TT ở vùng nông trường tôi đặc biệt ấn tượng với chí làm giàu của ông Nguyễn Văn Diệm, tiểu khu Hữu Nghị.

Ông Diệm không phải là chủ TT lớn nhất ở Nông trường Việt Trung, nhưng lại là ông chủ có tuổi đời khởi nghiệp lớn nhất. Năm 1999, khi được nghỉ hưu, có điều kiện về thời gian, ông Nguyễn Văn Diệm mới quyết tâm gây dựng TT. Vào thời điểm đó, ông nhận thấy cây cao su sống tốt ở vùng đất này, lại có giá trị cao vì cây thân gỗ có thể dùng làm bột giấy, hoặc bàn ghế,... còn mủ cao su là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến nên đã bắt tay vào trồng cây cao su.

Sau gần 17 năm lập nghiệp, ông Diệm đã có một TT rộng khoảng 13 ha với nhiều loại cây xanh mướt và trù phú. Từ vùng đất trống đồi núi trọc trước đây, mới chỉ có 5 ha cao su đầu tiên, thì đến bây giờ TT của ông đã có 10 ha cao su, hơn 1.000 gốc tiêu, 100 gốc cây ăn quả với nhiều chủng loại, 3 ao thả cá các loại với diện tích 2.000m2... Từ mô hình TT tổng hợp và dịch vụ nông nghiệp mỗi năm gia đình ông đã có tổng thu nhập vài tỷ đồng và lợi nhuận từ 400 đến 500 triệu đồng/năm.

Vùng cát ven biển trải dài từ huyện Bố Trạch đến Lệ Thủy được xem là “thủ phủ” của nhiều TT nuôi trồng thủy sản. Khi chứng kiến được sự “thay da đổi thịt” của vùng quê nơi đây, chúng tôi mới thấu hiểu được quyết tâm và ý chí chinh phục đói nghèo của những ông chủ TT vùng cát.

Một trong những số đó là anh Ngô Minh Phiện, ở xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy). Năm 2009, sau nhiều năm bươn chải khắp nơi, anh Phiện quyết định về quê lập nghiệp và bắt tay vào công cuộc chinh phục cát trắng ven biển. “Ban đầu lập nghiệp, cùng với việc đào ao, đắp đê, đắp bờ, mua máy bơm nước, giống, thức ăn... tôi phải đầu tư cả 2 trạm điện nên tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản lên đến trên 20 tỷ đồng.

Đây là một số tiền rất lớn nhưng với quyết tâm làm giàu từ TT tôi đã xoay sở và thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài...”, anh Phiện bộc bạch. Sau 8 năm tâm huyết, TT nuôi thủy sản của anh được hình thành với tổng diện tích gần 10 ha chia thành 33 hồ chuyên nuôi tôm chân trắng và tôm sú.

Nhờ những năm tháng bôn ba học tập kinh nghiệm nuôi tôm và tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc cải tạo ao nuôi, chăm sóc và phòng dịch cho tôm nuôi nên những vụ nuôi của TT anh Phiện luôn tránh được dịch bệnh và cho kết quả cao. Sau khi trừ đi chi phí, gia đình anh Phiện có thu nhập gần một tỷ đồng/năm.

Chỉ mới 34 tuổi nhưng anh Hòa Thái Thủ, ở xã Sen Thủy (Lệ Thủy) đã có trong tay một TT chăn nuôi tổng hợp với thu nhập mỗi năm lên đến cả tỷ đồng. Ban đầu khởi nghiệp, TT cũng gặp không ít lao đao do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, nguồn giống không bảo đảm khiến vật nuôi bị nhiễm dịch chết, trong khi đó tiền lãi vay ngân hàng ngày một cao.

Tuy nhiên, không nản chí anh tiếp tục vay vốn và bỏ công nghiên cứu tài liệu, sách báo, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của một số TT chăn nuôi có hiệu quả. Đến nay, TT của anh Hòa Thái Thủ đã trở thành “điểm sáng” của địa phương. Hiện anh chọn hình thức chăn nuôi gà thả vườn với số lượng 15.000 con/năm; thả nuôi các loại cá nước ngọt như rô phi, trắm cỏ, trê tại 6 hồ nuôi với tổng diện tích gần 1 ha. Ngoài ra anh còn chăn nuôi thêm lợn thịt và để chủ động về con giống cho TT, anh đầu tư nuôi trên 20 con lợn nái.

Chia sẻ về kết quả bước đầu đạt được, anh Thủ bộc bạch: “Thông tin về nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình TT mới của các chương trình truyền hình, sá#ch báo, tài liệu... rất hữu ích đối với người làm TT, bởi đây là kênh thông tin chính xác và sinh động nhất mà người dân dễ học tập và làm theo”...

Phải nói rằng, có dịp đi thực tế và gặp gỡ với nhiều chủ TT ở các địa phương trong tỉnh mới nhận thấy được, không chỉ có anh Diệm, anh Phiện, anh Thu... mà hầu hết những chủ TT đều có điểm chung là khát vọng làm giàu chính đáng và tâm huyết với phát triển kinh tế TT. Hơn nữa, họ đã biết phát huy nội lực và quyết tâm đầu tư hàng vài trăm triệu đồng, vài tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng để tạo dựng nhiều mô hình TT mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển đa dạng hóa các loại hình trang trại

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhiều loại hình TT như: trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh tổng hợp... đã được hình thành, phát triển một cách đa dạng và nhiều TT đã trở thành mô hình cơ sở để nhiều nông dân học tập, tiếp cận.

TT nuôi tôm trên cát ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới) thực hiện cải tiến trong quy trình kỹ thuật, an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng.
TT nuôi tôm trên cát ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới) thực hiện cải tiến trong quy trình kỹ thuật, an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng.

Điển hình như: TT tổng hợp của ông Võ Đại Nghĩa, ở xã Hồng Thủy; TT chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của anh Đinh Đăng Tuân, ở xã Hưng Thủy (Lệ Thủy); TT lâm nghiệp của anh Phan Thanh Nhàn, ở xã Quảng Tiến (Quảng Trạch); TT chăn nuôi của ông Đoàn Mạnh Hùng, xã Thuận Đức (Đồng Hới); TT tổng hợp của ông Đặng Thanh Long, ở xã Châu Hóa (Tuyên Hóa); TT chăn nuôi của chị Lê Thị Nhị, ở xã Xuân Ninh (Quảng Ninh); TT nuôi thủy sản của anh Mai Văn Bình, ở xã Đồng Trạch (Bố Trạch); TT tổng hợp của anh Nguyễn Đức Long, ở Nông trường Việt Trung...           

Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện toàn tỉnh có 690 TT đạt các tiêu chí quy định của Bộ NN và PTNT, trong đó có 282 TT trồng trọt, 211 TT tổng hợp, 132 TT chăn nuôi, 48 TT nuôi trồng thủy sản và 17 TT lâm nghiệp. Riêng năm 2015, tổng doanh thu của các TT đạt trên 615 tỷ đồng, bình quân đạt gần 900 triệu đồng/TT. Đặc biệt, các TT đã giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động với mức thu nhập bình quân gần 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với những nỗ lực của chủ TT, tỉnh cũng đã có các cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, khuyến khích hộ nông dân, chủ TT phát triển, sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững. Đồng thời, các sở, ngành liên quan cũng đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước đối với các TT trên địa bàn như: triển khai, hướng dẫn chủ TT và người dân tiếp cận các nội dung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn...

Nhờ vậy, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào sản xuất kinh tế TT khi có nhu cầu và khả năng phát triển quy mô TT đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Từ những chủ trương, định hướng phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là những cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế TT, đến nay các TT trên địa bàn tỉnh đã khai thác và sử dụng hiệu quả gần 5.000 ha đất (diện tích bình quân của một TT là hơn 7 ha) và có 122 TT đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 240 TT đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế TT.

Điều đó cho thấy, bước đầu các chủ TT đã sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn vốn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập so với sản xuất nông hộ và tiếp tục là hướng đi có tính đột phá để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, giá trị và bền vững.

N.L

Bài 2: Tháo gỡ các vướng mắc về chính sách