.

Doanh nghiệp đang "khát" vốn

Thứ Năm, 03/11/2016, 09:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nói chưa bao giờ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong tỉnh lại khó khăn như hiện nay. Điều này thể hiện ở số lượng DN tạm ngừng hoạt động và nợ đọng thuế ngày càng tăng cao. Vấn đề đặt ra là cần có các giải pháp tích cực, trong đó nguồn vốn được xem là yếu tố hàng đầu để giải cứu DN thoát ra khoải tình trạng khó khăn này.

Sản xuất, kinh doanh gặp khó

Trong cuộc gặp mặt đối thoại với DN do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 9 vừa rồi, đa số DN đều cho rằng họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.

Theo ông Trần Hoàng Giang, Chủ tịch Hội DN tỉnh thì, các DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn cả. Sau cơn bão số 10, năm 2013 các vườn cây cao su tài sản có giá trị nhất của DN bị thiệt hại nặng nề. Thêm vào đó, giá mủ cao su xuống thấp, DN thiếu vốn trồng mới cây cao su trong lúc các ngân hàng thương mại tạm dừng không cho vay trồng mới cây cao su.

Trong số các hoạt động trên lĩnh vực nông lâm nghiệp, DN được xem là khó khăn nhất phải kể đến là Công ty TNHH MTV Việt Trung. Công ty này từng "vang bóng một thời", được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Thế nhưng, sau cơn bão số 10 (năm 2013) đơn vị hầu như "trắng tay".

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch công ty có lần tâm sự với chúng tôi rằng, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị vô cùng khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty liên tục thua lỗ. Tính đến ngày 31-12-2015, công ty thua lỗ đến 31,1 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội đến tháng 5-2016 hơn 9 tỷ đồng...
Các DN nuôi trồng thủy sản trong quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn như: chi phí đầu vào nuôi tôm ngày càng tăng lên, giá bán thấp hơn giá thành, nắng nóng kéo dài, làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, diện tích nuôi tôm càng giảm mạnh.

Đặc biệt, từ tháng 4-2016 đến nay, do nước biển bị nhiễm độc, DN không thể bơm nước biển vào để nuôi tôm, nên phần lớn diện tích nuôi tôm và nuôi hải sản bị bỏ hoang, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các DN nuôi trồng và chế biến hải sản.

Không chỉ các DN nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự cố môi trường biển, mà tất cả các các DN hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là hệ thống khách sạn, nhà hàng ven biển đều nằm trong tình cảnh đó. Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong những tháng vừa qua lượng khách du lịch đến tỉnh, nhất là khách lưu trú giảm mạnh, bình quân công suất sử dụng buồng của các khách sạn chỉ đạt 30-32%. Vì vậy, doanh thu hoạt động du lịch, khách sạn, nhà hàng trong các tháng đầu năm giảm hơn 30%.

Hầu hết khách sạn ở Đồng Hới thiếu vắng khách.
Hầu hết khách sạn ở Đồng Hới thiếu vắng khách.

Trên lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng, tình hình sản xuất kinh doanh cũng không mấy khả quan. Hiện nay, một số DN đã triển khai đầu tư dự án sản xuất gạch không nung (như Công ty Cosevco I, Công ty Trường Thành...), là sản phẩm mới, theo chủ trương khuyến khích đầu tư và tiêu thụ của Nhà nước, nhưng khi hoàn thành đi vào sản xuất thì gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp sản phẩm tiêu thụ khó khăn, dẫn đến cắt giảm sản xuất.

Nổi lên có Nhà máy xi măng Áng Sơn (thuộc công ty CP Cosevco 6), Nhà máy giấy Krat được đầu tư khá lớn, mới cắt băng khánh thành đã phải đóng cửa từ nhiều năm nay và chưa có tín hiệu cho thấy sẽ hoạt động trở lại.

Ông Đặng Gia Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cosevco 6 (chủ đầu tư Nhà máy xi măng Áng Sơn), tâm sự rằng, sở dĩ nhà máy xi măng phải đóng cửa chủ yếu là sản phẩm clinke Áng Sơn không tiêu thụ được và không có vốn lưu động để sản xuất. Từ năm 2011, công ty không tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng nên nhà máy xi măng vừa mới khánh thành đã phải ngừng hoạt động cho đến tận hôm nay.

Các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cũng nằm trong tình cảnh ngày càng khó khăn, nhiều dự án phải đình hoản, giản tiến độ vì thiếu vốn, dẫn đến thiếu việc làm. Mặt khác, hiện nay nhiều công trình nhóm C, cấp nguồn vốn ngân sách của tỉnh cũng như ngân sách của huyện, đến năm thứ 3 vẫn không bố trí thanh toán hết vốn theo quy định, có công trình năm thứ 4, 5 vẫn không bố trí vốn trả nợ, gây nhiều khó khăn cho các DN xây dựng. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện tại các chủ đầu tư Nhà nước còn nợ DN khoảng 700-800 tỷ đồng vốn XDCB, chưa kể hàng trăm tỷ đồng nợ xây dựng nông thôn mới...

Bên cạnh đó, các DN xuất nhập khẩu đang trải qua thời kỳ khó khăn, do sức mua của thị trường các nước giảm, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh như: Cao su, gỗ các loại, dăm gỗ khô, nhựa thông, thuỷ sản, quặng titan... đã ảnh hưởng đến kế hoạch và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cần vốn để duy trì sự sống

Ông Đinh Xuân Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình cho biết, trước thực trạng khó khăn của DN, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình đã đưa ra nhiều giải pháp chia sẻ, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn để duy trì và phát triển sản xuất. Tuy nhiên số DN có đủ điều kiện vay vốn không nhiều, nhất là DN nhỏ. Tính đến cuối tháng 6-2016, có 2.350 DN có quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng, chiếm 51,5% tổng số DN hiện có, dư nợ cho vay đối với DN khoảng 16.747 tỷ đồng, chiếm 52,9% tổng dư nợ cho vay.

Về lãi suất, các tổ chức tín dụng đã giảm bình quân lãi suất cho vay DN từ 0,5-1,5%/năm so với đầu năm 2016. Đến cuối tháng 6-2016, dư nợ cho vay lãi suất 7% trở xuống chiếm 5.350 tỷ đồng; dư nợ cho vay lãi suất trên 7% đến dưới 9%/năm là 5.381 tỷ đồng; dư nợ cho vay lãi suất trên 9%/năm đến dưới 11%/năm chiếm 5.231 tỷ đồng; dư nợ cho vay lãi suất trên 11%/năm (trung, dài hạn) chiếm 785 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ, giãn nợ, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho hàng trăm lượt DN, với dư nợ hơn 5.500 tỷ đồng...

Sau sự cố môi trường biển, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho 14 DN vay 100,4 tỷ đồng để mua tạm trữ 1.795 tấn hải sản; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 42 doanh nghiệp với số tiền 25,5 tỷ đồng; miễn giảm lãi tiền vay cho 45 DN với số tiền 1,5 tỷ đồng...

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay rất khó khăn đối với đa số DN. Qua trao đổi với lãnh đạo nhiều DN, họ đều có chung nguyện vọng được ngân hàng hỗ trợ về vốn để duy trì sự sống.

Xoay quanh vấn đề tiếp cận vốn vay, đa số DN cho rằng với lãi suất cao, DN cũng phải chật vật mãi mới vay được. Lãi suất cho vay các ngân hàng tuy đã giảm, nhưng chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, còn các khoản vay cũ vẫn áp dụng theo lãi suất cũ, hoặc có điều chỉnh giảm lãi suất nhưng giảm rất chậm. Mặt khác, DN khó tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, do không đáp ứng được điều kiện vay vốn, không có tài sản bảo đảm, chưa có dự án khả thi để vay vốn mới, làm tăng thêm khó khăn cho DN.

Lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp hiện nay vẫn còn ở mức cao (7%- 8%) và khó vay, thủ tục còn rườm rà, phức tạp, tiêu chí cao, khó thực hiện, chưa thực sự ưu đãi để các DN đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mới đây chúng tôi có dịp đến làm việc tại Công ty TNHH MTV Việt Trung. Được biết, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, công ty đã huy động tất cả các nguồn lực để đầu tư phục hồi lại vườn cao su sau bão, với giá trị sản lượng hơn 92 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến thời điểm này các chi nhánh ngân hàng thương mại chỉ cho vay 11 tỷ đồng, còn thiếu 81 tỷ đồng không có ngân hàng nào chịu cho vay. Chính vì vậy mà công ty còn nợ lương, vật tư, phân bón...của công nhân và các đại lý số tiền rất lớn. Hoặc như các DN nuôi trồng thủy sản sau sự cố môi trường biển họ cần một số vốn để phục hồi lại các hồ tôm, nhưng không được ngân hàng đáp ứng.

Thực tế cho thấy, khi DN muốn vay vốn, ngân hàng sẽ dựa trên nhiều chỉ tiêu để đánh giá mức tín nhiệm của ngân hàng đối với DN. Đối với nhiều DN vừa và nhỏ, dù lãi suất cao hay thấp họ cũng không thể tiếp cận được vì đa số các điều kiện về sổ sách, tài sản, thị trường của các DN này khó đáp ứng được mức tín nhiệm của ngân hàng, vì vậy họ có thể bị "đánh rớt" ngay từ vòng thẩm định dự án. Mong muốn của DN là được các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn để giảm bớt khó khăn hiện tại.

Trọng Thái