.

Cho đất cằn hồi sinh

Thứ Sáu, 25/11/2016, 15:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là ông chủ trang trại Võ Sỹ Lực, ở tổ dân phố 5, thị trấn Nông trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy), một cựu chiến binh giàu nghị lực, quyết vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cho mình và gia đình một cuộc sống ấm no, đủ đầy. Theo như lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Nông trường Lệ Ninh Từ Công Phúc, thì trang trại của anh Lực đang hái ra tiền mỗi ngày từ “vùng đất chết”.

 

Gia đình anh Lực có thu nhập khá từ chăn nuôi gia cầm.
Gia đình anh Lực có thu nhập khá từ chăn nuôi gia cầm.

Vùng đất thuộc địa phận tổ dân phố 5, thị trấn Nông trường Lệ Ninh, giáp với xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) có tên gọi khá hiện đại: Dũng Tiến. Nhưng theo nhiều người dân ở đây cho biết thì đây được gọi là “vùng đất chết”, bởi tầng canh tác rất nông, sau tầng mặt chừng gang tay là đá ong, sâu xuống nữa là đá vôi.

Cũng chính vì vậy mà qua hàng chục năm  quản lý, Nông trường Lệ Ninh không thể sản xuất, trồng trọt được gì đáng kể. Đã vậy, nơi đây còn là túi bom trong những năm máy bay Mỹ đánh phá, do ở vào vị trí điểm nối giữa đường 15 với đường mòn Hồ Chí Minh nhánh đông qua con đường 10.

Vùng đất xấu, hố bom chi chít, vậy mà bây giờ ở đây đã hiển hiện một trang trại hái ra tiền mỗi ngày của cựu chiến binh Võ Sỹ Lực.

Nhập ngũ vào năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây Nam đang diễn ra khốc liệt, đến tháng 6 năm 1984, trung sỹ thuộc Quân đoàn 2 Võ Sỹ Lực xuất ngũ với hành trang là chiếc ba lô bạc màu xẹp lép. Là con trai đầu trong gia đình đông anh em, anh Lực về quê để phụ giúp ba mẹ nuôi các em ăn học. Vất vả đời lính cũng không bằng những năm tháng trở về quê lập kế sinh nhai. Xin vào làm cơ quan Nhà nước, lương không đủ sống anh lại phải trở ra ngoài làm thử đủ nghề, mà cơ cực nhất là ròng rã 10 năm trời băng rừng, trèo đèo lội suối ngậm ngãi “xin lộc Mệ”- cách nói của người đi tìm trầm.

“Lộc Mệ” rồi cũng hết, chưa kể bao nỗi hiểm nguy đến tính mạng rình rập trên mỗi bước chân băng rừng lội suối. Có vợ rồi có con, nhà thêm miệng ăn, gặp việc gì anh Lực làm nấy, nhưng thu nhập thì vẫn bấp bênh, khoản thu nhập chính từ lô cao su của vợ nhận khoán với Công ty Cao su Lệ Ninh như muối bỏ biển, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Chính vào thời điểm khó khăn đến cùng cực này, gia đình anh tìm được cứu cánh khi chính sách giao đất giao rừng, khuyến khích khai hoang phục hóa được triển khai.

“Có đất đai, sẽ có tất cả”, đem suy nghĩ ấy bàn bạc với vợ và được sự đồng tình, anh Lực làm đơn xin công ty nhận 4 ha đất ở vùng đất chết có tên gọi Dũng Tiến này để sản xuất, với mức khoán nộp cho công ty mỗi năm 20 triệu đồng, thời gian sử dụng 50 năm.

Chuyện anh Lực nhận vùng đất Dũng Tiến để sản xuất ai ai cũng ái ngại. Nhưng với quyết tâm tạo dựng sự nghiệp lâu dài không chỉ cho bản thân trước mắt mà cho cả con cái mai sau, anh mạnh dạn khai phá từng bước.

Anh kể lại câu chuyện khai hoang phục hóa vùng đất chết với giọng ngậm ngùi: “Bây giờ nghĩ lại, thấy mình cũng liều. Hồi ấy chưa có máy rà bom đạn, tìm phế liệu như mấy năm sau này nên trước khi cuốc đất tôi phải tìm đạn bom trên bề mặt, rồi xăm soi từng mét. Gặp nhát cuốc nghe có tiếng va chạm kim khí là vội nằm thụp xuống. Quá nguy hiển nên công việc này chỉ một mình tôi làm, nhất quyết vợ con không được tham gia. Có lúc, một mét vuông có tới 20 quả bom bi. Cứ thế mà làm dần...”.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Nông trường Lệ Ninh Từ Công Phúc góp chuyện: “Tôi cũng phục hóa mấy sào liền kề, thôi thì bom bi ổi, bom bi cánh đủ kiểu, nhớ lại cứ rợn cả người. Mà cũng hay, mình nhặt gom lại một chỗ ban chiều, sáng ra thì bay biến hết. Thì ra số người đi nhặt phế liệu đã xử lý thay cho mình rồi. Cũng may, chẳng ai hề hấn gì !”

Cứ thế, theo ngày tháng, toàn bộ 4 ha đất của anh Lực đã được phục hóa. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được những năm tháng đi xin “lộc Mệ” trên rừng được anh Lực dồn hết để thuê người, thuê máy đào ao nuôi cá, làm đất trồng lúa. Trong 4 ha, anh Lực chia thành hai vùng riêng biệt, vùng đất 2 ha tương đối thuận lợi anh sử dụng để làm lúa 2 vụ, vùng còn lại làm trang trại nuôi lợn, vịt và đào ao thả cá. Cái khó của anh Lực là thiếu kiến thức khoa học trong chăn nuôi và bố trí hệ thống chuồng trại... Không ngại khó, chẳng nề hà xa xôi, anh cất công đi tìm hiểu nhiều nơi, đặc biệt là chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh cho cá, lợn, vịt gà và đàn trâu...

Một góc trang trại của anh Võ Sỹ Lực.
Một góc trang trại của anh Võ Sỹ Lực.

“Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, câu thơ nổi tiếng ấy hoàn toàn đúng với người cựu chiến binh không cam chịu đói nghèo Võ Sỹ Lực.

Qua năm tháng bề bỉ, tảo tần, từ năm 2008 đến nay, trang trại anh Lực phát triển ổn định với quy mô 2 ha trồng lúa 2 vụ, chăn nuôi 1.000 con vịt đẻ; đàn lợn nái ngoại 10 con, con giống sinh sản ra nuôi thành lợn thịt; hệ thống hồ cá hàng năm xuất bán trên 3 tấn cá thương phẩm; hàng trăm con gà, ngan thả vườn theo lứa và đàn trâu 10 con...

Chỉ tính riêng nuôi vị đẻ, bình quân mỗi ngày anh xuất bán trên dưới 700 quả trứng, cái lý trang trại hái ra tiền mỗi ngày chính là ở đó, và đầy sức thuyết phục.

Quá trình sản xuất đã dần mang lại cho anh Lực kinh nghiệm tổ chức chuồng trại, giữa các hồ cá là vùng đất đủ rộng để làm trại cho vịt, làm chuồng cho lợn, thức ăn lợn, vịt gà ăn thừa lại xuống hồ cho cá ăn, anh lại có đồng ruộng trồng lúa nên chi phí thức ăn cho gia súc, gia cầm cũng giảm được một phần đáng kể, hiệu quả chăn nuôi tăng lên.

Từ mô hình trang trại tổng hợp của mình, anh Lực đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng/người. Lao động được anh thuê với công viêc chủ yếu là cho lợn, vịt, gà, cá ăn và vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Dù chưa xây nhà cao cửa rộng, nhưng nhìn hệ thống chuồng trại và nhẩm tính thu nhập anh Lực hiện có hàng ngày, ai cũng biết rõ từ ý chí, nghị lực và cả mồ hôi, nước mắt trong quá trình hồi sinh vùng đất chết, gia đình người cựu chiến binh này đã có cuộc sống sung túc, đủ đầy.

Tấn Phước
 (Đài TT-TH Lệ Thủy)