.

Cây khoai lang cứu cánh vùng cát

Thứ Sáu, 11/11/2016, 14:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau trận lũ lớn giữa tháng 10 vừa rồi, chúng tôi có dịp theo đoàn cứu trợ mang quà về thăm bà con xã Thanh Thủy, Lệ Thủy. Nhìn cánh đồng nước mênh mông trắng xóa, trong chúng tôi ai cũng áy náy về cuộc sống mưu sinh khó khăn của người dân vùng lũ. Ấy vậy mà, qua câu chuyện của người đứng đầu chính quyền xã được biết, kể từ khi địa phương đưa cây khoai lang ra vùng cát, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay.

Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, Hoàng Quang Đồng cho biết, trận lũ vừa rồi làm hơn 100 nhà dân trên địa bàn bị ngập sâu, nhưng không ảnh hưởng gì lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Lý giải về vấn đề này, ông Đồng cho rằng, mấy năm nay nhờ cơ cấu lại cây trồng theo hướng tăng dần cây khoai lang trên vùng cát nên hiệu quả mang lại hơn hẳn cây lúa.

Cây khoai lang trên cát Thanh Thủy.
Cây khoai lang trên cát Thanh Thủy.

Dù bận rộn với nhiều công việc sau lũ, nhưng ông chủ tịch xã vẫn  dành thời gian đưa chúng tôi đến thăm khu định cư mới và cánh đồng trồng khoai lang trên vùng cát phía đông. Ông tâm sự, so với các địa phương trong huyện, thì điều kiện tự nhiên của xã Thanh Thủy không được thuận lợi lắm để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, từ khi triển khai nghị quyết tiến ra phía đông, cùng với đó là cây khoai lang bén duyên trên vùng cát, đời sống người nông dân ở đây thực sự khởi sắc. Mặc dù diện tích cây khoai lang chỉ có 160ha, bằng 50% diện tích cây lúa (diện tích lúa đông-xuân của xã là 295ha), nhưng giá trị thu nhập của loại cây trồng này đã vượt trội cây lúa. Vùng cát bây giờ được xem như "tấc đất, tấc vàng", quý hơn cả đất lúa 2 vụ "bờ xôi, ruộng mật".

Ông tâm sự, nghị quyết Đảng bộ xã mấy nhiệm kỳ vừa rồi luôn xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Lãnh đạo địa phương đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Xã đã vận động bà con nông dân chuyển 13ha đất lúa kém hiệu quả và 75ha đất vườn xen lẫn trong khu dân cư sang trồng rau, dưa, đồng thời kêu gọi người dân tiến ra vùng cát phía đông sản xuất khoai lang. Đi kèm với đó là giải pháp hỗ trợ nâng cao nhận thức, giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhận thấy tiềm năng lợi thế to lớn của vùng cát, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề tiến ra phía đông khai thác vùng cát ven biển. Đi tiên phong là các đôi vợ chồng trẻ mới lập gia đình. Từ khi có nghị quyết này, toàn xã đã có gần 100 hộ rời làng đến định cư, đầu tư sản xuất ở vùng cát phía đông.

Nhớ lại ngày đầu ra khai hoang vùng cát, anh Lê Văn Quý là một trong 12 hộ đầu tiên ra vùng cát cho biết, cây khoai lang đã cứu cánh cho người dân vùng cát. Trước đây, nhắc đến cây khoai lang, không ít người quan niệm, đây chỉ là loại cây trồng "phụ" để chống đói và làm thức ăn chăn nuôi. Bởi vậy nên diện tích dành cho loại cây này ở các địa phương ven Quốc lộ 1 cũng rất hạn chế. Vài năm trở lại đây, nhờ sự ưa chuộng của thị trường khoai deo, nên cây khoai lang đã được "nâng tầm" trở thành loại cây cho thu nhập chính, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa...

Gia đình chị Hoàng Thị Hiếu, thôn 3 Thanh Mỹ, xã Thanh Thuỷ vốn là hộ nghèo. Được sự hỗ trợ của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, chị Hiếu đã được vay vốn ưu đãi và nhận 5 sào đất cát (2.500m2) để đầu tư trồng khoai lang cùng một số loại cây màu vụ đông khác như nén, kiệu, hành, rau xanh... kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Chỉ sau 3 năm, đến nay, chị Hiếu đã thực sự thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ làm ăn khá của xã.

Chị Hiếu tâm sự, vợ chồng chị đi lên từ 2 bàn tay trắng, vốn liếng hầu như không có. Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ trồng khoai lang và chăn nuôi lợn, gà. Hiện trong chuồng còn có vài chục con lợn sắp xuất bán và hàng trăm con gia cầm khác. Khối tài sản này tuy không lớn so với nhiều người, nhưng đây quả là ngoài sức tưởng tượng đối với vợ chồng chị.     

Được sự giới thiệu của Chủ tịch UBND xã, chúng tôi tìm về thăm mô hình sản xuất của gia đình chị Nguyễn Thị Hương, thôn Thanh Tân. Mô hình này thành công là nhờ gia đình chị chuyển đổi từ 3 sào đất lúa sang trồng các loại cây có giá trị cao như khoai lang và dưa hấu. Chị cho biết, trồng khoai lang thu nhập cao hơn làm lúa. Trước đây, một mùa làm lúa, gia đình chị chỉ thu nhập được hơn 10 triệu đồng, còn trồng khoai đạt từ 40 đến 50 triệu đồng.

Từ khi có “Dự án phát triển trồng khoai lang trên vùng cát” ở xã Thanh Thủy, gia đình chị được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, đất sản xuất. Chị làm một phép nhẩm tính, vài năm trở lại đây, mỗi kg khoai lang được thị trường thu mua với giá chừng 9-10 nghìn đồng, như vậy mỗi ha khoai  cho thu nhập khoảng 90-100 triệu đồng (tương đương 10 tấn củ), chưa tính tới giá trị phần lá khi dùng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Nếu đưa củ khoai tươi chế biến thành sản phẩm khoai deo cho giá trị còn cao hơn nữa. Với hiệu quả này, khoai lang đã cho thu nhập vượt trội hơn trồng lúa.

Trước đây bà con trồng giống khoai Tân Kỳ, năng suất không cao và chất lượng chế biến khoai deo cũng thấp. Hiện nay bà con trồng giống khoai lang Chuồn Trệt củ to, năng suất cao và quan trọng hơn là chế biến thành khoai deo có độ dẻo, thanh ngọt, giá bán cao hơn hẳn các giống khoai địa phương.

Thời điểm này, nhìn thấy nước ngập đồng, cứ tưởng bà con xã Thanh Thủy sẽ thiếu giống khoai lang cho vụ mới. Thế nhưng thật bất ngờ được biết, bà con đã chuẩn bị đủ giống, bảo quản rất an toàn. Sau khi thu hoạch, bà con chọn những củ khoai to đều, tròn dài, cân đối, không sâu bệnh, đưa treo lên cao để làm giống.

 Một cánh đồng khoai chuẩn bị cho thu hoạch.
Một cánh đồng khoai chuẩn bị cho thu hoạch.

Qua tìm hiểu được biết, dự án trồng khoai lang của xã hiện mang lại hiệu quả khá lớn, nên đang thu hút khá đông người dân tham gia. Đất trồng khoai lang một vụ (chủ yếu vụ xuân), sau khi thu hoạch khoai chuyển sang trồng thêm 1-2 vụ dưa hấu hoặc đậu đỗ... Bình quân một ha dưa hấu cho thu nhập 30-40 triệu đồng. Trồng khoai lang không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư về giống, phân bón, khâu làm đất, thuỷ lợi phí... như đối với cây lúa.

Hơn nữa, độ rủi ro do thời tiết của cây khoai lang không cao như cây lúa, mà giá trị thu nhập một ha đất cát trồng một vụ khoai và thêm 1-2 vụ dưa hấu đạt từ 120-150 triệu đồng/năm. Đầu ra của củ khoai lang cũng rất dễ dàng, chủ yếu bán tại ruộng cho thương lái, được nhận tiền một lần. Nhiều hộ gia đình trước đây rất vất vả, nhưng từ khi chuyển đổi mô hình trồng khoai lang, dưa hấu, đời sống kinh tế của họ đã khá giả hơn trước rất nhiều. Không ít hộ gia đình nhờ trồng khoai lang mà mỗi năm có thu nhập lên tới 100 triệu đồng, như gia đình chị Lương, chị Hoá, chị Lai, chị Hường...

Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Hoàng Quang Đồng cho biết, xã đã triển khai thí điểm 85ha cánh đồng lớn khoai lang, gắn với cơ sở chế biến khoai deo của HTX Thanh Thủy. Vừa qua, huyện Lệ Thủy đã hỗ trợ 30 triệu đồng, xã hỗ trợ thêm 0,5 ha đất cho HTX chế biến khoai deo Thanh Thủy xây dựng nhà xưởng chế biến khoai deo quy mô tập trung. Mỗi năm, HTX này và các cơ sở chế biến hộ gia đình trên địa bàn thu mua chế biến hơn 1.000 tấn củ, giải quyết việc làm thường xuyên cho vài chục lao động.

Rời vùng cát trắng Thanh Thủy, chúng tôi có suy nghĩ, nếu như bà con nông dân chịu khó tìm tòi, suy nghĩ đầu tư những cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với đồng đất địa phương mình như cây khoai lang ở Thanh Thủy, thì nhất định sẽ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu không mấy khó khăn.

Hồng Quân