.

VAMC mới chỉ thu hồi nợ được 15% tổng dư nợ gốc đã mua

Thứ Năm, 27/10/2016, 14:45 [GMT+7]

Theo thông tin tại Hội thảo "Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ" do Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Quốc hội tổ chức tối ngày 26-10, tính đến thời điểm cuối tháng 8-2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548.000 tỷ đồng nợ xấu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong đó, chủ yếu là do các các tổ chức tín dụng tự xử lý là 57,2%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng -VAMC và tổ chức cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.

Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp… Trong đó, bất động sản với giá trị tài sản đảm bảo là 256.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao nhất với 63,5%.

Về công tác thu hồi nợ, kể từ khi thành lập đến nay, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức thu hồi nợ như: bán nợ, bán tài sản bảo đảm… đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng.

Tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế song tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm tới 70% còn lại 30% là bán nợ, bán tài sản bảo đảm. Việc bán tài sản bảo đảm bao gồm phát mại tài sản bảo đảm, thi hành án để thu hồi nợ chỉ đạt 10.990 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%.

Ông Hùng thừa nhận, so với khối lượng nợ xấu đã mua, kết quả xử lý nợ của VAMC còn rất hạn chế, chưa như mong muốn của VAMC cũng như kỳ vọng của thị trường. Bởi, VAMC đang gặp rất nhiều nút thắt trong quá trình xử lý nợ xấu.

Ông Hùng chỉ ra: Đầu tiên là nút thắt từ nội tại của VAMC. Nợ xấu đã mua từ các tổ chức tín dụng phần lớn là các khoản nợ xấu khó thu hồi. Nhiều khoản nợ khách hàng đã không còn hoạt động, không tạo ra được nguồn thu để hoàn trả nợ vay, khách hàng không hợp tác xử lý nợ vì vậy cần áp dụng giải pháp cứng rắn bằng hình thức khởi kiện, thi hành án để thu hồi nợ.

Thứ hai, nguồn vốn của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá thị trường. Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, khách hàng.

Ngoài ra, còn có khó khăn về xử lý tài sản bảo đảm. Nghị định 53/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ đối với các cấp, các ngành trong việc thu giữ tài sản. Vì vậy, dù có trường hợp Ủy ban Nhân dân sở tại và cơ quan công an hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự để VAMC thực hiện thu giữ tài sản nhưng tại thời điểm thu giữ, chủ tài sản chống đối thì cũng không thể ép buộc đối tượng này bàn giao tài sản.

Theo Thúy Hà (Vietnam+)