.

Sức bật nông thôn mới

Thứ Tư, 12/10/2016, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Với xuất phát điểm không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, các tiêu chí đạt được thấp hơn so với bình quân chung của cả nước..., nhưng sau hơn 5 năm bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM), đến nay Quảng Bình đã có 30 xã về đích NTM (chiếm 22,1%), vượt mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra và vượt 7,6% so với bình quân chung cả nước. Dự kiến, đến hết năm 2016, cả tỉnh sẽ có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã về đích lên 42 xã, đạt 30,9% . Đây chính là sức bật mạnh mẽ chứng minh cho sự quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh thời gian qua...

Nhiều làng quê khởi sắc

Có thể nói, sự chuyển biến trong phong trào xây dựng NTM 5 năm qua tại Quảng Bình được thể hiện rõ nét ở nhiều mặt, trong đó có công tác chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền, vận động; đào tạo, tập huấn; công bố quy hoạch, cắm mốc chỉ giới, lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã...

Đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM cho thấy: Sau hơn 5 năm toàn tỉnh triển khai chương trình, đã tạo được sự chuyển biến đáng kể về nhận thức của cán bộ và cư dân nông thôn trong XDNTM. Hiện, hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt. Người dân từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM và tham gia hưởng ứng mạnh mẽ với sự đồng thuận cao.

Bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương đã và đang có sự thay đổi nhanh chóng, rõ rệt, khang trang, văn minh hơn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư mạnh. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Dân chủ cơ sở được nâng cao; công tác kiểm tra giám sát được coi trọng, đã kịp thời chấn chỉnh những vi phạm, sai lệch...

Đến hết tháng 9-2016, toàn tỉnh có 1.771 tiêu chí đạt chuẩn (tăng 1.275 tiêu chí so với trước khi triển khai, đạt bình quân 13 tiêu chí/xã, tăng 9,4 tiêu chí/xã so với trước khi triển khai). Cụ thể, đã có 30 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 22,1%, tăng 30 xã so với trước khi triển khai); số xã đạt 15 - 18 tiêu chí: 19 xã (chiếm 14%, tăng 18 xã); số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí: 55 xã (chiếm 40,4%, tăng 48 xã); số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí: 32 xã (chiếm 23,5%, tăng 8 xã) và hiện không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 104 xã). Năm 2013, toàn tỉnh có 1 xã về đích NTM (xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới); năm 2014 có 11 xã; năm 2015 có 18 xã. Dự kiến đến hết năm 2016, tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 42 xã, đạt gần 40%.

Thực hiện chương trình XDNTM, những năm gần đây, công tác phát triển sản xuất đã được các địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện theo hướng tăng cường liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng lớn với diện tích 6.474 ha trên một số loại cây trồng, với sự tham gia liên kết thu mua nông sản của 17 doanh nghiệp.

Nông dân huyện Lệ Thuỷ bê tông hoá giao thông nội đồng.
Nông dân huyện Lệ Thuỷ bê tông hoá giao thông nội đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai được 84 đề án sản xuất, 153 mô hình sản xuất hiệu quả, tổ chức hơn 500 lớp đào tạo nghề... Đến nay, toàn tỉnh có 132 HTX nông nghiệp  (32 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX); 169 tổ hợp tác; 154 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển và 648 trang trại... Các hoạt động nói trên đã góp phần tăng thu nhập cho cư dân nông thôn khá hiệu quả. Cuối năm 2015, thu nhập của cư dân nông thôn ở tỉnh tăng gấp 2 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm (đến cuối năm 2015 còn dưới 5%)...

Đối với công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hơn 5 năm qua, toàn tỉnh đã bê tông hóa, cứng hóa, cấp phối, nâng cấp 1.656 km đường giao thông nông thôn; đổ đất cấp phối, biên hòa 21km đường ngõ xóm; phát quang, giải tỏa 190 tuyến đường thôn, xóm; duy tu bảo dưỡng 125km đường; rải sỏi 8,9 km đường nội đồng; xây mới 159 cầu cống các loại và 11 trạm bơm. Ngoài ra, toàn tỉnh đã xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp 268 công trình thủy lợi, 314km kênh mương, 153 trường, với 250 phòng học; 50 nhà văn hoá xã; 21 công trình thể thao văn hóa xã; 176 nhà văn hóa thôn; 166 công trình thể thao thôn; xây mới, nâng cấp, sửa chữa 26 chợ nông thôn; 60 công trình y tế...

Tổng nguồn vốn huy động giai đoạn từ 2011 đến 2015 cho XDNTM của tỉnh đạt hơn 2.769 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 1.594,3 tỷ, chiếm 57,6%; vốn tín dụng ưu đãi 422,8 tỷ, chiếm 15,3%; vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác 110,3 tỷ, chiếm 4%; đóng góp của cộng đồng dân cư 585,9 tỷ, chiếm 21,1%; số còn lại là vốn huy động từ nhiều nguồn khác).

Cẩn trọng kẻo "hụt hơi" vì NTM

Tại hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình MTQGXDNTM và phát động phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)" giai đoạn 2016 – 2020 mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đưa ra khuyến cáo: Trong XDNTM không được huy động nguồn lực vượt quá sức dân; cần cẩn trọng kẻo "hụt hơi" vì NTM... 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh những thành quả đã đạt được, thì tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong XDNTM tại một số địa phương ở tỉnh ta hiện vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại. Tổng nợ xây dựng cơ bản trong XDNTM toàn tỉnh tính đến cuối tháng 9-2016 còn khoảng 444 tỷ đồng (trong đó huyện Quảng Trạch có số nợ xây dựng cơ bản cao nhất với trên 171 tỷ đồng; huyện Tuyên Hóa có số nợ thấp nhất, khoảng 14 tỷ đồng). Cụ thể, nợ từ các dự án sử dụng nguồn vốn trực tiếp của Chương trình MTQG XDNTM khoảng 140 tỷ đồng; nợ từ các nguồn vốn khác nhưng có cùng mục tiêu xây dựng các hạng mục NTM hơn 303 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM tỉnh đã tổ chức khá nhiều buổi họp bàn nhằm chấn chỉnh, tháo gỡ vấn đề nợ đọng NTM; chỉ đạo các địa phương trong thời gian tới không được để nợ đọng NTM phát sinh vượt tầm kểm soát. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM tỉnh cũng đưa ra yêu cầu, XDNTM là một quá trình lâu dài, bền bỉ, kiên trì, thường xuyên với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, do đó người dân phải vào cuộc, thực sự trở thành chủ thể thực hiện chương trình.

Quá trình thực hiện không áp đặt, máy móc, nóng vội mà cần phải linh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Các ngành và hệ thống chính trị phấn đấu đạt tiêu chí, mục tiêu của ngành và đoàn thể trong XDNTM; chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn.

Bên cạnh đó, đối với việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, chợ nông thôn...cần phải được xem xét kỹ, tránh hình thức lãng phí, chú trọng nâng cao hiệu quả công trình. Đẩy mạnh phân cấp và tăng cường giao cho thôn và cộng đồng thực hiện những công trình, dự án gắn liền với lợi ích của họ để huy động nguồn lực.

Việc huy động đóng góp của người dân phải trên cơ sở tự nguyện, dân chủ, bảo đảm vừa sức dân, tuyệt đối không được yêu cầu người dân đóng góp bắt buộc. Ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM của tỉnh cũng chỉ đạo, các xã phải xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tính khả thi các mục tiêu đề ra. Các sở, ban, ngành tập trung chỉ đạo theo phân công trực tiếp về địa bàn và tiêu chí phụ trách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để uốn nắn kịp thời những lệch lạc, vi phạm...

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng của nhân dân, hy vọng bức tranh NTM tỉnh ta sẽ có thêm nhiều gam màu sáng. Và đặc biệt là không có địa phương nào rơi vào cảnh "hụt hơi" vì NTM do chạy theo thành tích...

Văn Minh