.

Phụ nữ Ba Đồn: Tích cực hỗ trợ nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững

Thứ Tư, 26/10/2016, 16:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Hội LHPN thị xã Ba Đồn thực hiện đồng bộ, ngày càng đa dạng và có hiệu quả trong thời gian qua. Thông qua các phong trào thi đua: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả”… đời sống của chị em phụ nữ trên địa bàn từng bước nâng cao, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế của địa phương.

Lực lượng lao động nữ trên địa bàn thị xã Ba Đồn có trên 50% tham gia vào hoạt động sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Chị em đã mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, với năng suất, chất lượng cao, chú trọng xây dựng nhiều mô hình mới, sản xuất chuyên canh, thâm canh, kinh tế vườn đồi, chăn nuôi trang trại, nuôi trồng thuỷ sản... để vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá và hộ giàu.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, lực lượng lao động nữ chiếm tỷ lệ cao và ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong cơ chế thị trường. Nhiều phụ nữ đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mở mang các ngành nghề, dịch vụ theo hướng quy mô lớn, sản xuất hàng hoá, đưa sản phẩm của đơn vị mình trở thành sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nữ, góp phần đưa tỷ trọng giá trị dịch vụ, thương mại tăng bình quân hàng năm 10,6%.

Mô hình chăn nuôi trâu bò theo hướng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao của hội viên phụ nữ Ba Đồn.
Mô hình chăn nuôi trâu bò theo hướng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao của hội viên phụ nữ Ba Đồn.

Trong tiểu thủ công nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn, nhiều phụ nữ đã cùng với gia đình dám nghĩ, dám làm, ứng dụng khoa học công nghệ mới, cải tiến mẫu mã tạo ra những sản phẩm đa dạng, có chất lượng. Cùng với việc giữ gìn, khôi phục và nâng cao chất lượng các ngành nghề truyền thống như: chế biến nước mắm, các sản phẩm bánh từ gạo, khoai, mây tre đan, nón lá... nhiều chị em đã quan tâm phát triển các nghề mới, tạo ra nhiều mặt hàng chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài tỉnh.

Phong trào “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác” với nhiều mô hình, cách làm hay đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, thu hút được đông đảo phụ nữ tham gia, hình thành thói quen tiết kiệm thường xuyên với số dư tiết kiệm đến nay là 12,21 tỷ đồng, gồm 836 nhóm và 17.510 thành viên.

Phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” được các cấp hội đăng ký thực hiện hàng năm và phân công chỉ tiêu cụ thể cho từng chi hội trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của từng đối tượng phụ nữ nghèo. Bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, mỗi năm có 80% phụ nữ nghèo, 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ. 5 năm qua, có 412 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, đạt 45%, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thị xã xuống còn 5,3% vào cuối năm 2015.

Hoạt động hỗ trợ vốn cho hội viên phụ nữ được các cấp hội xác định là vấn đề cốt lõi trong công tác giảm nghèo. Vì vậy, số lượng vốn cho vay và số chị em phụ nữ được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình tăng lên hàng năm. Đến 30-6-2016, tổng các nguồn vốn hội đang quản lý 166,786 tỷ đồng với 7.490 lượt phụ nữ vay vốn. Các cấp hội đã duy trì và vận động thành lập mới 175 nhóm hùn vốn, thu hút 6.585 thành viên; 231 nhóm tiết kiệm tín dụng, thu hút 7. 870 thành viên. Bình quân hàng năm, tỷ lệ số nhóm tăng 27,8%.

Ngoài việc liên kết để tạo thêm nguồn vốn vay, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng, các dự án, Trung tâm dạy nghề của Hội LHPN tỉnh, tổ chức 225 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, 38 lớp đào tạo nghề cho 3.849 hội viên phụ nữ; vận động cán bộ, hội viên xây dựng 72 mô hình sản xuất mới nhằm khai thác tốt tiềm năng của từng vùng, miền, nâng tổng số mô hình phát triển kinh tế toàn thị xã lên 165 mô hình; vận động phụ nữ duy trì và phát triển các nghề truyền thống tại các địa phương như: may nón lá, sản xuất sẳn phẩm mây tre đan, làm bún, bánh... nhằm tạo điều kiện về công ăn việc làm cho hơn 1.250 lao động nữ; hỗ trợ xây dựng 1 tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ nón lá tại Quảng Hải.

P.V