.

Mở hướng thoát nghèo từ cây lạc

Thứ Tư, 05/10/2016, 08:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta hiện nay có 3 cây trồng chính là lúa, ngô và lạc. So với lúa và ngô, cây lạc có ưu thế là không kén đất, dễ trồng, thời vụ ngắn và nhất là hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác. Hiện tại, các địa phương đã trồng khoảng 5.000 ha lạc chính vụ và xấp xỉ 1.000 ha lạc hè-thu với năng suất bình quân 22 tạ/ha, trong tương lai gần phấn đấu đạt đến 8.000 ha và năng suất trên 25 tạ/ha, nhằm đưa cây lạc trở thành cây trồng chủ lực của người nông dân.

Trong 5 năm qua, diện tích trồng lạc ở các địa phương đều tăng cao qua mỗi năm. Riêng năm 2016 toàn tỉnh gieo trồng được khoảng 5.650ha lạc (trong đó vụ đông-xuân 5000ha, vụ hè-thu 650ha). Huyện Minh Hóa là địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất tỉnh với 1.270ha (2 vụ), tiếp đến huyện Bố Trạch diện tích 1.200 ha, Tuyên Hóa 1.100ha. Huyện Lệ Thủy từ một địa phương chỉ có 200ha đất trồng lạc, sau 3 năm đã nâng lên hơn 500ha...

Năng suất cây lạc đã từng bước được nâng lên, từ 18-19 tạ/ha năm 2012 trở về trước, đến nay đạt bình quân 23 tạ/ha đối với vụ đông-xuân và 19 tạ/ha vụ hè-thu. Có một số vùng năng suất lạc hơn 25 tạ/ha như ở Hóa Phúc, Hóa Thanh (Minh Hóa), Cao Quảng (Tuyên Hóa), Hiền Ninh, Trường Xuân (Quảng Ninh)...

Sản lượng lạc năm nay ước đạt  11.800 tấn, giá bán bình quân 1.300 đồng/kg lạc tươi và 24.000 đồng/kg lạc khô, giá trị thu nhập cây lạc trên 35 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa và trồng ngô 10 triệu đồng/ha. Nhiều vùng xem cây lạc là cứu cánh để thoát khỏi đói nghèo.

Chúng tôi có dịp đến huyện Minh Hóa đúng vào thời điểm kết thúc vụ thu hoạch lạc năm nay. Ông Đinh Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cho biết, mấy năm gần đây diện tích trồng lạc của huyện không ngừng tăng cao. Năm 2016, riêng cây lạc vụ đông-xuân của huyện đạt 1.100ha, cao gấp đôi diện tích lúa (lúa 477ha).

Nhận thấy cây lạc mang lại lợi ích kinh tế cao hơn lúa, nên vụ hè-thu này mặc dù hạn nặng, bà con trong huyện vẫn trồng được 267ha lạc, tăng 70ha so với cùng kỳ. Năng suất lạc bình quân đạt 22 tạ/ha, tăng 1,5 tạ ha so với năm trước. Đây được xem là năm được mùa lạc nhất từ trước đến nay ở Minh Hóa. Cây lạc ở Minh Hóa trồng tập trung ven sông suối và các thung lũng đất pha cát. Vùng trọng điểm lạc của huyện là xã Hóa Phúc, Hóa Sơn, Trung Hóa, Minh Hóa...

 Nông dân Tuyên Hóa được mùa lạc
Nông dân Tuyên Hóa được mùa lạc

Xã Hóa Phúc (Minh Hóa) là địa phương điển hình về trồng lạc của huyện. Trong số 127 hộ của xã thì có đến 105 hộ trồng lạc và sống nhờ vào cây lạc, trồng rừng và chăn nuôi trâu, bò. Ông Cao Thanh Năm, người được xem là đi đầu của phong trào trồng lạc ở Hóa Phúc cho biết, cây lạc đầu tiên được trồng ở thôn Kiên Trinh và thôn Si trên vùng đất trồng màu. Lúc đầu trồng lạc chưa có kinh nghiệm và thiếu sự chăm sóc nên diện tích lạc bị chết ẻo đến 30%, số còn lại năng suất chỉ đạt chưa đến 10 tạ/ha.

Các năm tiếp sau, nhờ sự tận tình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên cây lạc ở Hóa Phúc ngày một phát triển và năng suất đạt khá cao. Đến nay diện tích gieo trồng lạc toàn xã có 75ha. Năng suất bình quân 25 tạ/ha, tổng sản lượng 187 tấn, trị giá thu được gần 4 tỷ đồng. Nếu chia bình quân riêng cây lạc, mỗi hộ trong xã đã thu hơn 25 triệu đồng, trong đó có 7 hộ đạt đến 100 triệu đồng...

Xã Hóa Sơn cũng đang vươn lên nhờ cây lạc và chăn nuôi trâu, bò. Toàn xã có 365 hộ. Cũng như Hóa Phúc, người nông dân Hóa Sơn mới làm quen với cây lạc chưa đầy chục năm lại đây. Trong 5 thôn của xã, thôn nào cũng lấy lạc làm cây trồng chính với diện tích hiện nay là 105ha, vụ thu hoạch vừa rồi Hóa Sơn được mùa lạc, năng suất đạt 23 tạ/ha, cao hơn vụ trước 2 tạ/ha.

Đến Hóa Sơn, chúng tôi được nghe nhiều về mô hình trồng lạc kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao của chị Nguyễn Thị Long, thôn Đặng Hóa. Chị Long được tiếp cận với chương trình thí điểm trồng trọt và chăn nuôi do cán bộ khuyến nông huyện tổ chức. Với kiến thức học được, chị áp dụng chuyển đổi 1ha đất trồng màu sang trồng lạc cao sản giống MD7, L14 cho năng suất bình quân 18 tạ/ha, sau này tăng lên 25 tạ/ha và nuôi 20 con trâu bò. Hiện tại mô hình kinh tế của chị Long mang lại giá trị kinh tế mỗi năm 150 triệu đồng.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn, ông Đinh Minh Cứ cho biết, toàn xã có 70% số hộ trồng lạc và chăn nuôi trâu bò, mỗi năm thu từ lạc và bán bò bình quân 20-50 triệu đồng, đủ mua lương thực cho gia đình 6 người ăn. Trước đây Hóa Sơn là một xã rất nghèo của Minh Hóa, chỉ vài ba năm lại đây nhờ trồng lạc và chăn nuôi, đến nay 75% hộ có xe máy, 85% hộ có tivi và 100% hộ sử dụng điện phục vụ sinh hoạt. Dự định của xã trong vụ tới sẽ tăng diện tích lạc thêm vài chục ha nữa, phấn đấu 100% hộ gia đình đều có đất trồng lạc.

Nói về hiệu quả của cây lạc, ông Cao Xuân Được ở xã Trung Hóa (Minh Hóa) cho biết, gia đình ông trồng giống lạc mới L14, trên diện tích 5 sào. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, rét đậm rét hại từ đầu vụ, trong quá trình sinh trưởng gặp nắng nóng kéo dài, nhưng năm nay lạc lại được mùa hơn so với mọi năm. Theo ông Được thì, giống lạc mới L14 cho củ to và chín đều, còn giống lạc địa phương thì có khoảng 30% củ non, giá trị thu nhập thấp. Không riêng gia đình ông mà nhiều hộ khác trên địa bàn huyện Minh Hóa cũng đã mạnh dạn sử dụng giống lạc L14 vào sản xuất, năng suất 28-30 tạ/ha, trong khi đó giống lạc địa phương chỉ đạt từ 17-20 tạ/ha.

Nhận thấy trồng lạc chắc ăn nên mấy năm gần đây bà con ở huyện Tuyên Hóa cũng không ngừng mở rộng diện tích lạc. Năm nay toàn huyện trồng khoảng 1.100 ha, tập trung chủ yếu ở vụ đông-xuân (986ha), với giống chủ đạo là L23, L14, SVL1. Năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên cây lạc phát triển tốt, năng suất đạt 25tạ/ha (cao hơn năm trước 1,5 tạ/ha). Đặc biệt sản phẩm lạc rất dễ tiêu thụ, thương lái bao tiêu toàn bộ sản lượng, với giá: lạc tươi 14.000 đồng/1kg, lạc khô 22.000 đồng/1kg, cao hơn năm trước từ 3.000 đồng-5.000 đồng/kg tùy mỗi loại.

Xã Trường Sơn được xem là xã có diện tích và năng suất lạc cao của huyện Quảng Ninh. Phát huy lợi thế vùng đất ven sông Long Đại và ven suối, bà con xã Trường Sơn đã trồng lạc và đậu xanh, năng suất lạc 23-25 tạ/ha. Nhờ cây lạc mà người dân xã miền núi rẻo cao ổn định dần cuộc sống, hạn chế tỷ lệ hộ nghèo.

Mặc dù cây lạc được xem là cây trồng "dễ tính" có thể trồng được ở nhiều chân  đất, thậm chí cả đất bạc màu, khô hạn. Tuy nhiên, để cây lạc mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, thì quy trình trồng lạc cũng đòi hỏi khá nghiêm ngặt.

Như đã nói ở trên, giống lạc là yếu tố quyết định hiệu quả của trồng lạc. Qua thực tế tại địa bàn xã Hóa Phúc (Minh Hóa), cho thấy, bà con sử dụng hai loại giống là giống mới (SVL1) và giống lạc cũ (L23). Đối chứng hai loại giống cho thấy: Giống SVL1 có thân cây cao hơn hẳn, ít bị ngã rạp. Tính năng suất bình quân là 30 tạ/ha với giá bán tại ruộng 1,4 triệu đồng/tạ, thì nông dân thu được 42 triệu đồng/ha; trừ chi phí sản xuất còn lãi được gần 25 triệu đồng. Riêng giống lạc cũ L23 năng suất chỉ đạt dưới 20 tạ/ha.

Từ thực tiễn trồng lạc tại các địa phương cho thấy, trên địa bàn còn nhiều loại giống lạc được đưa vào canh tác. Diện tích sử dụng giống lạc năng suất cao như SVL1 chưa nhiều. Nguyên nhân chính là giống lạc này phải mua tại các đại lý của công ty giống, giá khá cao (giá gấp 2,5 lần so với giống lạc địa phương) và không chủ động, nên một số bà con chưa mặn mà với các loại giống lạc mới.

Để giống SVL1 và các giống lạc năng suất cao đến được với người nông dân, ngoài việc thuyết phục họ là năng suất, nên chăng Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị cung ứng giống cũng cần có những chính sách về giá phù hợp để khuyến khích nông dân nghèo, đồng thời tiếp tục đồng hành cùng nông dân trên đồng lạc. Nếu làm được như vậy thì giống lạc SVL1 và các giống lạc mới sẽ phát huy được hiệu quả, tiếp sức cho nông dân tỉnh nhà trong những mùa lạc tới.

Ngoài ra, vấn đề phân bón lót, bón thúc cho lạc cũng rất quan trọng. Kinh nghiệm của các mô hình trồng lạc thành công trên địa bàn cho thấy, việc ủ phân xanh vi sinh với nguyên liệu là cây lạc sau khi thu hoạch ngay tại chân ruộng rất hiệu quả. Cách làm này nhằm tăng lượng phân bón hữu cơ cho cây trồng và khuyến khích bà con hạn chế sử dụng phân vô cơ để cải tạo đất. Qua đó, tạo cho bà con tư duy mới, hạ mức đầu tư, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

P.V