.

Lệ Thủy: Khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi

Thứ Sáu, 14/10/2016, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Với tiềm năng, lợi thế về đất đai cùng các điều kiện tự nhiên khác, huyện Lệ Thủy có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi gia súc. Phát huy thế mạnh này, những năm qua cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhằm từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Hình thức chăn nuôi trên địa bàn huyện hiện nay đang phát triển là nuôi lợn thịt, lợn sinh sản, gia cầm thịt và đẻ trứng, bò thịt... ở hình thức nào cũng có những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông hộ cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên thực tế cho thấy những mô hình này đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có định hướng lâu dài, dễ bị thị trường cùng hệ thống thương lái chi phối, hiệu quả kinh tế đem lại cũng vì thế mà bấp bênh.

Chăn nuôi nhỏ lẻ khiến số hộ chăn nuôi, số lượng gia súc, gia cầm tăng lên ở mỗi xã nhưng nông hộ không có mức thu nhập tốt nhất, còn kéo theo ô nhiễm môi trường. Ở nhiều xã, chất thải chăn nuôi xả bừa bãi, quy mô trang trại chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn. Không những vậy, giá thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng mỗi năm lên xuống thất thường, khiến hộ chăn nuôi cũng “lao đao” theo. Nhiều nông hộ thiếu kiến thức chăn nuôi chuyên sâu, vật nuôi không được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, cùng với đó là hệ thống cung ứng thức ăn chăn nuôi qua nhiều khâu trung gian nên giá thức ăn bị đẩy lên cao ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi.

Sản xuất chưa gắn với giết mổ, chế biến và thị trường tiêu thụ, nên đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh. Việc chưa xây dựng được mối liên kế giữa sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, thị trường tiêu thụ sản phẩm với người chăn nuôi càng khiến cho người nông dân trên địa bàn Lệ Thủy khó có lãi cao.

Trước thực trạng đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, động viên hộ dân chuyển hình thức chăn nuôi tự do, phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đã được nông dân đưa vào sản xuất, các giống gia cầm siêu trứng cũng được nuôi phổ biến ở tất các xã trong huyện.

Chăn nuôi trâu, bò ở Dương Thủy (Lệ Thủy).
Chăn nuôi trâu, bò ở Dương Thủy (Lệ Thủy).

Nhờ vậy, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều hộ dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung vào phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại. Tiêu biểu có gia đình anh Phạm Văn Liên ở thôn Tây B, xã Dương Thủy với trang trại chăn nuôi bò vỗ béo và sinh sản cho thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng; gia đình chị Phan Thị Tình ở thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy với mô hình nuôi gà đồi thả rông kết hợp với cây cao su cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Dương Thị Kính, ở thôn Nam Thiện, xã Dương Thủy, một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn xã những năm gần đây. Chị cho biết trước đây nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Khi có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, anh, chị đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng trang trại tổng hợp.

Đến nay, trang trại của gia đình chị đã có 7 ao nuôi cá giống, 8.000 con gà thịt, hàng năm còn xuất chuồng hàng chục con lợn thịt và lợn nái. Từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị lên đến 200 - 300 triệu đồng.

Qua những mô hình chăn nuôi thành công, có thể thấy người dân ở Lệ Thủy bước đầu đã chuyển hình thức chăn nuôi tự do, phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Đàn gia súc, gia cầm được chăn nuôi ở các vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng thức ăn công nghiệp. Do đó, sản phẩm chăn nuôi được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đệ Quang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy cho biết: Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, nhất là tập trung vào việc thực hiện các chương trình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn gia súc, gia cầm. Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, huyện, xã đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, cử cán bộ hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; trang bị kiến thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tích lũy các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; làm chuồng trại kiên cố...

Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn vay, kỹ thuật cho nông dân.  Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác của Ngân hành Chính sách xã hội đạt 135,5 tỷ, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đạt 17 tỷ, giải quyết cho 20 ngàn lượt hộ vay. Nhiều hộ đã đổi mới tu duy, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại đa canh, đa con; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Có thể nói, huyện Lệ Thủy đã có bước phát triển tích cực trong lĩnh vực chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi của huyện Lệ Thủy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu tính bền vững. Tình trạng các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, thả rông trâu vẫn còn. Việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho ngành chăn nuôi còn hạn chế, dẫn đến việc gắn liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Đó là những hạn chế mà huyện cần khắc phục để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Phạm Hà