.

Hoa thơm giữa đời thường

Thứ Ba, 11/10/2016, 14:27 [GMT+7]

- Triệu phú ở Lộc Thủy

Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Bùi Hữu Huế, ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của chính quyền và các cấp Hội Nông dân, anh đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ ăn uống, mua các máy sản xuất nông nghiệp để phục vụ gia đình và người dân địa phương. Đến nay, anh đã trồng được 5,5 ha lúa 2 vụ cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.

Hiện anh Huế có 1 máy gặt đập liên hợp trị giá 600 triệu đồng, 3 máy cày trị giá 310 triệu đồng, 1 máy bơm nước phục vụ sản xuất trị giá 15 triệu đồng và 1 máy phay đất trị giá 35 triệu đồng. Trên diện tích vườn 2.500m2, anh nuôi 9 con trâu, 15 con lợn thịt, 100 con gà thịt/vụ và đầu tư xây dựng nhà hàng rộng 300m2 để kinh doanh dịch vụ ăn uống với quy mô trên 1.000 khách.

Mô hình kinh tế của anh Huế có vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động (có mức lương 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng/người) và 100 lao động thời vụ.

- Làm giàu từ nón lá

Với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, ông Hoàng Hữu Tố, ở xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn đã đầu tư xây dựng mô hình kinh doanh sản phẩm nón lá. Việc làm của ông đã góp phần khôi phục, phát triển nghề nón lá truyền thống của quê hương, tận dụng thời gian nhàn rỗi của nông dân.

Từ phong trào nông dân SXKDG đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi.
Từ phong trào nông dân SXKDG đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi.

Ông còn đào tạo nghề, tạo việc làm thường xuyên cho 700 lao động có thu nhập ổn định ở địa phương mình và hàng trăm lao động của các địa phương khác. Thu nhập của gia đình ông mỗi năm từ 250 đến 280 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Ông là tấm gương sáng để bà con nông dân noi theo.

- Làm giàu và giúp người nghèo

Chị Nguyễn Thị Hạ, ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch đã đầu tư mô hình thu mua, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu. Đến nay mô hình kinh tế của chị có vốn đầu tư 7 tỷ đồng. trong đó có 1 nhà kho để dự trữ hàng đông lạnh với diện tích 300m2, chủ yếu tích trữ các loại hàng thủy hải sản với số lượng trong kho khoảng trên 3.050 tấn.

Cơ sở còn có 3 xe đông lạnh để vận chuyển hàng; 1 nhà hàng bình dân rộng 200m2 để kinh doanh, phục vụ ăn uống cho người lao động, các tàu thuyền vào cảng; 1 nhà máy đá lạnh rộng 100m2 cung cấp đá cho các tàu, thuyền đánh bắt cá.

Sự đầu tư đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao khi mỗi năm cho gia đình chị thu lãi ròng 1,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động, có thu nhập ổn định với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng/người, tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ, có thu nhập khá. Hiện chị đang giúp đỡ 7 hộ nghèo, hộ khó khăn ở địa phương vươn lên ổn định đời sống.

- Triệu phú vùng cao

Sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo Minh Hóa nhưng chị Đinh Thị Lòng, ở thị trấn Quy Đạt đã biết vươn lên để làm giàu chính đáng bằng mô hình chăn nuôi tổng hợp, kinh doanh dịch vụ nhà hàng.

Đến nay, gia đình chị có 9 con trâu, 15 con lợn thịt, 100 gà thịt/vụ, có nhà hàng diện tích trên 300m2 để kinh doanh, dịch vụ ăn uống, quy mô khoảng 1.000 khách.

Mô hình của chị đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động và hàng chục lao động thời vụ. Trong cuộc sống, chị luôn tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của hội và các phong trào thi đua do địa phương phát động.

P.V

>> Phát huy vai trò tổ chức Hội trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi