.

Đảm bảo nguồn hàng và bình ổn giá cả sau mưa lũ

Thứ Năm, 20/10/2016, 10:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Mưa lũ xảy ra gần một tuần nay đã gây khó khăn cho việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, trong khi đó hầu hết các chợ địa phương trong tỉnh gần như bị tê liệt. Đây có thể là điều kiện để tạo áp lực tăng giá gây ảnh hưởng đến nguồn cung cầu hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên điều đáng mừng, hiện các đơn vị đầu mối của tỉnh đang có nguồn hàng dồi dào để phục vụ nhu cầu nhân dân, đồng thời sẵn sàng cung ứng đầy đủ cho hoạt động cứu trợ người dân vùng lũ. Đặc biệt, hàng hóa đến thời điểm này vẫn bảo đảm bình ổn về số lượng lẫn giá cả.

Theo báo cáo sơ bộ của Chi cục Quản lý thị trường, tính đến ngày 19-10, các mặt hàng trên địa bàn hầu như không có chuyển biến về giá cả. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu sau lũ như: gạo, mì tôm, đường, muối và vật liệu xây dựng… giá thị trường đều ổn định.

Ghi nhận tại chợ Đồng Hới, ngay sau khi nước rút đi, tiểu thương trở lại buôn bán bình thường, không có tình trạng hàng hóa khan hiếm và giá bán cao hơn những ngày thường. Qua trao đổi với một số tiểu thương tại chợ được biết, trong những ngày qua hàng hóa khá bình ổn, chỉ có một số mặt hàng tăng nhẹ.

Chợ Đồng Hới trở lại buôn bán bình thường, không có tình trạng hàng hóa khan hiếm và giá bán cao sau mưa lũ
Chợ Đồng Hới trở lại buôn bán bình thường, không có tình trạng hàng hóa khan hiếm và giá bán tăng cao sau mưa lũ.

Cụ thể, nếu trước thời điểm xảy ra mưa lũ, giá rau muống khoảng 5 nghìn đồng/bó, thì hiện nay tăng lên khoảng 8 nghìn đồng/bó, giá các loại rau, củ, quả được nhập về cũng tăng từ 2-3 nghìn đồng/kg như: củ cải, cà chua, cà rốt, khoai tây…; còn lại các mặt hàng gạo, muối, đường, mì ăn liền, đường, dầu ăn, muối… thì vẫn giữ nguyên giá; riêng thịt gia cầm, thịt heo, thịt bò... sức mua có chiều hướng giảm do tâm lý người tiêu dùng e ngại vì sợ mua loại thịt được mổ ra từ trâu, bò, lợn chết do nước lũ.

Chị Nguyễn Thị Hương, ở phường Đức Ninh (TP. Đồng Hới) chia sẻ: cứ nghĩ sau lũ lụt giá cả sẽ tăng cao, nhưng đi chợ tôi mới thấy hàng hóa vẫn có giá ổn định như những ngày bình thường. Đây thực sự là niềm vui cho người dân, bởi chỉ cần giá cả hàng hóa “không leo thang” là đã góp phần làm vơi bớt khó khăn trong lúc này rồi...

Ngay khi nước bắt đầu xuống, đã có nhiều người đến đại lý hoặc cửa hàng để mua gạo và mì tôm, nhất là những đoàn cứu trợ. Tuy nhiên, hiện các mặt hàng bán chạy nhất này cũng có giá ổn định. Chị Huyền, tiểu thương kinh doanh lương thực tại chợ Đồng Hới bộc bạch, thường sau lũ lụt giá gạo hay tăng, do nhu cầu tăng cao, nhưng những ngày vừa qua giá gạo vẫn ổn định, trong đó giá gạo được các đoàn cứu trợ thu gom để đưa về các vùng lũ lụt vẫn giữ mức phổ biến là giao động từ 120-140 nghìn đồng/yến (tùy loại gạo). Không chỉ lương thực, thực phẩm thiết yếu mà mặt hàng nước uống đóng chai cũng không bị đẩy giá lên.

Giá gạo được các đoàn cứu trợ thu gom để đưa về các vùng lũ lụt vẫn giữ mức phổ biến là giao động từ 120- 140 nghìn đồng/yến.
Giá gạo được các đoàn cứu trợ thu gom để đưa về các vùng lũ lụt vẫn giữ mức giao động từ 120-140 nghìn đồng/yến.

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Công thương giải thích, sở dĩ có sự ổn định giá các mặt hàng này là do một số doanh nghiệp đầu mối trong tỉnh như: Công ty TNHH Hương Bình, Công ty TNHH Ngọc Phương, Co.opmart Quảng Bình, Công ty TNHH Vương Thuận, Công ty TM TNHH Tuấn Việt, Công ty TNHH Nguyệt Phúc… đã tạm trữ số lượng lớn các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các kho hàng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ các nguồn hàng trên các lĩnh vực khác như: xăng dầu, điện, khí hóa lỏng… Do đó, trước, trong và sau mưa lũ, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng cung ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa của người dân cũng như của các đoàn cứu trợ đến với các địa phương vùng lũ. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh đã không xảy ra tình trạng khan hiếm các mặt hàng thiết yếu, hay phải nhập từ chỗ khác về nên hiện tượng tăng giá bán sau lũ lụt đã không xảy ra.

Mặt khác, Sở Công thương cũng đã chủ động các kế hoạch triển khai dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai trên cơ sở cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân và không để thiếu hàng, sốt giá. Theo đó, đơn vị đã chuẩn bị 80.000 thùng mì ăn liền, 25 nghìn thùng lương khô, 2 nghìn tấn gạo và 70 nghìn thùng nước uống… để tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con ở các vùng bị ngập lụt khi có lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh.

Người dân xã Quảng Văn (Ba Đồn) cùng lực lượng Công an thị xã đang thu dọn, vệ sinh để chợ để sớm hoạt động trở lại.
Người dân xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) cùng lực lượng Công an đang thu dọn, vệ sinh để chợ sớm hoạt động trở lại.

Tiên lượng được tình hình thị trường thường có thể tăng giá sau mưa lũ, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường bố trí lực lượng bám sát ở cơ sở, nắm tình hình để có biện pháp giải quyết kịp thời, nhất là đối với tình trạng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân 'tát nước theo mưa', lợi dụng tình hình lũ lụt để đầu cơ găm hàng, tăng giá bán nhằm trục lợi, đồng thời ngăn chặn việc tư thương lợi dụng lũ lụt để nâng giá bán. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp nào đầu cơ, găm hàng để làm tăng giá đột biến gây mất ổn định thị trường.

Đối với các chợ nằm trong vùng bị ngập lụt nặng thuộc 7 huyện, thị xã của tỉnh, hiện người dân các địa phương đang tiếp tục công việc thu dọn, vệ sinh để chợ sớm hoạt động trở lại. Một số tiểu thương cũng đã bắt đầu lấy hàng trở lại để phục vụ nhân dân sau lũ. Bà Nguyễn Thị Tuyết, ở phường Quảng Long, tiểu thương bỏ hàng sỉ cho các chợ vùng Nam thị xã Ba Đồn cho hay: nỗi lo của người dân sau lũ là giá cả tăng cao, nhưng đến giờ hàng hóa lấy vào vẫn có giá như ngày thường làm cho tiểu thương cũng như người dân bớt lo lắng hơn…

Hy vọng, việc bình ổn giá cả thị trường các mặt hàng hóa, dịch vụ, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... sẽ góp phần giúp người dân các địa phương vùng lũ nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

N.L