.

Chuyên gia: Dự thảo trao quyền tăng giá điện cho EVN ​​là trái luật?

Thứ Ba, 11/10/2016, 14:51 [GMT+7]

Nói về dự thảo quy định​ về quy chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện mới, nhiều chuyên gia tỏ ra không đồng tình một số điểm ​trong dự thảo, thậm chí cho rằng việc trao quyền tăng giá điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là không đúng luật.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước đó, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo (lần ba) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế cho Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg đang áp dụng.

Theo đó, thời gian giữa các lần điều chỉnh được rút ngắn từ 6 tháng còn 3 tháng. Biên độ để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tự quyết tăng giá điện là 3%-5% nếu các thông số đầu vào hình thành giá điện thay đổi ở mức tương ứng, thay cho 7% như trước đây.

Nhận định về những thay đổi trên, theo chuyên gia Ngô Trí Long, dự thảo có một số điểm mới, cụ thể nếu Quyết định 69/CP quy định thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu 6 tháng/lần thì dự thảo lần này quy định thời gian ít hơn và chỉ 3 tháng/lần.

Một điểm mới nữa tại dự thảo lần này quy định mức tăng tối đa mỗi năm cho giá bán lẻ điện trong thẩm quyền của EVN chỉ là 20% thay vì 40% như Quyết định 69/CP.

Cả hai nội dung sửa đổi này đều ​có hướng tích cực, bám sát được những biến động về kinh tế nhưng riêng nội dung EVN được quyền tăng giá điện từ 3-5% ​cần xem xét lại.

Chuyên gia Ngô Trí Long ​phân tích, luật giá quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh thì do Nhà nước định giá.

Trong khi đối với điện, một lĩnh vực còn độc quyền nếu trao quyền cho doanh nghiệp được điều chỉnh với biên độ từ 3-5% sẽ không phù hợp với cơ chế quản lý thị trường về giá, thậm chí việc này là sai về nguyên tắc và không phù với luật giá.

Chung nhận định này, Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng luật sư Interla) cũng cho rằng, dự thảo trao quyền tăng giá điện cho EVN ​​là không đúng luật.

Theo ông Hòe, trên góc độ kinh tế, giá điện là đầu vào của nền kinh tế nên khi điện còn độc quyền thì Chính phủ phải quyết giá để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Có thể thấy, mục tiêu điều hành giá điện nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch là một trong những yêu cầu lớn nhất mà Chính phủ và Bộ Công Thương đặt ra.

​Tuy nhiên, để đảm bảo những yêu cầu trên theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, việc dự thảo quy định mức tăng tối đa mỗi năm cho giá bán lẻ điện trong thẩm quyền của EVN là 20% cũng cần được làm rõ và khi được điều chỉnh trong biên độ này, EVN phải giải trình cụ thể dựa trên các báo cáo tài chính và thông số đầu vào liên quan đến giá điện.

“Việc EVN tăng giá điện phải dựa vào sự biến động của các thông số đầu vào chứ không phải vì lợi nhuận mà có thể tự quyền quyết định tăng giá,” chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói.

Hiện nay, Quyết định 69/CP quy định, trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ngoài phạm vi khung giá quy định, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Theo Đức Duy (Vietnam+)