.

Chuyển đổi mô hình hợp tác xã: Để không là "bình mới, rượu cũ" - Kỳ 2: Cần nâng cao tính chủ động của HTX

Thứ Ba, 11/10/2016, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Bị động, lúng túng, thậm chí là bế tắc trong việc hoạch định chiến lược phát triển khiến cho việc chuyển đổi của nhiều hợp tác xã (HTX) chỉ mang tính hình thức. Làm sao để các HTX thực sự "lột xác" hoàn toàn, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, xứng đáng với vai trò "bà đỡ" của nông dân vẫn là một câu chuyện dài.

>> Kỳ 1: "Lột xác" để đổi mới

Trước hết phải khẳng định rằng, không thể phủ nhận những đóng góp của các HTX trong thời gian dài vừa qua cho người nông dân và nền nông nghiệp ở các địa phương. Song, bên cạnh đó, công tác quản lý của HTX vẫn còn nhiều bất cập như: quy mô canh tác theo hộ cá thể, nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến khả năng chịu đựng rủi ro rất thấp, đặc biệt là hiện tượng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra, từ đó dẫn đến năng suất lao động thấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất chính là việc tổ chức sản xuất nông nghiệp còn chậm đổi mới để phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; vai trò liên kết, đầu mối chỉ đạo, tổ chức sản xuất của các HTX còn nhiều hạn chế.

Đứng trước những thách thức đó, đòi hỏi các HTX phải thực sự chủ động đổi mới, nhằm thích nghi với xu thế mới. Khác với mô hình HTX trước đây, HTX theo Luật HTX năm 2012 hoạt động nhằm mục đích tập trung mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm theo nhu cầu của thành viên. Để đạt mục đích đó, HTX phải tự chủ trong hoạt động, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho cả đối tượng không phải là thành viên.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, tính đến cuối tháng 6-2016, tỉnh ta có 150/209 HTX đã hoàn thành việc tổ chức, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, (chiếm 71,7%). Tuy nhiên, sau chuyển đổi, mô hình quản lý và chất lượng hoạt động của các HTX vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể, nếu không nói là cơ bản vẫn như cũ. Nhiệm vụ chính của các HTX vẫn là dừng ở các khâu dịch vụ đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

Hoàn thành việc tổ chức, chuyển đổi từ tháng 11-2015, thế nhưng mọi hoạt động của HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Quy Hậu, xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy) dường như vẫn dẫm chân tại chỗ. Kết quả lớn nhất của HTX này từ sau chuyển đổi là tinh giảm được bộ máy quản lý từ 11 người xuống còn 8 người. Còn về hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn giữ nguyên như cũ. Trước chuyển đổi, HTX thực hiện 8 khâu dịch vụ đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Sau chuyển đổi, cái mới mà HTX này mang lại cho bà con ở đây là thông qua nguồn tín dụng nội bộ, HTX đã hỗ trợ (bằng vốn vay ưu đãi của HTX) cho bà con mua 8 máy tuốt lúa.

Các HTX sau chuyển đổi vẫn khó giải được
Các HTX sau chuyển đổi vẫn khó giải được "bài toán" đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Thiệp, Giám đốc HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Quy Hậu thừa nhận: "HTX chỉ mới thay đổi được cái tên, còn trên thực tế để vạch ra các kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hoạt động, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, HTX vẫn chưa làm được". Chỉ nói riêng khâu tiêu thụ sản phẩm, năm 2015, HTX đã thực hiện 150ha các giống lúa chất lượng cao như: P6, TBR225, SV181,... thế nhưng, HTX cũng không đủ sức liên kết được với đơn vị nào để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Với một HTX "có tuổi" như HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Quy Hậu mà còn chật vật như vậy, thì với một HTX còn "non trẻ" như HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Dương Thủy, (Lệ Thủy) công cuộc "lột xác" này sẽ còn lắm gian nan. Ngày HTX này thực hiện việc tổ chức, chuyển đổi theo Luật HTX mới, cũng là ngày HTX này ra đời. Bởi lẽ, bấy lâu mọi hoạt động quản lý sản xuất ở địa phương đều do thôn đảm trách.

Anh Phạm Văn Chinh, Giám đốc HTX Bình Minh cho biết: "Giờ nhìn vào đâu cũng khó khăn, vướng mắc, chứ đừng nói đến việc xác định hướng đi, kế hoạch phát triển. Cũng chính vì vậy mà nhiệm vụ chủ yếu của HTX vẫn lặp lại cái "điệp khúc" là cung ứng dịch vụ đầu vào cho người nông dân”.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Trúc Ly, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh). Theo tính toán, với hơn 100ha lúa, thì sản lượng lúa gạo cho người dân nơi đây sản xuất được chỉ mới đủ tiêu thụ tại địa phương.

Do vậy, chắc chắn, người dân và HTX không phải lo ngay ngáy chuyện được mùa rớt giá hay nơi tiêu thụ. Thế nhưng, có một lợi thế khác mà người dân nơi đây rất cần đến vai trò của HTX, đó là nghề nuôi trồng thủy sản (nước ngọt và nước lợ). Qua gần 10 năm thực hiện chủ trương chuyển đổi các diện tích gieo trồng lúa 1 vụ, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, với lợi nhuận thực tế mang lại ("1 ăn 10" từ việc chuyển đổi), nghề nuôi trồng thủy sản đang phát triển mạnh ở đây.

Chính sự phát triển theo kiểu tự phát, nên việc nuôi trồng thủy sản chưa có kế hoạch, đầu ra sản phẩm vẫn theo kiểu mạnh ai nấy lo. Trong khi, HTX cũng đành "bó tay" vì không đủ khả năng để thực hiện. Ông Đoàn Văn Tiến, Giám đốc HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Trúc Ly nói: "Thú thực, HTX chưa nghĩ đến chuyện này. Mặc dù, người dân có nguyện vọng muốn HTX cung ứng các khâu dịch vụ (giống, thú y, kỹ thuật, điện...) cho đến đầu ra sản phẩm. Hiện, toàn thôn có 46ha nuôi trồng thủy sản và sắp tới sẽ còn phát triển hơn nữa. Chắc năm sau, chúng tôi sẽ thành lập một tổ nuôi trồng thủy sản để trợ giúp cho bà con".

Nói vậy để thấy được, việc đổi mới chỉ đạo, đổi mới tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX không phải là chuyện quá xa vời gì. Vấn đề đặt ra ở đây, chính là việc các HTX có nắm bắt, nhận diện được các lợi thế của địa phương hay không? Rút kinh nghiệm từ thực tế cơ sở, anh Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX sản xuất-kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy (huyện Lệ Thủy) cho rằng, để tránh tình trạng "bình mới, rượu cũ", yếu tố cơ bản đầu tiên chính là sự chủ động của chính các HTX. Hơn ai hết, chính họ phải thực sự có trách nhiệm với các thành viên trong HTX. Mạnh dạn thay đổi, mạnh dạn đổi mới trong tư duy điều hành và quản lý mới mong có được sự chuyển biến trong mọi hoạt động của HTX. 

Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, thực tế hiện nay, có nhiều HTX đang bị động, lúng túng trước yêu cầu đổi mới. Họ hoạt động nhưng không có định hướng, kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh. Một phần do tập quán sản xuất cũ, phần khác do trình độ tổ chức, quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế. Thực ra, nếu có quá nhiều khó khăn, thì các HTX phải liên kết lại với nhau để thành lập các liên hiệp HTX trong vùng, nhằm tạo nên sức mạnh tổng thể, cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Với những thực trạng đang đặt ra trong quá trình chuyển đổi HTX theo luật trên địa bàn tỉnh ta, để các HTX có thể phát huy tốt vai trò, vị thế của mình, thì bên cạnh sự chủ động, mạnh dạn của các HTX, rất cần sự quan tâm, vào cuộc chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là đối với việc xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đặc biệt hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTX phải khai thác phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thành viên nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung, cũng như yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy thì  các HTX mới có thể thực sự "lột xác" thành công và hoạt động có hiệu quả.

Dương Công Hợp