.

Chuyển đổi mô hình hợp tác xã: Để không là "bình mới, rượu cũ"- Kỳ 1: "Lột xác" để đổi mới

Thứ Hai, 10/10/2016, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mục đích đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, tập trung tháo gỡ những "nút thắt", đưa các hợp tác xã hoạt động theo đúng bản chất của mình, ngày 20-11-2012, Luật Hợp tác xã đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, đây được coi là "luồng gió mới",  là động lực để các hợp tác xã (HTX) có cơ hội "lột xác", khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong nền kinh tế quốc dân.

Có vẻ như, với một HTX có tiếng tăm như  HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong, xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy), thì việc chuyển đổi, tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012 là điều không khó khăn. Mới hoàn thành chuyển đổi từ tháng 12-2015, thế nhưng HTX này đã vạch ra định hướng, kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh rõ ràng ngay từ ngày đầu. Có được điều đó là vì HTX này vốn đã có những tiền đề từ trước.

Đó chính là những thành tựu trong công cuộc dồn điền đổi thửa, thực hiện cánh đồng mẫu lớn và việc HTX đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân từ năm 2012. Mỗi năm trên 50% sản lượng lúa của người dân nơi đây được tiêu thụ thông qua "cầu nối" liên kết giữa HTX với Công ty giống cây trồng Quảng Bình. Tuy vậy, trước xu thế mới, yêu cầu nâng tầm chất lượng hoạt động vẫn ­luôn được cán bộ, xã viên của HTX này quan tâm.

Ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX Thượng Phong cho biết, mục tiêu của HTX xã chính là lợi ích của HTX mang lại cho mỗi thành viên và cộng đồng. Nguồn lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh đều được HTX đầu tư lại cho các công trình công cộng, công trình phúc lợi phục vụ cho sản xuất. Nếu như trước đây, khâu dịch vụ là ưu tiên số một, thì nay sản xuất gắn liền với hoạt động kinh doanh, nhằm tạo nguồn vốn được Hội đồng quản trị HTX ưu tiên hơn.

Từ sau chuyển đổi, hoạt động của HTX Thượng Phong không chỉ dừng lại ở các khâu cung ứng dịch vụ nông nghiệp như: làm đất; thủy nông; cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón..., mà còn mở rộng ra một số hoạt động khác như: vệ sinh môi trường, nước sạch nông thôn, tiêu thụ sản phẩm. Với việc mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, ước tính sau chuyển đổi đến nay, lợi nhuận HTX tăng lên 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Vai trò trung tâm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ của HTX là tiền đề cho việc xây dựng chuỗi hàng hóa nông sản.
Vai trò trung tâm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ của HTX là tiền đề cho việc xây dựng chuỗi hàng hóa nông sản.

Nếu như HTX Thượng Phong chọn sự đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng hoạt động, thì HTX sản xuất-kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy, (huyện Lệ Thủy) lại chuyển trọng tâm sang chú trọng đầu tư, áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, chế biến và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Được chọn làm điểm của huyện Lệ Thủy, HTX Mỹ Lộc Thượng đã hoàn thành việc chuyển đổi vào tháng 1-2015. Việc chuyển đổi mô hình HTX, không những tổ chức lại bộ máy quản lý của HTX, mà còn tạo điều kiện cho HTX này tự chủ trong việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình.

Anh Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX Mỹ Lộc Thượng cho biết, thuận lợi của việc HTX mạnh dạn và chủ động chuyển hướng sang khâu chế biến, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân là bắt nguồn từ sự hỗ trợ của dự án SNV về việc thực hiện mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI). Từ năm 2013, cùng với việc mở rộng áp dụng canh tác lúa cải tiến trên toàn diện tích, đồng thời HTX cũng đã chủ động tìm kiếm, liên kết với các đơn vị tiêu thụ, tiến hành bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân.

"Nhưng số lượng lúa gạo tiêu thụ còn nhỏ lẻ và phụ thuộc (mỗi năm gần 200 tấn lúa). Nguyên nhân là do khâu chế biến và đăng ký nhãn hiệu để bảo hộ cho sản phẩm chưa được thực hiện. Người nông dân chúng tôi đã tạo ra được sản phẩm lúa gạo sạch, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, tại sao lại không hoàn thành nốt những khâu còn lại? Đó cũng chính là điều mà HTX chúng tôi đang hướng đến", anh Thắng chia sẻ.

Theo tính toán của anh Thắng, với sản lượng hàng năm khoảng 2.700 tấn lúa sản xuất ra thì người dân trên địa bàn tiêu thụ chỉ khoảng hơn 1.000 tấn. Như vậy, rõ ràng lượng lúa gạo người dân đưa ra bán trôi nổi trên thị trường là rất lớn. Dĩ nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc người nông dân luôn đối mặt với tình trạng bị tư thương ép giá. Phải thừa nhận rằng để người nông dân thiệt thòi là thiếu sót của chính các HTX, khi khâu đầu ra cho nông dân còn chưa được chú trọng.

Vì vậy, qua việc giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con, HTX chẳng những đã góp phần rút ngắn được khoảng cách trong khâu đầu ra, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá, mà còn đưa giá thành lúa gạo trở về đúng giá trị thực của nó (giá bao tiêu của HTX luôn cao hơn thị trường từ 3 đến 5 giá), giúp người nông dân an tâm, vững tin canh tác trên cánh đồng.

Chưa dừng lại ở đó, HTX Mỹ Lộc Thượng vừa đưa vào dây chuyền xay xát, chế biến gạo (với công suất 6 đến 7 tạ/giờ), và để rộng đường cho đầu ra của sản phẩm, hiện HTX sắp hoàn tất thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy". Điều này sẽ mở rộng cánh cửa thị trường tiêu thụ cho lúa gạo của người nông dân ở đây nói riêng và hạt gạo của xứ lúa Lệ Thủy nói chung.

Có thể nói, việc chuyển đổi HTX từ hình thức HTX dịch vụ là chủ yếu sang mô hình HTX sản xuất, kinh doanh là bước tiến mới mang tính đột phá trong hoạt động của các HTX nói trên. Hơn thế nữa, qua đó khẳng định vị thế, vai trò trung tâm của HTX trong chuỗi mắt xích sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.

Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, tổ chức lại hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012 là nhằm mục đích khuyến khích và phát triển HTX hoạt động theo đúng bản chất HTX, nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi ích của thành viên, nâng cao năng lực hoạt động của HTX. Đây còn là tiền đề cho việc xây dựng chuỗi hàng hóa nông sản, trong đó HTX được xem như là "bà đỡ", là nơi kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ.

Tuy nhiên, qua gần 1 năm thực hiện, việc chuyển đổi của phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính hình thức, chủ yếu là "thay tên, đổi họ", chứ các HTX chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể, rõ ràng, nên về lâu dài khó có thể tạo sự đột phá về chất lượng hoạt động.

Dương Công Hợp

Kỳ 2: Cần nâng cao tính chủ động của HTX