.

Nghề làm chổi đót ở Quảng Ninh

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Chỉ được xem là một nghề phụ, nhưng nghề làm chổi đót đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều hộ nông dân ở huyện Quảng Ninh. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, người làm chổi đót gặp rất nhiều khó khăn do phải chật vật tìm nguyên liệu đầu vào và nhất là đầu ra cho sản phẩm.

Khôi phục nghề thủ công từng mai một

Nhắc đến nghề làm chổi đót ở huyện Quảng Ninh, không thể không nói đến làng chổi đót Hà Kiên, xã Hàm Ninh. Đây là một trong những làng làm nghề chổi đót lâu năm của huyện. Theo ông Nguyễn Xuân Hợt (SN 1940), nguyên Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Hà Kiên trước đây cho biết, nghề làm chổi đót đã có ở làng cách đây 33 năm.

Trước đây, vào năm 1980, làng có thành lập Hợp tác xã Hà Kiên, chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ để sản xuất sang Liên Xô cũ. Đến năm 1984, Hợp tác xã mở rộng và phát triển thêm nghề làm chổi đót. Nghề thủ công mỹ nghệ, nhất là nghề chổi đót đã tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân lúc bấy giờ.

Ông Hợt kể, sở dĩ những nghề thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh là do nguồn nguyên liệu để sản xuất như mây, bông đót thời đó rất dồi dào, nhiều hộ có thể tự lên rừng khai thác bông đót về phơi khô để làm chổi. Chính vì nguồn nguyên liệu dồi dào cộng với nguồn thu nhập khá nên những hộ vốn quen làm nghề chài lưới trên sông Kiến Giang, Đại Giang cũng chuyển qua làm nghề chổi đót. Số lượng các gia đình là nghề chổi đót trong làng vì vậy tăng lên rất đông.

Tuy nhiên, một thời gian sau, do nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sang nước ngoài không còn nên nhiều hộ đành bỏ nghề và chuyển sang làm các nghề khác.

Sau một thời gian mai một, năm 1994, nghề làm chổi đót ở Hà Kiên lại được một số hộ dân khôi phục trở lại. Ông Nguyễn Văn Thuần, con ông Nguyễn Xuân Hợt, một trong những người đã khôi phục lại nghề làm chổi đót ở làng cho biết, những lúc nhàn rỗi không có việc gì làm, ông với vợ đã bàn nhau làm lại nghề chổi đót để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Sau đó ông còn được đi học lớp tập huấn về kỹ thuật nghề làm chổi đót và về mở lớp dạy nghề cho bà con trong làng.

 Nghề làm chổi đót ở 2 thôn Hà Kiên và Phúc Duệ mang lại thu nhập khá cao, nhưng người dân lại đang gặp khó khăn trong khâu nguyên liệu đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nghề làm chổi đót ở 2 thôn Hà Kiên và Phúc Duệ mang lại thu nhập khá cao, nhưng người dân lại đang gặp khó khăn trong khâu nguyên liệu đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Thuần nhớ lại, lúc mới bắt đầu khôi phục lại nghề, cả làng có 158 hộ thì đến 52 hộ làm chổi đót. Nghề làm chổi đót không chỉ tận dụng được thời gian nhàn rỗi của bà con trong thôn mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Đã có nhiều hộ kinh tế khấm khá nhờ nghề thủ công làm chổi đót này. Với gia đình ông Nguyễn Văn Thuần, ngoài thời gian làm 14ha rừng thông lấy mủ thì thời gian rảnh rỗi, lúc mưa gió hay chiều tối là ông cùng vợ lấy bông đót ra làm.

Ông cho biết, nếu chăm chỉ thì mỗi tháng trừ chi phí nguyên liệu, vợ chồng ông thu lãi 10.000.000 đồng. Tính ra nếu tận dụng thời gian và chịu khó làm thì một năm gia đình ông thu về hơn 100.000.000 đồng từ nghề phụ này.

Chật vật cả đầu vào lẫn đầu ra

Ở Quảng Ninh, không chỉ thôn Hà Kiên, mà thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh trước đây cũng hình thành và phát triển nghề làm chổi đót. Dù ra đời sau nhưng nghề làm chổi đót ở thôn Phúc Duệ phát triển không kém so với thôn Hà Kiên. Trong làng, nhiều hộ đã chọn nghề làm chổi đót là nghề chính để phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Uyên cho biết, vốn là người làng Hà Kiên sang làm dâu và mang luôn nghề làm chổi nên có kinh nghiệm, kỹ thuật làm chổi đẹp. Cao điểm có năm gia đình bà làm được 7-8 tấn chổi đót. Cũng nhờ có nghề này mà thu nhập kinh tế gia đình bà luôn ổn định.

Tuy nhiên, do số lượng các hộ gia đình làm chổi đót ở các địa phương ngày càng tăng nên việc tìm nguyên liệu đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm chổi đót cũng gặp không ít khó khăn. Theo những người dân cho hay, trước đây nguồn nguyên liệu là bông đót trong tự nhiên rất dồi dào, thế nhưng, những năm trở lại đây ngày càng khan hiếm dần. Để làm được chổi đót, nhiều hộ dân phải vất vả đi thu mua bông đót rất nhiều nơi.

Bà Uyên cho biết, để mua được bông đót bà phải vào Quảng Trị, các xã Trường Sơn, Trường Xuân để mua bông đót tươi sau đó về phơi khô để làm chổi. chị Nguyễn Thị Dị, thôn Hà Kiên tâm sự, gia đình chị và một số hộ dân trong thôn phải lặn lội sang tận Lào và các tỉnh Tây Nguyên mới thu mua được bông đót.

Nguyên liệu khan hiếm là vậy, nhưng đầu ra của sản phẩm chổi đót cũng khó khăn chẳng kém. Dù được coi là sản phẩm chổi đót có chất lượng bảo đảm, bền, đẹp và chắc chắn nhưng do phải cạnh tranh với sản phẩm chổi đót ở các địa phương khác có giá thành rẻ hơn nên chổi đót ở thôn Hà Kiên và Phúc Duệ gặp nhiều khó khăn.

Không ít hộ gia đình sau khi làm xong chổi đót phải vất vả tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Chị Dị chia sẻ: Trung bình một tháng chị làm được 300-400 chổi đót, nếu không có các thương lái đến thu mua tại nhà thì phải đem đi bán lẻ cho các cửa hàng nhỏ và một số chợ.

Do khó khăn trong việc tìm nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra, không ít hộ ở thôn Hà Kiên đã không mặn mà với nghề thủ công này nữa. Ông Thuần cho biết: Trước đây, sau khi được khôi phục, làng có 52 hộ làm nghề chổi đót, nhưng đến hiện tại thì giảm xuống chỉ còn khoảng 18-20 hộ làm. Nhiều hộ chuyển qua làm các nghề khác như nuôi tôm hoặc sang Lào làm việc. 

Nói về nghề thủ công làm chổi đót này, ông Nguyễn Giang Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Ninh cho biết: Sắp tới xã sẽ vận động thôn Hà Kiên thành lập tổ hợp tác sản xuất đót Hà Kiên để có thể tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề cập đến phương án là địa phương sẽ khuyến khích các cấp hội ở các thôn trong xã vận động người dân ưu tiên tiêu thụ sản phẩm chổi đót của làng.

Thiết nghĩ, ngoài những phương án mà chính quyền, Hội Nông dân xã đã đề cập, để có thể đưa nghề làm chổi đót ở thôn Hà Kiên, Phúc Duệ phát triển bền vững và tạo thu nhập ổn định cho bà con thì chính quyền các địa phương nên khuyến khích người dân tự trồng cây đót để có thể chủ động về nguồn nguyên liệu.

Đ.Nguyệt