.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống

Thứ Tư, 13/07/2016, 08:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Cùng với Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Bình, thành phố Đồng Hới đang tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống. Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch UBND thành phố đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên (PV): Thủ phạm gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển đã nhận trách nhiệm trước nhân dân và Chính phủ Việt Nam. Thành phố Đồng Hới thiệt hại như thế nào về kinh tế-xã hội do sự cố này, thưa ông?

- Ông Hoàng Đình Thắng: Thảm họa ô nhiễm môi trường biển để lại rất nặng nề, đặc biệt là các xã, phường ven biển: Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh. Các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nghề cá; hoạt động thương mại, kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn... bị đình trệ, tê liệt. Đời sống nhân dân đảo lộn, gặp nhiều khó khăn.

Xin dẫn ra một vài con số cụ thể: thành phố có 421 phương tiện đánh bắt phải nằm bờ. Có 421 hộ ngư dân và hàng nghìn lao động tham gia đánh bắt thủy hải sản bị ảnh hưởng. Khai thác thủy sản các tháng đầu năm đạt khá, tuy nhiên bước vào vụ khai thác chính thì sự cố môi trường biển xảy ra, nhiều tàu, thuyền không ra khơi được. Sản lượng đánh bắt chỉ đạt 39,57% kế hoạch đề ra, giảm 29,9% so với cùng kỳ. Thống kê thiệt hại ban đầu về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, kinh doanh thủy sản trên 87,8 tỷ đồng.

Thành phố du lịch bước vào mùa cao điểm du lịch lại chịu tác động của sự cố khiến lượng khách du lịch đến thành phố giảm mạnh, hệ số lưu trú ở các khách sạn đạt thấp, chỉ khoảng 30%; các nhà hàng ven biển vắng khách, nhiều nhà hàng phải ngừng hoạt động... Số lượng khách đến thành phố 6 tháng đầu năm chỉ bằng 39,1% kế hoạch đề ra; doanh thu khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch giảm 7,1% so với cùng kỳ...

Dù gặp nhiều khó khăn, ngư dân xã Bảo Ninh vẫn tiếp tục đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn khơi.
Dù gặp nhiều khó khăn, ngư dân xã Bảo Ninh vẫn tiếp tục đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn khơi.

Đó là những thiệt hại chung về tình hình kinh tế- xã hội thành phố, còn thiệt hại trong dân không thể thống kê hết. Các địa phương vùng biển tàu thuyền nằm bờ, hải sản đánh bắt về không tiêu thụ được; hoạt động kinh doanh, buôn bán hải sản ngưng trệ... tác động của ô nhiễm môi trường biển và hiện tượng hải sản chết hàng loạt hiện rõ qua cuộc sống khó khăn hàng ngày của người dân. Hàng ngàn lao động đánh bắt, dịch vụ hậu cần nghề cá không có việc làm.

- PV: Ngay khi sự cố môi trường biển xảy ra, cùng với tỉnh, thành phố Đồng Hới đã có những giải pháp như thế nào để sớm ổn định tình hình?

- Ông Hoàng Đình Thắng: Khi sự cố xảy ra, thành phố huy động tất cả các ban, ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị- xã hội và chính quyền xã, phường cùng vào cuộc chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến sự cố, đồng thời nắm bắt tâm lý, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên người dân cùng nhau đoàn kết, trên tinh thần tương thân tương ái khắc phục khó khăn; vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh để kẻ xấu lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển và thủy sản chết hàng loạt để kích động, gây rối, làm phức tạp thêm tình hình, trật tự trị an.

Một nhiệm vụ cấp bách đặt ra là huy động tất cả nguồn lực giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất. Chúng tôi nhanh chóng hỗ trợ các tàu, thuyền đánh bắt vùng ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng khai thác hải sản 2.033 triệu đồng; cấp phát 329,92 tấn gạo.

Ngoài ra, UBND thành phố trích kinh phí mua 145,45 tấn gạo hỗ trợ thêm cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng. Thực hiện phân bổ kịp thời kinh phí hỗ trợ nhiên liệu, mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên theo Quyết định 48/QĐ-TTg với số tiền 26,9 tỷ đồng; đóng mới 24 tàu cá theo Nghị định 67 với tổng trị giá 160 tỷ đồng, trong đó nguồn vay ưu đãi các ngân hàng thương mại 139,68 tỷ đồng.

- PV: Theo đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, thảm họa môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra có tác động lâu dài đến hàng chục năm, thành phố định hướng những giải pháp gì để hỗ trợ bền vững cho nhân dân bị ảnh hưởng?

- Ông Hoàng Đình Thắng: Ngày 4-7-2016, UBND tỉnh đã có cuộc họp nhằm đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển. Trên cơ sở kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố Đồng Hới đang triển khai chỉ đạo các địa phương điều tra, thống kê mức độ thiệt hại. Công tác đánh giá phải phản ánh đúng thực tế, đầy đủ, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, không bỏ sót bất kỳ một trường hợp nào, lĩnh vực nào.

Sau khi hoàn thành công tác đánh giá, trên cơ sở hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thành phố sẽ xác định những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ nhân dân phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống theo hướng bền vững. Trước mắt, tiếp tục phân bổ số tiền 197 triệu đồng UBND tỉnh cấp tạm ứng đợt 3 cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong 6 tháng đầu năm, ngư dân thành phố đưa vào sử dụng 5 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo, vận động các chủ tàu đã được phê duyệt nhanh chóng hoàn thành việc đóng tàu, sớm đưa vào khai thác, giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động khi tham gia đánh bắt xa bờ.

Thành phố cùng với tỉnh sớm có những giải pháp thiết thực tháo gỡ những khó khăn cho hệ thống các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú; đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch nhằm phục hồi lại “thương hiệu” thành phố du lịch Đồng Hới.

Đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp; đào tạo ngành nghề mới; xuất khẩu lao động... cho lực lượng lao động ngư nghiệp; lao động trong các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn dọc các bãi biển, giúp họ ổn định cuộc sống khi kinh tế biển và ngành du lịch thành phố chưa thể phục hồi.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Long (thực hiện)