.

Quảng Ninh: Nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế

Thứ Tư, 27/07/2016, 15:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của Quảng Ninh tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó đã phát huy được thế mạnh một số lĩnh vực cơ bản, góp phần duy trì và thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển.

Ngay từ đầu năm, huyện Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Trong đó, chủ động đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tận dụng thời cơ, phát huy sức mạnh nội lực, lợi thế và huy động tốt các nguồn lực cho phát triển sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng; kết hợp hài hoà giữa đầu tư phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội...

Vì vậy 6 tháng qua, dù phải đối mặt với không ít khó khăn do sự cố ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng đến một bộ phận người dân liên quan đến lĩnh vực sản xuất khai thác thủy hải sản và dịch vụ nghề cá, nhưng một số chỉ tiêu thế mạnh của Quảng Ninh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nổi bật là công tác thu ngân sách trên địa bàn tăng cao với tổng thu gần 48 tỷ đồng, đạt 74,4% dự toán năm. Một số khoản thu đạt khá như tiền thuê đất, mặt nước; phí, lệ phí trong cân đối, tiền sử dụng đất, thuế môn bài... Toàn huyện đã có 4 xã hoàn thành thu ngân sách năm 2016, là thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh, Gia Ninh và Xuân Ninh.

 Phong trào chăn nuôi ở Quảng Ninh tiếp tục phát triển, đàn gia súc gia cầm ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.
Phong trào chăn nuôi ở Quảng Ninh tiếp tục phát triển, đàn gia súc gia cầm ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển; trong đó, trồng trọt và chăn nuôi phát triển mạnh và trở thành ngành kinh tế chủ đạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, giảm nghèo cho nhân dân. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo công tác phòng ngừa, khắc phục ảnh hưởng của diễn biến thời tiết bất thường, làm tốt nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, do vậy năng suất, sản lượng lương thực cơ bản ổn định.

Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt 7.115 ha, bằng 99,34% so cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực trên 32.000 tấn, đạt 102,3% KH, trong đó lúa 31.456,5 tấn, ngô 729 tấn. Diện tích gieo cấy vụ hè - thu toàn huyện là 3.249ha, đạt 108,3% KH; đã chuyển đổi được 23ha diện tích cây trồng phù hợp với thời tiết và chân đất địa phương theo dự định. UBND huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn nông dân phòng, trừ sâu bệnh, ốc bươu vàng hại lúa, bảo đảm cho lúa hè- thu đạt năng suất, sản lượng và đúng thời vụ.

Nhờ thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nên chất lượng và số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn ngày càng tăng. Đến nay, Quảng Ninh có tổng đàn trâu 4.352 con, đàn bò 7.018 con, đàn lợn 27.932con, đàn gia cầm 374.806 con. Công tác phòng ngừa, khống chế dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được chú trọng; việc triển khai tiêm phòng vắc - xin được thực hiện đồng bộ. Hiện nay huyện đã hoàn thành tiêm phòng đợt 1 và đang tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin đợt 2 trong năm.

Kinh tế lâm nghiệp cũng góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn. Toàn huyện đã trồng mới được 207,4 ha rừng tập trung, chủ yếu là cây keo (trong đó, các tổ chức trồng 76,9 ha; hộ gia đình 130,5 ha), nâng tỷ lệ độ che phủ lên 87%; khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 2.000m3. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 6 tháng đầu năm có giá trị sản xuất đạt 374,872 tỷ đồng, bằng 106,15% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành tăng cao như: sản xuất hàng may mặc tăng 52,12%, chế biến thực phẩm đồ uống (rượu, nước uống đóng chai) tăng 12,73%, khai thác vật liệu xây dựng tăng 19,17%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Quảng Ninh vẫn tồn tại một số hạn chế cần sớm được khắc phục, đó là: một số khoản thu ngân sách đạt thấp; công tác quản lý đất đai một số xã chưa chặt chẽ, ý thức bảo vệ môi trường còn hạn chế; chất lượng giáo dục một số mặt thiếu vững chắc; cải cách hành chính một số xã, thị trấn, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; nạn trộm cắp tài sản, tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp.

P.V