.

Phát triển kinh tế trang trại, gia trại: Hướng làm giàu bền vững ở Quảng Trạch

Thứ Tư, 27/07/2016, 13:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều năm trở lại đây, kinh tế trang trại, gia trại đã khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn. Một trong những địa phương đang có phong trào phát triển kinh tế trang trại, gia trại hiệu quả phải kể đến huyện Quảng Trạch.

Huyện Quảng Trạch hiện nay có 27 trang trại và hàng trăm gia trại. Diện tích đất sử dụng để phát triển sản xuất của các trang trại hiện có 192,3 ha; trong đó, tổng diện tích đất trồng cây hàng năm của trang trại là 39,2 ha, tổng diện tích trồng cây lâm nghiệp là 107,5 ha, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 41,2ha...

Theo lời giới thiệu của ông Mai Văn Sửu, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Quảng Trạch, chúng tôi đến thăm gia trại cây ăn quả của anh Trần Văn Hợi ở xã Quảng Tiến. Với diện tích 1,5 ha, anh Hợi đã cho trồng rất nhiều loại cây ăn quả hứa hẹn cho hiệu quả cao như: ổi không hạt, bưởi da xanh, mít tố nữ, xoài chu, dứa...

Hiện nay các loại cây ăn quả trên phát triển tốt, cho quả sai và bước đầu cho thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt trang trại tổng hợp của anh Đậu Trọng Tuất ở thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, mỗi kỳ thu hoạch được 5-8 tấn cá, trồng lúa 2 vụ, nuôi vịt thịt... mỗi năm trừ các khoản chi phí cho lãi ròng hơn 500 triệu đồng; gia trại của anh Nghĩa ở xã Quảng Phú, mỗi năm có nguồn thu từ nuôi tôm, cá, vịt, lúa, gà, ngan... khoảng 850 triệu đồng/năm.

Vườn cây trĩu quả của ông Phan Văn Ngại ở xã Quảng Tiến (Quảng Trạch).
Vườn cây trĩu quả của ông Phan Văn Ngại ở xã Quảng Tiến (Quảng Trạch).

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều địa phương của huyện Quảng Trạch như xã Quảng Tiến, Quảng Châu, Quảng Phú, Quảng Tùng, Quảng Hợp...đã phát triển kinh tế trang trại gắn với thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như chăn nuôi lợn xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản...

Bên cạnh việc được hưởng các chính sách ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ giá giống, công tác thú y theo các chương trình dự án của tỉnh, huyện, các chủ trang trại đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn và đưa vào sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao như bò thịt, lợn siêu nạc, cá rô phi đơn tính, cá chép lai, lúa chất lượng cao... Nhờ đó số lượng trang trại trên địa bàn tăng lên nhanh chóng. Tổng doanh thu của các trang trại trên địa bàn trong năm 2015 đạt khoảng 50 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt trên 10 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Sỹ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch cho biết: Phát triển chăn nuôi và kinh tế trang trại là chủ trương lớn của huyện nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các vùng tập trung sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trong quá trình phát triển, một số trang trại đã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp về kỹ thuật chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như trang trại của anh Phan Thanh Nhàn ở xã Quảng Tiến, ông Mai Văn Nga ở xã Quảng Xuân, anh Tính ở xã Quảng Tùng (Quảng Trạch)... đã liên kết với nhiều công ty, nhà hàng, tiểu thương... trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm.

Trong quá trình liên kết sản xuất, nhất là trong chăn nuôi, phía công ty liên kết sẽ đảm nhiệm việc cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và bao tiêu sản phẩm; phía các trang trại tạo dựng cơ sở vật chất, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ mối liên kết bền vững nên hằng năm sau khi trừ chi phí mỗi trang trại, gia trại này có lợi nhuận trung bình từ 300 - 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, mở mang thêm diện tích đất trống đồi núi trọc, đất hoang hoá nhất là ở vùng miền núi; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung. Đặc biệt, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu cho nông dân.

Những năm gần đây, đồng hành cùng các chủ trang trại, gia trại, UBND huyện Quảng Trạch đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển loại hình kinh tế quan trọng này. Việc hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại được lồng ghép, thông qua các chương trình như: chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới,...

Theo ông Lê Tiến Sỹ, để tạo ra sự bền vững trong phát triển nông nghiệp nói chung, trang trại nói riêng, thời gian tới, Quảng Trạch tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại; đẩy nhanh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình theo quy hoạch; tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi...

Mặt khác, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, thuỷ lợi,... ở các vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, đồng thời hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho các chủ trang trại, lao động trang trại để quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho khu vực trang trại; tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn định hướng đến năm 2020 làm cơ sở huy động nguồn lực và chỉ đạo hỗ trợ các trang trại...

Hiền Phương