.

Mở rộng diện tích lúa hè-thu ở Lệ Thủy: Bài toán chưa có lời giải thỏa đáng

Thứ Sáu, 17/06/2016, 15:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Huyện Lệ Thủy đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có diện tích lúa hè - thu đạt trên 4.000 ha. Để hướng tới mục tiêu này, những năm qua huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, HTX trên địa bàn. Thế nhưng, vụ hè-thu năm 2016 này, toàn huyện Lệ Thủy cũng chỉ gieo được 1.076 ha lúa, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tỉnh giao và đạt chưa tới 50% kế hoạch huyện đề ra.

Vụ sản xuất hè-thu năm 2016, bộ giống được huyện Lệ Thủy chọn để đưa vào đồng ruộng là loại giống ngắn ngày có năng suất chất lượng cao như: PC6, SV181, Bắc Thơm 7,  HT1, Xuân Mai, Khang Dân 18, nếp IJ352...có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày nhằm thu hoạch gọn trước 5-9 để tránh lũ lụt. Đi liền đó, UBND huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất vụ lúa hè - thu theo hướng mở rộng diện tích như: hỗ trợ đại trà 3.000 đồng/kg giống lúa, 100% chi phí thuốc diệt chuột 2 đợt bằng RatK2%.

Với diện tích chuyển từ lúa tái sinh sang sản xuất hè - thu sẽ hỗ trợ 100% tiền giống cùng thuốc diệt chuột, ngoài ra còn được hỗ trợ thêm mỗi ha 3 triệu đồng để mua dụng cụ như: lưới, bạt ngăn chuột.

Theo hướng dẫn lịch thời vụ của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, đến ngày 3-6 là khép lại lịch gieo cấy vụ hè - thu, nhưng toàn huyện chỉ gieo được 1.076 ha trong tổng số 2.104 ha kế hoạch, chỉ đạt chưa tới 50% chỉ tiêu. Chỉ có 7 xã vùng ven thực hiện gieo cấy vụ hè - thu là: Mai Thủy 194 ha, Tân Thủy 220 ha, Thái Thủy 142 ha, Phú Thủy 110 ha, Sen Thủy 52 ha, Trường Thủy 30 ha, Văn Thủy 86 ha.

Để chuẩn bị cho vụ hè - thu năm 2016, công tác xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng xã được tiến hành từ tháng 11 năm trước. Đích thân Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Bảo dự họp với toàn thể cán bộ cốt cán từ đội trưởng đội sản xuất trở lên của xã Lộc Thủy và Xuân Thủy nhằm quyết tâm thực hiện đạt từ 120-150 ha lúa hè - thu ở mỗi xã.

Tại hội nghị này, các chính sách hỗ trợ được đề cập chi tiết, các yếu tố thời vụ, bố trí mùa vụ đông - xuân liên quan đến hè - thu; bài toán hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội được đưa ra đong đếm...và đi tới quyết tâm mỗi xã phải đạt ít nhất trên 100ha lúa.

Thu hoạch lúa ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: P.V
Thu hoạch lúa ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: P.V

Thế nhưng, do câu hỏi ai tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vẫn chưa tìm được câu trả lời, nên kết quả là vụ hè - thu 2016 này xã Lộc Thủy và Xuân Thủy vẫn không gieo cấy theo kế hoạch, quyết tâm đã đề ra nhằm góp phần cùng các địa phương khác phấn đấu hoàn thành mục tiêu của huyện: đến năm 2020 toàn huyện có trên 4.000 ha lúa hè - thu.

Chúng tôi đã có cuộc khảo sát về việc chuyển đổi mô hình HTX nông nghiệp theo luật mới, những HTX đã đại hội chuyển đổi ở Lệ Thủy chỉ có HTX Mỹ Lộc Hạ (xã An Thủy) là có đưa vào phương án phấn đấu bao tiêu cho nông dân ít nhất 30% sản lượng lúa; HTX Mỹ Lộc Thượng cũng của xã An Thủy có đề ra tiêu chí tiêu thụ, nhưng chỉ chung chung (năm 2015, HTX Mỹ Lộc Hạ tiêu thụ cho nông dân trên 250 tấn, HTX Mỹ Lộc Thượng tiêu thụ gần 250 tấn).

Những HTX còn lại, không có tiêu chí này. Tại cuộc họp ở xã Lộc Thủy tháng 11-2015 có Chủ tịch UBND huyện tham dự như đã nói trên, không ít ý kiến đã đề cập đến tình trạng cán bộ HTX tìm đến các doanh nghiệp, kể cả Cục dự trữ Quốc gia để bán thóc nhưng không nhập được, trong lúc tư thương vẫn nhập được.

Và tại hội nghị đầu bờ về giống lúa siêu nguyên chủng VN 20 tại HTX Mỹ Lộc Thượng xã An Thủy ngày 7-6-2016 mới rồi, Giám đốc HTX Mỹ Lộc Thương Võ Văn Thắng báo cáo với Chủ tịch UBND huyện tình trạng  “ngăn sông cấm chợ” trong thị trường thóc gạo vẫn diễn ra, nông dân bị tư thương ép giá. Rõ ràng, thị trường vẫn là chìa khóa để giải bài toán này.

Vậy cách giải như thế nào? Trước hết, cần khẳng định cây lúa vẫn là nguồn thu chủ đạo, căn bản của nông dân một huyện thuần nông như Lệ Thủy. Cây lúa Lệ Thủy không phải là lợi thế làm giàu, nhưng vẫn là cây trồng thoát nghèo của nông dân. Những năm gần đây, hàng năm Lệ Thủy sản xuất trên dưới 67 ngàn tấn thóc.

Cân đối nhu cầu lương thực trên địa bàn, cứ lấy bình quân mỗi người sử dụng 10kg gạo/tháng, thì lượng thóc dôi ra trên 40 ngàn tấn, một con số không nhỏ. Lúa gạo đã khó tiêu thụ lại bị tư thương ép giá nên nông dân không mặn mà với vụ lúa hè -  thu. Làm lúa vụ này đòi hỏi đầu tư tương đương với vụ đông - xuân, năng suất lại thấp hơn nhiều, bấp bênh với thời tiết, sâu bệnh, chuột... thu hoạch vào trong lúc lúa đông - xuân chưa bán hết, càng bị ép giá.

Trong lúc ấy, làm vụ lúa tái sinh chỉ cần một đợt bón thúc, tưới 2 đợt nước, nếu bị sâu bệnh chỉ một lần phun thuốc diệt trừ là có thu hoạch. Lúa tái sinh rất dễ tiêu thụ lại được giá, chính vì thế nông dân không mặn mà với làm lúa hè - thu dù được hỗ trợ đáng kể như đã nêu trên.

Mặt khác, khi ruộng đất đã chia theo Nghị định 64/CP của Chính phủ thì người nông dân hoàn toàn có quyền làm chủ trên phần ruộng của mình, miễn là không vi phạm các điều khoản về quản lý đất đai; các cấp quản lý không thể áp đặt chỉ tiêu, kế hoạch theo mệnh lệnh. Vì thế mới có chuyện, cán bộ cốt cán 2 xã Lộc Thủy, Xuân Thủy đều đã nhất trí với chủ trương của huyện, nhưng khi về triển khai trong xã viên, đa số nông dân không chấp nhận nên xã, HTX đành chịu. Cán bộ, đảng viên dù gương mẫu đến đâu cũng không thể làm được vụ hè - thu, bởi “làm ruộng thì phải theo làng”.

Trở lại vấn đề bao tiêu sản phẩm cho nông dân, dù các HTX đã chuyển đổi theo luật, nhưng Hội đồng quản trị tìm đâu ra mối liên kết để tiêu thụ sản phẩm?. Mặt khác, lượng lúa gạo dư thừa dù khá lớn, nhưng cũng chưa đủ lớn để chế biến xuất khẩu; chất lượng hạt gạo của Lệ Thủy cũng khó đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Vì vậy, để tiêu thụ được sản phẩm cho nông dân, Lệ Thủy phải có lúa gạo ngon, chất lượng cao. Công tác này đang được huyện nỗ lực thực hiện. Và nên chăng, cần nghĩ đến phương án chế biến gạo quy mô liên hộ, chứ không chỉ nhỏ lẻ theo hộ như hiện nay, đồng thời từ thóc gạo chế biến thành thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm theo dạng công nghiệp. Một thực tế hiện nay là chăn nuôi gà, vịt, lợn, tôm cá ngày càng phát triển, việc có một nhà máy chế biến thức ăn quy mô nhỏ hoặc vừa ở Lệ Thủy cũng đáng đặt ra.

Bên cạnh đó, để sản xuất lúa trở thành hàng hóa, phải sản xuất tập trung trên cánh đồng lớn, nhưng ở Lệ Thủy việc dồn điền đổi thửa chỉ tập trung ở vài địa phương và chưa có hộ nào đạt nổi một ha một thửa, chưa nói đến để sản xuất lớn cần phải tích tụ hàng chục ha. Chính những yếu tố này cũng làm cản trở tầm nhìn của người nông dân trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Tấn Phước

(Đài TT-TH Lệ Thủy)