.

Cú hích từ một dự án

Thứ Hai, 06/06/2016, 07:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ một xã nghèo có nhiều diện tích đất bạc màu, trình độ canh tác còn thấp và chưa có sự liên kết để làm ăn, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới trong toàn xã còn 51% và cận nghèo là 17%, nhưng hiện nay diện mạo kinh tế-xã hội của xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch đang chuyển mình khi được Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (viết tắt là SRDP) đầu tư xây dựng.

Lâm Trạch nằm ở phía Tây huyện Bố Trạch, là xã nghèo thứ 3 của huyện sau 2 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số là Tân Trạch và Thượng Trạch. Hiện xã Lâm Trạch có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.792 ha, trong đó đất lâm nghiệp 2.200ha. Toàn xã được chia làm 7 thôn, gồm 966 hộ với 4.048 nhân khẩu.

Xã Lâm Trạch có địa hình như một thung lũng, bốn phía toàn núi, chỉ có một con đường độc đạo đi vào xã và giao thông đi lại rất trắc trở. Đặc biệt, tại hai tuyến đường chính đi vào vùng đất sản xuất nông nghiệp, trồng rừng của xã chỉ là đường có lối mòn cho người đi lại, các phương tiện giao thông không tham gia được vì lầy lội.

Để đưa phân bón, cây giống vào được vùng sản xuất này, người dân phải gánh từng gánh trên vai đi qua những con đường gập ghềnh. Nhất là ở một vài điểm trên tuyến đường lại không có cống, về mùa mưa lũ các vùng dân cư gần như chia cắt. Thậm chí có những gia đình khi có người chết phải để trong nhà 3 - 4 ngày chờ nước xuống mới đưa tang được. Có thể nói, giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn Lũy, một hộ trồng rừng ở thôn 3, xã Lâm Trạch cho biết: “Gia đình tôi có trồng 10 ha rừng thông và keo đã đến kỳ khai thác. Trước đây, khi đi khai thác rừng sản xuất gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong vùng có diện tích đất trồng rừng tại hai thôn 3 và 5 phải đi bộ khoảng 1 cây số để vận chuyển toàn bộ mọi thứ ra đến bến, nơi xe Cửu Long tập kết thu mua.

Những con đường “huyết mạch” đưa vào sử dụng góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nghèo Lâm Trạch.
Những con đường “huyết mạch” đưa vào sử dụng góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nghèo Lâm Trạch.

Đường đi thì nhỏ, hai bên chật hẹp, mùa hè thì bụi, mùa mưa thì lầy bẩn, trơn trượt, đi lại khó khăn. Nếu các tuyến đường này được làm thì người dân sẽ giảm được chi phí và từ đó số tiền người dân chúng tôi bán được từ rừng có thể lãi được khoảng trên 5 triệu đồng/ha”.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Toan cũng có 7ha thông, keo, lạc trồng tại thôn 3 này, chị Toan chia sẻ: “Gia đình nào có nhân lực thì còn đỡ vất vả chứ thiếu nhân lực như gia đình tôi, có khi phải thuê người. Chỉ tính riêng các chi phí phụ thôi cũng khá tốn kém. Trồng được rừng đã vất vả, đến ngày thu hoạch càng vất vả hơn do vậy thu nhập ít đi vì phải chi phí quá nhiều...”.

Trước những khó khăn, bất cập của địa phương, cuối năm 2015 xã Lâm Trạch được dự án SDRP phê duyệt đầu tư 2 tuyến đường vào trung tâm vùng sản xuất thuộc thôn 3 và thôn 5 của xã với tổng kinh phí được hỗ trợ từ dự án là 1,744 tỷ đồng.

Trong đó, tuyến đường thứ nhất vào rừng sản xuất và ngầm tràn ở thôn 3 được đầu tư với tổng giá trị 859 triệu đồng; tuyến đường thứ 2 vào rừng sản xuất và ngầm tràn ở thôn 5 được đầu tư với tổng giá trị 844 triệu đồng. Đầu tháng 9 năm 2015 hai tuyến đường vào trung tâm sản xuất rừng và cây trồng của Lâm Trạch bắt đầu được thi công và cuối năm 2015 những tuyến đường này đã thông, đưa vào sử dụng.

Mặc dù thời gian đưa vào sử dụng chưa bao lâu nhưng bước đầu đã góp phần phục vụ bà con đi lại sản xuất rất thuận lợi, từ chỗ phải gánh từng gánh phân bón, giống... nay đã vận chuyển được bằng xe cơ giới, bà con đi làm mùa, đi khai thác nhựa thông bằng xe máy  góp phần giúp bà con thông thương thuận lợi.

Bà Lê Thị Vân Hồng, Giám đốc Dự án SDRP tỉnh cho biết: “Ngay từ những ngày đầu xã Lâm Trạch tham gia dự án chúng tôi đã tiến hành hỗ trợ tập huấn cho bà con về cách lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm; cách nghiên cứu các ngành hàng tiềm năng trên địa bàn; chiến lược phát triển lâu dài và cách xác định các chuỗi giá trị cần hỗ trợ đầu tư phát triển cho xã nhà. Trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội cho xã, tiếp đó là tập trung phát triển vùng kinh tế như: trồng cây keo, thông, tràm, lạc và chăn nuôi tập trung chủ yếu nuôi gà, bò...”.

Để phát huy thế mạnh của 2 tuyến đường vào vùng sản xuất nông lâm sản của xã, UBND xã Lâm Trạch đang có kế hoạch quy hoạch “sầm uất” 2 tuyến đường này. Cụ thể: tiếp tục quy hoạch thêm vùng chăn nuôi, đồng thời tiến hành đấu thầu đất ở tại 2 khu vực trên nhằm khép kín vùng phát triển kinh tế. Đầu năm 2016, xã Lâm Trạch đã thành lập được 1 tổ hợp tác chăn nuôi và tham gia đề xuất tiểu dự án đầu tư nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA).

Qua các bước đánh giá và thẩm định tại các hộ thành viên của tổ, Dự án SRDP đã ký kết hợp đồng tài trợ đầu tư 1 tiểu dự án CSA cho Tổ hợp tác nuôi gà liên kết với doanh nghiệp với tổng kinh phí là 342 triệu đồng, trong đó vốn từ Dự án SRDP là 167 triệu đồng. Hiện tại bà con đã đưa gà về nuôi và có hợp đồng kinh tế bao tiêu sản phẩm (đầu ra và đầu vào) với doanh nghiệp Hải Dương ở thành phố Đồng Hới.

Chị Đoàn Thị Thảnh, một tổ viên của Tổ hợp tác nói: “Trước đây gia đình tôi cũng đã tham gia chăn nuôi gia cầm nhưng với số lượng đang còn ít. Từ khi tiếp nhận dự án, có được thêm vốn để đầu tư đến nay số lượng gà thường xuyên có trong chuồng xê dịch khoảng 300 con. Đường sá giao thông thuận lợi, lại có thêm cơ hội hỗ trợ làm kinh tế, chúng tôi không phải lo đầu ra hay đầu vào, nên rất phấn khởi”.

Ông Nguyễn Sĩ Phúc, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch phấn chấn: Có thể nói, những con đường bê tông được Dự án SRDP đầu tư xây dựng cho địa phương đã mở ra một “kỷ nguyên mới” cho hơn 4.000 người dân nơi đây. Đường hình thành đã giúp cho việc đi lại thuận tiện, rút ngắn thời gian. Nhưng quan trọng hơn hết là khi hoàn thành thì những trở ngại trong phát triển kinh tế của xã sẽ được xóa dần.

Trong đó, việc vận chuyển hàng như nông sản, lâm sản của người dân giữa các vùng, miền thuận lợi hơn. Giá nông sản cũng sẽ cao hơn so với trước kia. Hy vọng những tuyến đường mới sẽ là động lực để trong thời gian tới Lâm Trạch “cất cánh”.

Hiền Phương