.

Bảo đảm thực hiện thắng lợi Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản

Thứ Hai, 20/06/2016, 09:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp tổ chức thực hiện Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, bắt đầu tiến hành từ ngày 1-7-2016, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Quốc Lợi, Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tỉnh về những nội dung liên quan.

- P.V: Trước hết, xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra lần này?

- Đồng chí Trần Quốc Lợi: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 được thực hiện theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đáp ứng 3 mục đích, ý nghĩa chính sau:

Thứ nhất, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương;

Thứ hai, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn;

Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và nông thôn phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác.

- P.V: Nội dung chính của cuộc Tổng điều tra bao gồm những vấn đề gì?

- Đồng chí Trần Quốc Lợi: Nội dung của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tập trung vào 3 nhóm thông tin chính sau:

Thứ nhất: Nhóm thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp bao gồm: (1) Đơn vị sản xuất và lao động gồm: Số lượng đơn vị sản xuất (hộ, trang trại); số lao động và cơ cấu lao động phân theo giới tính, tuổi, ngành hoạt động, trình độ chuyên môn, hình thức làm việc; sử dụng thời gian lao động. (2) Tư liệu sản xuất gồm: Đất đai; máy móc, thiết bị; gia súc, gia cầm; khoa học, công nghệ. (3) Hoạt động trợ giúp cho sản xuất gồm: Thông tin về hoạt động hỗ trợ sản xuất; thông tin thị trường đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. (4) Các thông tin cần thiết khác gồm: Thông tin về liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo quản sản phẩm; tiêu dùng các sản phẩm nông sản chủ yếu; phát triển kinh tế trang trại; tác động của sản xuất nông nghiệp tới môi trường,..

Thứ hai: Nhóm thông tin về nông thôn bao gồm: Thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu hộ và lao động nông thôn; thực trạng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; vệ sinh môi trường nông thôn và các thông tin cần thiết khác: Tổ hợp tác và làng nghề, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của UBND xã;...

 Có khoảng 70% người dân sống ở vùng nông thôn trong tỉnh.
Có khoảng 70% người dân sống ở vùng nông thôn trong tỉnh.

Thứ ba: Nhóm thông tin về cư dân nông thôn bao gồm: Thông tin phản ánh điều kiện sống của cư dân nông thôn; thông tin về tích luỹ và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của cư dân nông thôn; thông tin về đào tạo nghề, nhu cầu chuyển đổi, đào tạo nghề nghiệp của lao động nông thôn và kết quả thực hiện các chính sách khác ở nông thôn; thông tin cơ bản của một số chức vụ lãnh đạo xã,...

- P.V: Được biết, kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản phụ thuộc rất lớn đến sự phối hợp cung cấp thông tin và trả lời đầy đủ chính xác các câu hỏi của hộ dân với cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, xin đồng chí cho biết trách nhiệm của hộ dân đối với cuộc Tổng điều tra lần này?

- Đồng chí Trần Quốc Lợi: Tại Điều 33 Luật Thống kê năm 2015 (được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 23-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016) đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê. Theo đó, trách nhiệm của hộ dân trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản lần này là: Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê; không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê; chịu sự kiểm tra của điều tra viên, tổ trưởng điều tra, giám sát viên và Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp về thông tin đã cung cấp.

Tuy nhiên, để hộ dân (đối tượng cung cấp thông tin) thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đúng quy định thì vấn đề phối hợp giữa điều tra viên và hộ dân phải được thực hiện một cách đồng bộ về thời gian gặp phỏng vấn, khoa học về trình tự phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, tránh gây khó khăn cho mỗi bên. Để đạt được yêu cầu đó, hai nội dung cơ bản cần quan tâm là:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền phải được thực hiện sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú để các đối tượng cung cấp thông tin hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và nội dung của cuộc Tổng điều tra;

Thứ hai, điều tra viên được phân công phụ trách địa bàn điều tra là người trực tiếp khai thác thông tin cần thực hiện đầy đủ, khoa học Quy trình phỏng vấn do Trung ương quy định như: Khảo sát trước địa bàn điều tra; cách thức tiếp cận hộ; giới thiệu ngắn gọn mục đích yêu cầu; không được thay đổi nội dung câu hỏi; bảo đảm tính khách quan trong quá trình phỏng vấn; không suy diễn khi gặp trường hợp đặc biệt; ghi chép chính xác, cẩn thận; xử lý tốt tình huống thường gặp; bảo đảm tính bảo mật và an toàn của thông tin....

Tôi tin rằng nếu thực hiện tốt hai vấn đề cơ bản này, người cung cấp thông tin sẽ cung cấp đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của điều tra viên, chất lượng ghi phiếu sẽ đạt hiệu quả cao.

- P.V: Xin đồng chí cho biết để cuộc Tổng điều tra lần này đạt kết quả tốt cần có điều kiện gì?

- Đồng chí Trần Quốc Lợi: Cuộc Tổng điều tra lần này có quy mô lớn, phạm vi rộng, nhiều nội dung, nhiều đối tượng cung cấp thông tin. Do đó, để thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh ta thì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội là động lực quan trọng, cần thiết. Với cương vị là Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, tôi xin nêu một số nội dung cơ bản phải được quan tâm trong cuộc Tổng điều tra lần này như sau:

Trước hết, phải làm tốt công tác tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, để các đối tượng được điều tra (nhất là các hộ gia đình) hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và nội dung cuộc Tổng điều tra. Từ đó, các đối tượng sẽ cung cấp các thông tin một cách trung thực, khách quan, đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và điều tra viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nội dung tuyên truyền được quy định thống nhất. Tài liệu tuyên truyền được Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương cung cấp và được chuyển tải kịp thời đến các xã, thôn, bản và các địa bàn điều tra trước thời điểm điều tra vào ngày 1-7-2016.

Hai là, Ban Chỉ đạo các cấp phải tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ đúng quy trình hướng dẫn. Đặc biệt quan tâm các lớp tập huấn cấp huyện, đây là lớp tập huấn cho lực lượng điều tra viên và tổ trưởng, đối tượng tập huấn là người trực tiếp khai thác thông tin nên phần lớn quyết định đến chất lượng kết quả cuộc Tổng điều tra. Yêu cầu nội dung tập huấn phải hết sức cụ thể, đủ thời gian, có làm bài kiểm tra để đánh giá chất lượng học viên, học viên nào đạt tiêu chuẩn mới chọn làm điều tra viên và tổ trưởng điều tra.

Ba là, trong quá trình triển khai thu thập thông tin ở cơ sở, Ban Chỉ đạo các cấp cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát để theo dõi nắm tình hình, uốn nắn kịp thời những thiếu sót, lệch lạc, đảm bảo chất lượng ghi phiếu và tiến độ điều tra...

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng!

P.V (thực hiện)