.

Tích cực hỗ trợ ngư dân

Thứ Sáu, 06/05/2016, 07:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Để góp phần khắc phục hậu quả tình trạng hải sản chết hàng loạt thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực cố gắng ổn định đời sống cho ngư dân như: trích ngân sách cấp gạo, tiền mặt hỗ trợ cho ngư dân các xã ven biển, thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng cá biển chết không rõ nguồn gốc; bảo đảm ổn định về an ninh trật tự...

Nỗ lực để ngư dân sớm trở lại vùng "biển gần"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với vùng biển gần (vùng từ 20 hải lý trở vào), mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ. Theo đó, các mẫu nước được quan trắc, phân tích đều đạt quy chuẩn và phù hợp với kết quả quan trắc, phân tích do Trung tâm Quan trắc môi trường-Tổng cục Môi trường thực hiện được công bố tại Công văn số 274/QTMT ngày 29-4-2016.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trên cơ sở kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ bảo đảm an toàn cho hoạt động của con người, những ngày tới, sở sẽ tích cực phối hợp, chỉ đạo các địa phương... nghiêm túc thực hiện đúng tinh thần Công văn số 3441/BNN-TCTS về việc hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung bộ của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Cụ thể, Sở đã yêu cầu, chỉ đạo các địa phương, người dân tuyệt đối không sử dụng sản phẩm hải sản chết bất thường làm thực phẩm cho con người hoặc chế biến làm thức ăn cho vật nuôi; tiến hành thu gom và vận chuyển hải sản chết đến nơi chôn lấp đã được chuẩn bị sẵn.

Hoạt động thu mua cá đang diễn ra tấp nập tại cảng cá Sông Gianh.
Hoạt động thu mua cá đang diễn ra tấp nập tại cảng cá Sông Gianh.

Nơi chôn lấp hải sản phải cách xa và không làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu du lịch...; phải xử lý bằng cách bổ sung hoá chất (như vôi bột, các loại hoá chất chuyên dụng, được phép dùng trong nuôi trồng thuỷ sản). Yêu cầu người dân khi có hải sản khai thác được cơ quan chức năng xác định không an toàn thực phẩm phải tiêu huỷ ngay...

“Sắp tới chúng tôi sẽ chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hàng ngày phải lấy mẫu giám sát sản phẩm hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở vào từ đó làm cơ sở trình cấp trên xem xét và sớm công bố vùng đánh bắt hải sản an toàn. Khi phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, Chi cục phải báo cáo ngay cho Sở, UBND tỉnh để có biện pháp tiêu hủy, hỗ trợ cho ngư dân theo quy định và khuyến cáo ngư dân không tiếp tục khai thác tại vùng biển có mẫu phát hiện không đạt yêu cầu” - ông Khoa cho biết thêm.

Gỡ khó cho ngư dân vươn khơi

Có mặt tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua, chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các lực lượng chức năng trong việc tạo mọi điều kiện để các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ khi cập cảng có thể tiêu thụ sản phẩm đánh bắt được. Ngoài việc thực hiện thủ tục xác nhận cho các tàu đánh bắt xa bờ do cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện, sản phẩm thủy sản đánh bắt được từ các tàu khai thác xa bờ này cũng được cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xác định, lấy mẫu gửi cơ quan chức năng kiểm định và sớm có kết luận chính xác mức độ an toàn. Nhờ vậy, trong những ngày qua, cơ bản sản phẩm thủy sản đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh ta đều được tiêu thụ hết. Đây chính là động lực để giúp ngư dân tỉnh ta tiếp tục tự tin vươn khơi đánh bắt thủy sản.

Cũng theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, ngoài việc bố trí cán bộ trực tiếp bám sát các cảng biển trên địa bàn tỉnh để thực hiện các thủ tục cần thiết như đã nói ở trên, Sở đã chỉ đạo cử 1 tổ công tác vào Đà Nẵng, túc trực 24/24 giờ tại các cảng cá để làm thủ tục xác nhận cho các tàu đánh bắt xa bờ theo yêu cầu của ngư dân tỉnh ta khi cập cảng tại đây. Khó khăn là điều không tránh khỏi, nhất là trong thời điểm toàn tỉnh dốc sức hỗ trợ ngư dân trước thực trạng cá biển chết hàng loạt.

Tuy nhiên, hầu hết cán bộ của đơn vị khi được giao nhiệm vụ đều xác định rõ trách nhiệm trước dân và hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

Thông tin từ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, đến 15 giờ ngày 5-5-2016 cho biết: Đơn vị đã hoàn tất việc xác nhận cho 56 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân với tổng sản lượng hơn 200 tấn. Trong đó, tại Đà Nẵng, tổ công tác của Chi cục đã tiến hành xác nhận cho 3 trường hợp tàu đánh bắt xa bờ tỉnh ta cập cảng tại đây theo yêu cầu của ngư dân với tổng sản lượng khoảng hơn 10 tấn. Hầu hết sản phẩm thủy sản đánh bắt được của ngư dân đều đã tiêu thụ hết.

Qua theo dõi hoạt động hỗ trợ ngư dân của các lực lượng liên quan tại một số cảng cá trên địa bàn tỉnh thời gian qua, chúng tôi cũng nhận thấy, nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh bạn khi cập cảng không chứng minh được hoạt động đánh bắt xa bờ của mình, các loại giấy tờ mang theo rất sơ sài. Điều này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng tỉnh ta trong việc xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt và công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vì thế, để tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân vững tin vươn khơi xa đánh bắt thủy sản, ngoài việc tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ ngư dân của tỉnh ta, theo chúng tôi, chính quyền địa phương các tỉnh bạn cần thông báo cho các chủ tàu đánh bắt xa bờ chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết để xuất trình tại các cảng cá sau mỗi chuyến vươn khơi. Đồng thời chủ động tuyên truyền, cung cấp những nội dung cơ bản về Luật Biển Việt Nam, các hiệp định, quy chế về vùng đánh cá, các nội quy, quy định khi đánh bắt trên biển để ngư dân vững tin vươn khơi bám biển.

Với sự vào cuộc khẩn trương, đầy trách nhiệm của các cơ quan chức năng và sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân..., tin rằng hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân tỉnh ta sẽ sớm trở lại bình thường trong một ngày không xa.

Nguyễn Hoàng-Văn Minh