.

Thực trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới - Bài 2: Đi tìm giải pháp "gỡ" nợ đọng

Thứ Hai, 25/04/2016, 07:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở tỉnh ta đã khiến cho bộ mặt nhiều vùng nông thôn trở nên khang trang rõ rệt, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đằng sau những kết quả khả quan ấy là tình trạng nợ đọng kéo dài mà chưa biết đến bao giờ mới trả hết. Nhóm phóng viên Báo Quảng Bình đã trực tiếp tìm đến một số làng quê trong tỉnh để tìm hiểu về những biện pháp kiểm soát, "gỡ" nợ đọng trong xây dựng NTM thời gian qua...

>> Bài 1: Hàng loạt địa phương đang "ôm"... nợ

Huy động sức dân 

Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) là một xã thuần nông có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn, hơn 70% số hộ đều sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Nguồn ngân sách hàng năm thu vào ở địa phương tương đối hạn hẹp nên gặp không ít khó khăn khi triển khai đầu tư xây dựng những công trình, phần việc NTM cần đến nhiều kinh phí.

Với xuất phát điểm trước khi bắt tay vào NTM chỉ 5/19 tiêu chí đạt được, đây chính là bài toán khó đối với địa phương, bởi không dễ gì thực hiện được trong thời gian sớm... Tuy nhiên, nhờ quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị cộng thêm sự hưởng ứng tích cực từ phía nhân dân, chỉ trong vòng 4 năm, Lương Ninh đã ngoạn mục cán đích NTM mà hầu như không phải "ôm nợ" như một số xã khác ở tỉnh...

Chủ tịch UBND xã Lương Ninh Lê Thế Triển chia sẻ, để XDNTM thành công, một trong những việc làm cấp thiết đầu tiên đó là tạo công ăn việc làm ổn định, không ngừng tăng thu nhập cho người dân. "Dân giàu thì xã mới mạnh", là địa phương có vị trí địa lý gần kề với trung tâm thị trấn Quán Hàu và thành phố Đồng Hới, bước đầu chúng tôi xác định cần phải tận dụng tối đa lợi thế này.

Cụ thể, địa phương đã mạnh dạn tổ chức họp dân để thống nhất lại cách thức làm ăn sản xuất theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn như: Tiến hành dồn điền đổi thửa; đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào ruộng đồng; chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường cải tạo vườn tạp; nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả...

Bằng việc làm này, kết quả sản xuất nông nghiệp ở địa phương vẫn tăng trưởng tốt, trong khi đó quỹ thời gian nông nhàn được nâng lên. Khi quỹ thời gian nhàn rỗi trong dân nâng lên, chúng tôi khuyến khích người dân mạnh dạn mở mang thêm các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, vận tải, xây dựng..., thậm chí làm thuê để tăng thu nhập trong dân.

Nhờ huy động tốt sức dân, các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) nhanh chóng được hoàn thành.
Nhờ huy động tốt sức dân, các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) nhanh chóng được hoàn thành.

Chủ tịch Triển nói tiếp, bước đầu bắt tay vào thực hiện Chương trình NTM, thông qua rà soát, Lương Ninh xác định muốn về đích thì cần tới 80 tỷ đồng. Nếu không biết cách sắp xếp bố trí nguồn lực đầu tư hợp lí, sẽ rất khó về đích NTM trong thời gian sớm được. Xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Người dân là chủ thể, là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi từ chương trình... nên phải biết khơi dậy sức mạnh từ trong dân. Phải làm cho họ tin tưởng để từ đó phát huy tốt vai trò giám sát cũng như triển khai thực hiện một cách dân chủ, công khai.

Cụ thể, căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, những năm qua, Lương Ninh đã tiến hành họp dân để thống nhất phân chia công việc, phần việc trong XDNTM một cách hợp lý. Đơn cử như đối với vấn đề cải tạo vườn tạp và "4 cứng" (cứng nhà, cứng tường, cứng nền, cứng mái)..., nhân dân ở xã đa số đều tự nguyện xin nhận là trách nhiệm về mình. Người dân tại các thôn, ngõ, xóm cũng mạnh dạn đứng ra nhận trách nhiệm quản lý kinh phí, trực tiếp thi công cứng hoá đường bê tông ngay tại cơ sở. Đối với các công trình như "cây đa, bến nước, sân đình", xã Lương Ninh khéo léo vận động con em đi làm ăn xa có điều kiện tích cực hỗ trợ kinh phí cho địa phương...

Bên cạnh đó, UBND xã Lương Ninh còn mạnh dạn áp dụng thiết kế mẫu trong làm đường giao thông nông thôn, công trình thuỷ lợi, khuôn viên trường học... để giảm bớt kinh phí đầu tư; căn cứ vào khả năng đối ứng của dân để triển khai công việc một cách hợp lý; cân đối nguồn vốn để đầu tư ăn chắc và không dàn trải; biết "kế thừa" và nâng cấp những hạng mục cơ sở hạ tầng sẵn có một cách phù hợp...

Chính nhờ việc làm này, trong hành trình cán đích NTM, toàn xã đã huy động trên 79 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 23,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 55,6 tỷ đồng (chiếm hơn 70% tổng nguồn vốn). Ngoài ra, thời gian qua, toàn xã có trên 110 hộ dân hiến 2.380m2 đất, chặt bỏ nhiều cây cối, phá dỡ tường rào, cổng nhà... nhờ đó, các tuyến đường giao thông nông thôn nhanh chóng được hoàn thành.

Linh hoạt trong cơ chế huy động vốn

Bắt tay thực hiện Chương trình XDNTM với 6 tiêu chí đã đạt chuẩn, chủ yếu là các tiêu chí “mềm” cần ít vốn, xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, cái khó nhất chính là nguồn vốn đầu tư để xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí “nặng ký” như giao thông, thủy lợi, trường học. Với xuất phát điểm chỉ có 4 km (tương đương với 30%) đường nông thôn được bê tông hóa, cách làm của Quảng Xuân là tập trung huy động tất cả các nguồn vốn từ tỉnh, huyện, xã đến nhân dân.

Quy chế đầu tư cũng được thực hiện nghiêm túc theo chủ trương: đối với các tuyến đường xã, liên xã, nguồn vốn phân bổ cụ thể là tỉnh 60%, huyện 20%, xã 20%; đối với các tuyến đường liên thôn, nguồn vốn phân bổ cụ thể là huyện 60%, xã 20%, nhân dân đóng góp 20%. Riêng đối với các tuyến đường nội thôn, xã chỉ hỗ trợ xi măng, phần còn lại huy động sức dân là chủ yếu. Nhờ đó đến nay 85% đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa.

Đặc biệt, với đặc thù 80% dân số làm nông nghiệp, địa phương xác định “dồn sức” cho tiêu chí thủy lợi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân chia sẻ: Xã tập trung hoàn thiện hệ thông kênh mương nội đồng theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm; khoản đóng góp của dân được thu căn cứ theo thực tế diện tích đất nông nghiệp mà họ sử dụng. Để hạn chế nợ đọng, xã đã thực hiện đồng loạt các giải pháp quyết liệt, sáng tạo trên cơ sở bám sát thực tiễn của địa phương; công tác điều hành thu, chi ngân sách từ xã đến cơ sở được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Xác định nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất là một trong những nguồn lực quan trọng để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, những năm gần đây địa phương chú trọng lập quy hoạch, thu hồi đất, đồng thời soát xét lại đất xen kẹt trong các khu dân cư để tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác đấu giá. Hiện địa phương đang tiến hành phân 110 lô đất để đấu giá và dự kiến thu về 13 tỷ đồng để tiếp tục trả nợ công trình. Với cách làm này, Quảng Xuân tự tin sẽ “xóa” nợ đọng xây dựng cơ bản các công trình thuộc Chương trình XDNTM trong năm 2017.

Xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục. Việc đạt chuẩn NTM chính là kết quả quan trọng ban đầu để các địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng các tiêu chí ở mức cao hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung, nguồn ngân sách đầu tư hạn hẹp như hiện nay, việc tìm ra các giải pháp nhằm hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản trong XDNTM là rất cần thiết, đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. 

Trong vòng 5 năm (từ 2011 đến cuối 2015) bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh ta tự hào với 30 xã về đích, chiếm 22,1%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra (20%) và cao hơn 5,6% so với bình quân chung của cả nước.

Năm 2016, theo kế hoạch, tỉnh ta sẽ có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 68 xã (50% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới và 2 đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới. Mong rằng khi đạt chuẩn, các xã sẽ “khống chế” được nợ đọng vượt kế hoạch.

Thanh Hải-Văn Minh