.

Cần đổi mới đầu tư và vận hành công trình cấp nước sinh hoạt - Bài 1: Công trình nhiều, đạt chuẩn ít

Thứ Sáu, 29/04/2016, 07:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, mạng lưới nước sạch đã được đầu tư rộng khắp từ khu vực thành thị, nông thôn đến địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, nhiều công trình cấp nước khi bàn giao cho các xã quản lý và vận hành đã xuống cấp và hư hỏng nặng, trong khi đó cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng sau đầu tư bộc lộ nhiều bất cập...

Gần 40% công trình kém hiệu quả hoặc không hoạt động

Trong số các công trình đã được đầu tư từ nhiều năm qua, có hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt trong tỉnh đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí, nhiều công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã phải “đắp chiếu” do công tác quản lý, điều hành trong sử dụng không chặt chẽ. 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã An Ninh (Quảng Ninh) cho biết, địa phương có 2 công trình cấp nước sinh hoạt đang ở tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”. Đó là công trình nước sạch tại thôn Thống Nhất, được đầu tư trên 200 triệu đồng, có công suất thiết kế 60m3/ngày, đêm và đưa vào sử dụng năm 2007.

Những tưởng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp nhân dân nơi đây không còn phải chịu cảnh thiếu nước sạch, thế nhưng 4 năm qua công trình đã không hoạt động. Kế bên là công trình cấp nước thôn Kim Nại được đầu tư trên 600 triệu đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2002 với công suất 298m3/ngày, đêm và cũng đang ở hiện trạng “rã rời”.

Không riêng gì huyện Quảng Ninh, công trình cấp nước sinh hoạt xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) mặc dù mới được đưa vào sử dụng từ năm 2014, có công suất thiết kế 900m3/ngày, đêm với nguồn vốn đầu tư đần 7 tỷ đồng nhưng đến nay cũng đang “đắp chiếu”.

Tương tự, các hộ dân ở khu tái định cư Xuân Hạ, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) cho biết, công trình cấp nơi đây được Nhà nước đầu tư và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2010 nhưng giờ cũng bỏ không...  Đây chỉ là hiện trạng của một số công trình trong số hàng chục công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng với quy mô nhỏ và vừa nhưng quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” nên nhanh xuống cấp, hư hỏng rồi rơi vào tình trạng không thể hoạt động.

Công trình đầu tư tại nơi mà người dân có nhu cầu sẽ đem lại hiệu quả.
Công trình đầu tư tại nơi mà người dân có nhu cầu sẽ đem lại hiệu quả.

Theo thống kê của UBND các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh ta hiện có 103 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn như: ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA, tổ chức Đông Tây Hội ngộ... đã bàn giao cho các địa phương, đơn vị quản lý, sử dụng.

Song hiện chỉ có 20 công trình hoạt động bền vững (chiếm 19,4%), 45 công trình hoạt động ở mức trung bình (chiếm 43,7%), 14 công trình kém hiệu quả (chiếm 13,6%) và 24 công trình không hoạt động (chiếm 23,3%); trong đó, có 8 công trình không hoạt động đã được đưa vào danh mục thanh lý, hủy bỏ. Do hàng loạt công trình xuống cấp nên tỷ lệ hộ dân nông thôn ở tỉnh ta sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ đạt 84,3%.

Các công trình cấp nước không còn hoạt động nhiều nhất là ở huyện Minh Hóa, được đầu tư 20 công trình nhưng không có công trình bền vững nào; Quảng Trạch có 12 công trình thì 7 công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động; Quảng Ninh có 20 công trình chỉ có 4 công trình bền vững, còn lại các công trình đang ở hiện trạng trung bình, hoạt động kém hiệu quả và một số hiện nay không còn hoạt động; Tuyên Hóa chỉ có 4 công trình bền vững trên tổng số 21 công trình; Bố Trạch 13 công trình thì có 2 công trình bền vững còn lại là kém hiệu quả và ngừng hoạt động...

Đâu là nguyên nhân?

Qua trao đổi với đại diện lãnh đạo của một số địa phương cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc quản lý sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung sau đầu tư kém hiệu quả gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Trước hết, nguyên nhân hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt sau khi hoàn thành không phát huy hiệu quả là do đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ.

Một số công trình được đầu tư chủ yếu từ giai đoạn 1998-2010, đến nay đã bị xuống cấp qua nhiều năm sử dụng, đặc biệt qua các đợt thiên tai, bão lũ đã bị hư hỏng, nhưng các địa phương không có kinh phí để sửa chữa và khắc phục nên dần bị rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Đơn cử như các công trình tại xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa, Hóa Tiến (Minh Hóa), xã Thạch Hóa, Thuận Hóa, Văn Hóa (Tuyên Hóa), xã Sơn Thủy (Lệ Thủy), Tân Ninh, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh)...

Hơn nữa trong quá trình xây dựng công trình, việc theo dõi, giám sát của các chủ đầu tư chưa tốt, cán bộ có chuyên môn về kỹ thuật chuyên ngành cấp nước còn yếu và thiếu, dẫn đến chất lượng công trình sau khi hoàn thành chưa cao và nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là do trình độ nhận thức về sử dụng hệ thống cấp nước tập trung của người dân còn hạn chế, không đồng đều, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người nên các công trình ở những vùng này hoạt động được thời gian ngắn thì hư hỏng.

Cụ thể, huyện Minh Hóa là địa phương được Nhà nước đầu tư 20 công trình nước sinh hoạt (đa số các công trình tập trung được đầu tư theo dạng cấp nước tự chảy quy mô thôn, bản và hình thức quản lý mang tính cộng đồng), nhưng số lượng công trình kém hiệu quả và không còn hoạt động cũng chiếm trên 60% (11 công trình). Trong khi đó, công tác tuyên truyền về nước sạch về vệ sinh môi trường tại các địa phương còn nhiều hạn chế, thậm chí một số bộ phận người dân chưa có ý thức sử dụng và bảo vệ công trình.

Cùng với đó, một số các công trình đầu tư xây dựng nơi mà người dân chưa thật sự có nhu cầu và người dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc huy động nguồn vốn trong dân gặp khó khăn. Minh chứng rõ nét nhất là các công trình cấp nước ở xã Hoa Thủy (Lệ Thủy), Cự Nẫm (Bố Trạch), Quảng Trung (Ba Đồn)...

Tình trạng chung của các công trình này là ngay từ khi hoàn thành và bàn giao cho địa phương, xã không huy động được nhân dân đóng góp kinh phí để đấu nối sử dụng nên các hạng mục hư hỏng, xuống cấp và trở thành phế tích.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT, mô hình quản lý công trình nước sạch hiện đang được áp dụng nhiều nhất là sau khi xây dựng bàn giao các địa phương hưởng lợi tự thành lập tổ quản lý, vận hành, quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương vẫn chưa tổ chức tốt công tác quản lý, khai thác và chưa quan tâm đến việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa do thực trạng “thu không đủ bù chi”.

N.L

Bài 2: Phải đầu tư đúng chỗ và phân cấp quản lý đúng địa chỉ