.

Cá vẫn chết, dân chài ôm thuyền ngóng biển

Thứ Tư, 27/04/2016, 07:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau hai tuần xảy ra tình trạng cá chết bất thường, tình trạng cá chết hàng loạt đã không còn tuy nhiên vẫn còn hiện tượng cá chết rải rác. Hiện tại, do chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây cá chết nên người dân vẫn còn lo lắng và hoang mang. Trong hai ngày trở lại đây, những tàu đánh cá vùng biển xa đã hoạt động trở lại bình thường, nhưng những thuyền đánh bắt gần bờ vẫn nằm im ắng trên bãi, ngư dân không buồn ra khơi...

Vẫn còn hiện tượng cá chết rải rác...

Bắt đầu từ ngày 10-4-2016, tại bờ biển xã Quảng Đông (Quảng Trạch), xuất hiện tình trạng cá biển chết rải rác, sau đó tiếp tục lan rộng xuống phía Nam đến các xã Ngư Thủy (Lệ Thủy). Đỉnh điểm là từ ngày 14 đến 19-4-2016 cá chết rất nhiều, ước tổng lượng cá chết trôi vào bờ khoảng 25-30 tấn và lượng cá chết tại các nhà hàng nổi ở cửa sông Nhật Lệ là 955 kg. Tuy nhiên, trong khoảng gần một tuần qua, hiện tượng cá chết ven biển đã giảm hẳn.

Thế nhưng từ rạng sáng ngày 25 và ngày 26-4-2016 nhiều ngư dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) cho biết, tình trạng cá chết chưa chấm dứt, mà xảy ra hiện tượng cá chết trở lại và tiếp tục trôi dạt vào bờ với số lượng ít hơn, con nhỏ hơn. Đặc biệt có rất nhiều cá vẫn còn lờ đờ và cá mới chết dạt vào gần bờ vẫn còn tươi, trong đó chủ yếu là các loài cá sống tầng đáy như mú, chai, đù, đục...

 Gần nửa tháng nay, hàng trăm tàu cá của ngư dân nằm im ắng trên bãi.
Gần nửa tháng nay, hàng trăm tàu cá của ngư dân nằm im ắng trên bãi.

Đáng kể, trước tình trạng cá chết như vậy, một số người dân vùng biển đi nhặt cá chết, thậm chí theo thuyền ra gần bờ vớt cá lờ đờ trôi nổi trên mặt nước để bán lại cho các xe đông lạnh thu mua ngay tại bờ. Anh Võ Văn L., ở Đức Trạch cho biết, giá thu mua cá từ 50-60.000 đồng/kg. Mỗi ngày, có hàng chục người dân đổ ra biển nhặt cá để bán, có người đi một buổi kiếm được hơn 1 triệu đồng tuy nhiên chẳng ai biết những xe đông lạnh này thu mua cá chở đi đâu tiêu thụ.

Riêng tại huyện Bố Trạch, ngay khi có thông tin, ông Phan Văn Gòn, Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo các địa phương dừng ngay việc này để tránh xảy ra các trường hợp bị ngộ độc cho người dân các vùng khác khi mua phải.

Còn tại huyện Quảng Trạch mặc dù không còn tình trạng cá chết hàng loạt dạt vào bờ nhưng hiện tượng cá chết rải rác vẫn tiếp diễn. Ông Võ Quang Đạt, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho hay, trong những ngày từ 10 đến 16-4, lượng cá biển chết trôi dạt vào bờ bình quân 200-300kg/ngày. Hiện tại lượng cá chết vẫn còn số lượng không lớn, người dân chủ động nhặt và chôn lấp để bảo đảm vệ sinh môi trường biển.

Một số địa phương ven biển khác như Quảng Phú, Cảnh Dương vẫn ghi nhận có tình trạng cá chết rải rác, chủ yếu trôi lờ đờ trên mặt nước. Trong hai ngày qua, thấy hiện tượng cá chết đã giảm nên một số ngư dân Cảnh Dương đã ra khơi và cũng đánh bắt được sản lượng khá, đặc biệt cá vẫn còn tươi. Có hộ sau khi bán giữ lại một ít để làm thực phẩm trong gia đình, nhưng sau bữa ăn có món cá biển đã xảy ra hiện tượng ngộ độc nhẹ cả nhà...

Mưu sinh khó khăn

Với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương ven biển, hàng chục tấn cá chết đã được thu gom và xử lý. Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, khi nhận được tin báo từ cơ sở, huyện đã chỉ đạo các xã vùng biển khẩn trương tổ chức lực lượng thu gom, tiêu hủy tránh làm ô nhiễm môi trường, đồng thời vận động không thu gom cá chết về làm thực phẩm, bán hoặc làm mắm muối gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, cử cán bộ hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là khâu lấy nước vào các ao nuôi.

Hiện tượng cá chết rải rác vẫn còn tiếp diễn.
Hiện tượng cá chết rải rác vẫn còn tiếp diễn.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tượng cá chết hàng loạt dọc các địa phương ven biển trong hơn nửa tháng qua đã khiến cuộc sống của nhiều ngư dân miền biển bị đảo lộn, ngư dân không biết khi nào có thể ra khơi để mưu sinh. Đặc biệt, với những ngư dân vùng bãi ngang, nghề đi lộng là một nghề cứu cánh, nhưng "cơn bão" cá chết trôi dạt vào bờ suốt hơn hai tuần qua đã cướp đi "nồi cơm" sinh kế của họ.

Lão ngư Nguyễn Văn Hồng, ở xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) gần nửa thế kỷ theo nghề đi lộng, cái nghề giúp ông nuôi sống cả gia đình mấy chục năm nay. Ấy vậy mà nửa tháng nay, chiếc thuyền thúng của ông nằm trơ trên bãi cát. "Cá gần bờ chết hết rồi còn mô nữa mà đánh hả chú, có bắt được cũng chẳng ai mua mà mình cũng có dám ăn mô, mấy bữa nay ngồi ngó ra biển mà chẳng biết làm chi, không biết rồi sống răng nữa", ông Hồng thở dài cho biết.

Ông Hoàng Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Trạch (Bố Trạch) chia sẻ: Toàn xã hiện có trên 100 tàu đánh bắt cá xa bờ và gần bờ. Tuy nhiên, do hiện tượng cá chết vẫn còn xuất hiện rải rác ven bờ biển và chưa rõ nguyên nhân nên tàu thuyền không thể ra khơi, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Cùng chung cảnh ngộ với ngư dân, hoạt động kinh doanh, buôn bán liên quan đến mặt hàng hải sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các ngành nghề liên quan đến biển như du lịch, tắm biển, dịch vụ ăn uống hải sản, hậu cần nghề cá... hiện vẫn bị đình đốn chưa thể hoạt động trở lại.

Với tình hình diễn biến còn nhiều phức tạp, UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản kiểm tra chặt chẽ các yếu tố môi trường nước, tạm dừng lấy nước vào ao nuôi cho đến khi không còn hiện tượng cá chết ven biển và cơ quan chuyên môn thông báo môi trường nước biển ổn định, không có độc tố; có phương án chủ động di dời các lồng nuôi lên phía thượng nguồn nếu xuất hiện hiện tượng cá lồng bị chết do môi trường nước.

Các xã, phường tiếp giáp với bờ biển tiếp tục huy động lực lượng, thu gom xử lý số cá chết theo quy định để không ảnh hưởng đến môi trường, tuyệt đối không để nhân dân sử dụng cá chết làm thực phẩm, thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc kinh doanh, vận chuyển ra khỏi địa bàn. Chỉ đạo ngư dân ngừng khai thác thủy sản ven bờ cho đến khi cá hết chết bất thường và môi trường biển trở lại bình thường (khi cơ quan chức năng thông báo); riêng khai thác xa bờ và vùng biển xa vẫn tiếp tục sản xuất bình thường...

Trong khi chờ cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân, cuộc sống của hàng ngàn ngư dân vùng biển khốn khó thêm từng ngày và họ vẫn đang ngóng chờ ngày ra biển trở lại...

Nhóm phóng viên Kinh tế

Phát hiện xe đông lạnh thu mua cá chết tại Quảng Thọ

Chiều 26-4, ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, đơn vị này vừa cùng lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện một xe đông lạnh đang thu mua cá của ngư dân vớt được ven biển thuộc phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn).
Vẫn còn tình trạng cá chết dạt vào bờ biển xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
Vẫn còn tình trạng cá chết dạt vào bờ biển xã Thanh Trạch (Bố Trạch).

Theo ông Du, chiếc xe đông lạnh nói trên mang biển số Hà Tĩnh. Lúc bị phát hiện xe này mới chỉ mua được một ít cá của ngư dân vớt từ ven bờ lên bán. Lực lượng Cảnh sát môi trường đã ngay lập tức yêu cầu chủ xe này tiêu hủy toàn bộ số cá vừa mua được và yêu cầu không tiếp tục mua cá vớt từ ven bờ biển lên để đề phòng những nguy cơ nhiễm độc cho người sử dụng.

Trả lời cơ quan chức năng, chủ xe cho biết xe mình không mua cá đã chết mà chỉ mua cá sống và cá đang “lờ đờ”. Chủ xe cũng nói cá sau khi mua sẽ được đem đi bán lại. Ông Du cho hay đã xác minh được những ngư dân vớt cá bán cho xe này cũng không phải là người địa phương mà đến từ vùng ven biển Hà Tĩnh. Những ngư dân này đi thuyền nhỏ và đánh bắt các loại cá ven bờ, gồm cả cá đang "lờ đờ" vào để bán cho thương lái.

Được biết, thời gian qua đã có hàng chục tấn cá dạt vào bờ biển tỉnh ta. Số cá này sau đó đã được tiêu hủy.

L.C