.

Đường lớn đã mở

Thứ Ba, 09/02/2016, 20:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Một buổi chiều tháng 8 năm 2015, bên lề hội nghị xúc tiến đầu tư tại thành phố Đồng Hới, tôi được tiếp chuyện Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đến từ thành phố Hồ Chí Minh, khách mời hội nghị. Qua câu chuyện của ông đã gợi mở nhiều điều về hướng phát triển của Quảng Bình. Ông bộc bạch rằng, để tăng tốc và phát triển bền vững thì Quảng Bình phải thu hút được một số dự án lớn mang tính động lực, khi đó mỗi năm ngân sách thu vào trên chục ngàn tỷ đồng không phải là vấn đề gì quá khó.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư.

Hai năm bằng hai mươi năm

Tiến sỹ Trần Du Lịch nói rằng, so với các địa phương trong khu vực, Quảng Bình có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và điều kiện địa lý để phát triển các dự án phát triển công nghiệp, du lịch, chế biến nông lâm thủy sản. Điều đó ai cũng biết, nhưng vì sao một thời gian dài ít được các nhà đầu tư để ý đến?

Lý giải vấn đề đó, ông cho rằng, Quảng Bình đã có tầm nhìn và quyết định đúng về kinh tế mở và phát triển du lịch, công nghiệp. Tuy nhiên, trước đây số lượng nhà đầu tư đến còn khiêm tốn là có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân môi trường đầu tư chưa hấp dẫn. Ông cũng đánh giá cao Quảng Bình trong việc xúc tiến đầu tư. Những năm gần đây lãnh đạo tỉnh đã tăng cường chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư.

Kết quả là đã có một số nhà đầu tư lớn Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga... đến tìm hiểu, thăm dò và ký kết biên bản hợp tác đầu tư tại tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu Việt Nam đến nghiên cứu, đầu tư như: tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Dệt may, Vingroup, Sungroup, FLC, Saigon  Co.op Mart và nhiều doanh nghiệp lớn vào các lĩnh vực mà Quảng Bình có lợi thế như: du lịch, công nghiệp, thương mại...

Ông Lê Văn Phúc, Bí thư Thành ủy Đồng Hới, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư cho biết, trong tháng 8 năm 2015 tỉnh đã tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 do UNESCO trao cho Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Lễ hội Hang động năm 2015; cùng với BIDV tổ chức 2 hội nghị Xúc tiến đầu tư trong năm 2014 và 2015 mang tầm cỡ quốc tế, với tổng số vốn các dự án đăng ký đầu tư vào Quảng Bình trên 35.000 tỷ đồng.

Tổng số vốn mà các dự án đăng ký đầu tư 2 năm (2014-2015), bằng số vốn mà các nhà đầu tư đã cam kết 20 năm qua cộng lại. Đây được xem là một kỳ tích, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nền kinh tế Quảng Bình.

Một tín hiệu khả quan nữa là, nếu như quảng thời gian dài trước đây không có lấy một dự án vốn nước ngoài nào đầu tư trên địa bàn, thì nay đã có 12 dự án, tổng mức đầu tư 108 triệu USD.

Ngoài ra, có một số nhà đầu tư nước ngoài đang tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư như Dự án Xây dựng kho ngoại quan và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ cảng biển Hòn La đến tỉnh Khăm Muộn (Công ty TNHH Petro Lào), tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD; dự án Cảng nước sâu Lệ Thủy (Quỹ INNARA - CH Séc)...

Dự án động lực

Trở lại câu chuyện của Tiến sỹ Trần Du Lịch, ông nói, lần này ra Quảng Bình ông rất mừng vì thấy nhiều nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và quốc tế có mặt trong hội nghị. Và với sự cam kết rất mạnh mẽ của lãnh đạo BIDV chắc chắc Quảng Bình sẽ thành công. Cũng theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, Quảng Bình có lợi thế về du lịch hang động, đó được xem là hạt nhân để thu hút các dự án lớn mang tính động lực phát triển kinh tế.

Bất cứ người dân nào của Quảng Bình cũng có thể nhận thấy du lịch đang có bước phát triển mạnh mẽ. Ông Lương Văn Luyến, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, nếu như vào năm 2005 chỉ có 500 ngàn lượt khách, năm 2010 có 856 ngàn lượt khách, thì đến nay đã đạt 2,9 triệu lượt khách. Quảng Bình thực sự đã trở thành điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước. Và trong tương lai với tiềm năng của mình Quảng Bình sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn của Đông Nam Á.

Hoạt động quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, “Quảng Bình-Vương quốc hang động” mà ấn tượng là hang Sơn Đoòng thực sự đã gây tiếng vang trên thế giới. Nhà đầu tư không bỏ lỡ cơ hội này, nên họ đã đón đầu xây dựng hàng loạt khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lưu niệm. Riêng năm 2015, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đầu tư 15 khách sạn 2 đến 5 sao với số lượng gần 1.000 phòng.

Năm 2015 là năm tỉnh ta có các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự án và đầu tư nhiều nhất từ trước đến nay. Các tập đoàn lớn đã đến đầu tư tại Quảng Bình trên các lĩnh vực: Nhiệt điện, may mặc, các dự án khu vui chơi giải trí, mua sắm, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao. Trong đó có dự án Dự án Sân golf, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh-Hải Ninh, Dự án Trung tâm vui chơi, giải trí Đồng Hới, Dự án Trung tâm thương mại Đồng Hới, Dự án Khu du lịch sinh thái nước khoáng Bang, Dự án Khu du lịch sinh thái Quảng Đông, Quảng Trạch, Dự án Khu nghỉ mát và giải trí sinh thái Phong Nha; Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; Dự án Khu công viên giải trí phục vụ du lịch quốc tế Đồng Hới...

Đặc biệt, sau khi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã nhanh chân đầu tư một loạt nhà máy may trên địa bàn. Đây được xem là bước đột phá có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương.

Lĩnh vực nông nghiệp lâu nay hầu như chưa có nhà đầu tư nào ngó ngàng tới vùng đất khô cằn gió “Lào cát trắng" này, thì nay có 4 nhà đầu tư hàng đầu trong nước và quốc tế xin được đầu tư dự án chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao như: Dự án chăn nuôi bò thịt Úc áp dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hòa Phát với quy mô 27.000 con/năm, tổng mức đầu tư dự kiến 674 tỷ đồng, Dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà; Dự án nuôi lợn giống của Công ty CP Tập đoàn DABACO...

Thời gian không xa, khi các dự án này hoạt động sẽ tạo điều kiện cho con em nông thôn chuyển vào làm việc nhà máy, trang trại, nhằm đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất ở nông thôn để nông dân dần dần có đủ diện tích tối thiểu, bảo đảm sản xuất có hiệu quả.

Gắn trách nhiệm với nhà đầu tư

Ngay sau khi vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, mặc dù còn bộn bề công việc, nhưng Thường trực Tỉnh ủy đã thu xếp chuyến công tác đầu tiên ra Hà Nội, do tân Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài dẫn đầu làm việc với lãnh đạo Tập đoàn FLC. Điều đó nói lên sự quyết tâm cao của Quảng Bình trong việc mời gọi đầu tư.

Dự án Khách sạn Mường Thanh tiêu chuẩn 5 sao vừa đưa vào hoạt động.
Dự án Khách sạn Mường Thanh tiêu chuẩn 5 sao vừa đưa vào hoạt động.

Nội dung của buổi làm việc đã đi thẳng vào các bước triển khai cam kết của Tập đoàn FLC về đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế với các hạng mục sân golf, resort, khách sạn nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí... tại Quảng Bình, đã được hai bên ký kết trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Quảng Bình, diễn ra ngày 14-8-2015.

Theo như lời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, với dự án này, FLC sẽ là nhà đầu tư lớn nhất tại Quảng Bình từ trước đến nay. Đồng chí mong muốn FLC sẽ coi Quảng Bình là địa bàn đầu tư chiến lược, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển theo hướng lấy du lịch làm nền tảng, tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh.  (Xem tiếp trang 13)

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC tỏ ra cảm kích với sự nhiệt thành của lãnh đạo Quảng Bình và cam kết sẽ triển khai dự án với tiến độ nhanh nhất có thể như đã làm với sân golf tại Bình Định và Khu du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa, đồng thời hứa cũng sẽ nghiên cứu đầu tư thêm các lĩnh vực khác tại Quảng Bình. Hai bên khẳng định sẽ cùng nhau triển khai các thủ tục pháp lý cho dự án quần thể sân golf và khu nghỉ dưỡng tại Quảng Bình, để có thể tiến hành khởi công dự án vào đầu năm 2016.

Theo lời đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, sau buổi làm việc với Tập đoàn FLC, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục có các cuộc làm việc với một số tập đoàn để triển khai dự án đã cam kết đầu tư với tỉnh.

Một tin vui đến Quảng Bình là cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ nhất trí đưa Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo vào danh mục ưu tiên đầu tư tập trung bằng nguồn vốn ngân sách. Không phải ngẫu nhiên mà có được sự ưu ái đó, mà nhờ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Cha Lo trong những năm qua liên tục phát triển mạnh, năm sau luôn cao hơn năm trước từ 30 - 50%.

Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 đạt 1,71 tỷ USD và năm 2015 đạt khoảng 1,95 tỷ USD; tổng thu ngân sách qua Cửa khẩu Cha Lo đạt khoảng 1.100 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2006-2010. Điều kiện đầu tư ở Khu kinh tế Cha Lo rất hấp dẫn, đến thời điểm này đã có 11 dự án đăng ký đầu tư tại đây, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 557 tỷ đồng (trong đó có 1 dự án nước ngoài (FDI) với tổng mức 5 triệu USD).

Có thể nói, vào lúc này Quảng Bình vẫn đang còn đó những khó khăn, nhưng nhìn về tương lai khi các dự án lớn đầu tư đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ đóng góp cho ngân sách trên chục ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế Quảng Bình tăng tốc phát triển.

Tr.T