.

Xanh lại những cánh rừng cao su

Thứ Sáu, 27/11/2015, 14:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa chẵn 2 năm kể từ sau cơn bão số 10 năm 2013, chúng tôi mới có dịp trở lại Công ty TNHH MTV Lệ Ninh. Qua tâm sự của Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Sơn được biết, thời gian qua công ty đã tập trung nguồn lực để phục hồi lại vườn cây cao su và tiến hành sắp xếp lại mô hình doanh nghiệp theo tinh thần Nghị định 118/NĐ-CP của Chính phủ, bước đầu tạo sự ổn định.

Vườn cây cao su mới trồng đang phát triển xanh tốt.
Vườn cây cao su mới trồng đang phát triển xanh tốt.

Mặc dù bị bão số 10 năm 2013 tàn phá nặng nề, nhưng Công ty TNHH MTV Lệ Ninh vẫn xác định sản xuất cây cao su là hướng phát triển chủ yếu lâu dài, là sự sống còn của đơn vị. Ngay sau bão, công ty đã tập trung nguồn lực cho việc khắc phục lại vườn cây cao su, đồng thời xin chuyển đổi 300 ha đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su tại tiểu khu 400 và 402 thuộc xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy.

Điều đáng mừng là vào thời điểm khó khăn này, công ty được Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Bình hỗ trợ nguồn vốn để trồng mới cây cao su. Hai năm qua công ty đã trồng được 250ha cao su, riêng  năm 2015 trồng được 100ha. Dự kiến trong năm 2016 và các năm sau công ty trồng mỗi năm từ 100ha đến 150ha cây cao su, đưa tổng vườn cây cao su lên 2.000ha.

Để trồng tái điền vườn cây cao su đạt kế hoạch đề ra, công ty đã chủ động tổ chức đền bù tài sản cây trồng cho các chủ hợp đồng nhằm lấy lại đất khai hoang, trồng mới cao su. Bình quân mỗi ha công ty phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng để đền bù cho các chủ đất. Nhờ vậy mà toàn bộ diện tích vườn cây cao su của công ty nằm liền vùng liền khoảnh, tiện lợi cho công tác bảo vệ quản lý, đầu tư khai thác, kinh doanh sau này.

Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, rút kinh nghiệm qua cơn bão số 10, trong việc đầu tư trồng mới cây cao su, công ty đã áp dụng giải pháp nhằm hạn chế rủi ro. Trước khi bắt đầu khai hoang, trồng mới, công ty rất chú trọng thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do Tập đoàn Cao su Việt Nam hướng dẫn. Đó là, thiết kế lô trồng khoảng cách vừa phải, các lô cao su đều thiết kế đai rừng chắn gió. Chọn các loại giống Rrim712, Rrim600, Rric100, Rric121, theo sự khuyến cáo của Tập đoàn Cao su Việt Nam đưa vào canh tác. Mặc dù trong bối cảnh nguồn vốn hết sức eo hẹp nhưng công ty vẫn quyết định đầu tư trên một tỷ đồng để làm hàng rào dây thép gai bảo vệ tất cả các vườn cây mới trồng, không để xảy ra tình trạng trâu bò thả rông vào vườn cây non phá hoại.

Công ty đã chỉ đạo các đội sản xuất áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật trồng cây cao su, coi trọng khâu giống và đầu tư đủ số lượng phân bón nên vườn cao su mới trồng đều phát triển rất tốt, tỷ lệ cây trồng sống đạt trên 95%.

Ông Lê Văn Thiên, công nhân đội trồng cao su dẫn chúng tôi thăm vườn cây cao su 2 năm tuổi. Vườn cây của ông phát triển xanh tốt nhất trong đội. Cây được trồng ngay hàng thẳng lối, tỷ lệ cây sống gần 100%, sau 2 năm cây đã cao trên 3m, tương đương với vườn cây 4 năm tuổi ở những vùng đất khác.

Ông nói, gia đình ông nhận 4ha để trồng và chăm sóc cây cao su, mỗi ha tiền công chăm sóc 8,4 triệu đồng/năm và trồng thêm lạc dưới gốc cao su cũng đủ trang trải cho gia đình. Nhờ cây cao su mà các hộ gia đình công nhân trong đội ổn định đời sống, có tiền lo cho con cái học hành. Nếu thời tiết thuận lợi thì 3 năm nữa vườn cây của các gia đình công nhân sẽ được cạo mủ, khi đó đời sống sẽ khá hơn.

Qua trao đổi với Giám đốc Công ty được biết, nguồn vốn đầu tư cho trồng cây cao su khá lớn, công ty đã phải huy động tổng lực, trong đó nguồn chính là vay từ Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Bình. Định mức đầu tư trồng mới cho 1 ha cây cao su khoảng 50 triệu đồng, từ năm thứ hai đến năm thứ 5, mỗi năm khoảng 10 triệu đồng cho phân bón, chăm sóc...; tổng cộng đến khi cây đưa vào cạo mủ phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho một ha.

Để quản lý chất lượng vườn cây, công ty đã áp dụng biện pháp khoán hộ thông qua hợp đồng kinh tế. Bình quân mỗi hộ được giao 4 ha. Đến khi cao su đến thời kỳ khai thác thì công ty tiến hành thanh lý hợp đồng, đánh giá chất lượng vườn cây và tiếp tục giao lại cho hộ khai thác bán sản phẩm cho công ty theo giá thỏa thuận.  Theo đồng chí Giám đốc Công ty thì cây cao su của công ty trồng thời gian qua đều là loại giống chất lượng cao, chỉ sau 5-6 năm là có thể đưa vào khai thác, thu hồi vốn. 

Công ty có cách làm sáng tạo là, trong lúc đang khó khăn về nguồn vốn để đầu tư tái điền vườn cây cao su, công ty đã linh hoạt thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Cụ thể là, công ty chỉ đạo các đội sản xuất tận dụng số diện tích đất chuẩn bị cho trồng cây cao su, đưa vào trồng lạc và các loại cây ngắn ngày. Với cách làm này mỗi năm công ty đã trồng được 100 ha lạc, với năng suất 30 tạ/ha, là một nguồn thu đáng kể cho công ty trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Đầu tư dây chuyền chế biến mủ cao su công suất 3.000 tấn/năm.
Đầu tư dây chuyền chế biến mủ cao su công suất 3.000 tấn/năm.

Theo đồng chí Giám đốc công ty, sắp tới công ty liên kết với các công ty dược phẩm trong nước để trồng cây dược liệu như: cây sả, nghệ, gừng, đinh lăng... làm nguyên liệu dược, góp phần giảm khó khăn cho người lao động và tận dụng được đất đai dưới gốc cây cao su.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công ty tích cực triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Theo tinh thần của Nghị định 118/NĐ-CP, ngày 17-12-2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp thì Công ty TNHH MTV Lệ Ninh được sắp xếp lại theo mô hình cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ 64% cổ phần.

Thời gian qua, công ty đã tiến hành giải thể 3 nông trường và 3 chi nhánh thành viên để tập trung vốn cho vườn cây cao su. Điều đáng ghi nhận là trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng công ty hết sức quan tâm chăm lo đời sống cho gần 800 cán bộ, công nhân lao động; đóng đầy đủ, kịp thời BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ, công nhân viên đúng quy định với số tiền 9,1 tỷ đồng mỗi năm, ổn định mức thu nhập khoảng 3,2 triệu đồng/người/tháng...

Giám đốc Công ty tâm sự, hơn 55 năm từ khi thành lập công ty đến nay, thời điểm này là khó khăn nhất, ngoài thiệt hại do bão gây ra, giá cao su mủ khô trên thị trường liên tục giảm, nay chỉ bằng 1/3 trước đây, thế nhưng điều đó không làm cho cán bộ, công nhân, người lao động trong công ty vơi đi niềm tin về cây cao su, trái lại họ càng quyết tâm sẽ làm xanh lại những cánh rừng cao su trên vùng phía tây Lệ Thủy.

Trọng Thái